Xơ phổi mô kẽ hậu Covid-19 có nguy hiểm không?
Xơ phổi vẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân Covid-19 nhẹ, điều trị ngoại trú, trẻ tuổi. Biểu hiện lâm sàng là những bệnh nhân này khó thở thường xuyên, tăng khi gắng sức, nặng hơn là phụ thuộc thở oxy, mệt mỏi, trên phim CT Scan ngực tổn thương xơ tiến triển ở mô kẽ kết hợp tổn thương kính mờ 2 phổi.
Câu hỏi: Trong số các biểu hiện về hô hấp hậu Covid-19, đâu là vấn đề nghiêm trọng nhất. Tôi được chẩn đoán xơ phổi mô kẽ, liệu có nguy hiểm hay không?
Trả lời:
PGS, TS Nguyễn Đình Tiến, Chủ nhiệm Bộ môn Nội Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108:
Bệnh nhân bị hậu Covid-19 với các biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan, hệ thống trong cơ thể như hô hấp, tim mạch, thần kinh-tâm thần, ngoài da và toàn thân… nhưng phổ biến hơn cả là di chứng ở cơ quan hô hấp (chiếm khoảng 50% tổng số biểu hiện hậu Covid-19).
Hay gặp nhất là khó thở và ho kéo dài, đau ngực, huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi, đặc biệt là xơ phổi mô kẽ hậu Covid-19.
Khó thở và ho kéo dài, đau ngực, thường mắc kéo dài sau khi điều trị Covid-19, là hiện tượng thường xảy ra sau nhiễm virus đường hô hấp nói chung với triệu chứng chính là ho, thường chỉ ho khan, thở khò khè, nặng ngực, thường gặp ở bệnh nhân trong khi mắc Covid-19 có tăng IL-6 và lipocalin-2. Các biểu hiện như vậy được nằm trong một hội chứng gọi là hội chứng tăng phản ứng đường thở sau viêm.
Huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi: Bệnh nhân có thể bị tổn thương mạch máu nhỏ ở phổi, mắc huyết khối lớn và nhỏ đã xảy ra ở giai đoạn sớm của Covid-19. Hiện tượng này xảy ra ở Covid-19 nhiều hơn các bệnh virus khác.
Mặt khác, tình trạng tăng đông có thể kéo dài qua thời kỳ hậu Covid-19. Cơ chế huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi là do máu ứ trệ, tổn thương nội mạc mạch máu và tăng đông. Đo thrombomodulin có thể theo dõi tình trạng tổn thương nội mạc còn tiếp tục hay không.
Tình trạng tăng đông còn có thể do viêm kéo dài biểu hiện bằng xét nghiệm IL-6 và lipocalin-2 vẫn còn cao và có kháng thể Antiphospholipid. Khi bệnh nhân có các biểu hiện như: Khó thở, đau tức ngực, ho và có thể ho ra máu, cần xét nghiệm D-dimer và kiểm tra X-quang phổi, điện tim, siêu âm tim, nếu nghi ngờ thuyên tắc động mạch phổi cần chụp CT-Scan ngực có thuốc cản quang để chẩn đoán xác định huyết khối động mạch phổi.
Xơ phổi mô kẽ hậu Covid-19 là biến chứng nghiêm trọng nhất của hậu Covid-19. Cơ chế được giải thích là do CRP, IL-6 và LDH tăng cao hoạt hóa fibroblast gây xơ phổi. TGF-β: Cytokine quan trọng nhất trong giai đoạn phục hồi tổn thương nhu phổi sau viêm, là tác nhân gây xơ phổi, TGF-β tăng làm giảm ACE-2 và tăng Angiotensin II làm tăng sinh fibroblast, chúng di chuyển vào nhu mô phổi, hình thành hóa thành myofibroblast, hoạt hóa và gây tích tụ ở gian bào ngoại bào.
Xơ phổi mô kẽ thường xảy ra nhiều ở những bệnh nhân thở máy, viêm phổi nặng, hút thuốc, nghiện rượu, và khi điều trị oxy liều cao gây stress oxy hóa. Chấn thương do thở máy cũng làm tăng khả năng xơ phổi.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là xơ phổi vẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân Covid-19 nhẹ, điều trị ngoại trú, trẻ tuổi. Biểu hiện lâm sàng là những bệnh nhân này khó thở thường xuyên, tăng khi gắng sức, nặng hơn là phụ thuộc thở oxy, mệt mỏi, trên phim CT Scan ngực tổn thương xơ tiến triển ở mô kẽ kết hợp tổn thương kính mờ 2 phổi.
Đo chức năng hô hấp bệnh nhân có rối loạn thông khí hạn chế biểu hiện bằng giảm rõ rệt FVC và giảm khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch phổi (đo Dlco giảm rõ), đo khí động mạch có giảm oxy rõ, nếu nặng có biểu hiện suy hô hấp.
Khi bạn thấy có những biểu hiện trên sau khi mắc Covid-19, bạn nên tìm đến nhân viên y tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.
Tuy nhiên, bệnh nhân không quá hoang mang lo lắng: nếu bệnh nhân trẻ, không bệnh nền, điều trị ngoại trú chỉ tái khám nếu khi có triệu chứng hô hấp kéo dài.
Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền, Covid-19 trung bình đến nặng nhưng không cần nhập viện thì nên tái khám 3 tuần kể từ ngày khởi phát. Còn bệnh nhân nặng, điều trị ở bệnh viện, phải tái khám trong vòng 1 tuần kể từ khi xuất viện, tối đa là 2-3 tuần.
Với các bác sĩ chuyên khoa hô hấp hoặc tại phòng khám dành cho bệnh nhân hậu Covid-19, khi bệnh nhân có triệu chứng hô hấp kéo dài hậu Covid-19, cần có bản hướng dẫn hỏi bệnh tỉ mỉ cho bệnh nhân, khám đánh giá mức độ khó thở, phát hiện các triệu chứng thực thể hô hấp. Bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm để phát hiện bệnh lý phổi cũng như biến chứng tắc mạch phổi.
Chụp phim X-quang phổi thường quy (nếu nghi ngờ tổn thương viêm, xơ phổi hoặc tắc mạch mạch phổi cần chụp CT Scan ngực đa dãy, có thuốc cản quang tĩnh mạch), xét nghiệm công thức máu thường quy, tốc độ lắng máu, thời gian Prothrombin, xét nghiệm TSH, FT3, FT4, D-dimer, điện tim, đo chức năng thông khí phổi, hoặc phế thân ký, nếu nghi ngờ xơ phổi kẽ nhằm đánh giá dung tích toàn phổi, khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch.
Tiến hành làm test đi bộ 6 phút, đo SpO2 (SpO2 giảm hoặc bệnh nhân khó thở năng cần đo khí máu động mạch). Sau khi có kết quả khám bệnh và xét nghiệm, kết luận các tình trạng bệnh lý hô hấp, chúng ta có thể tư vấn, kê đơn điều trị cho người bệnh.
Nguồn https://nhandan.vn/phong-benh/xo-phoi-mo-ke-hau-covid-19-co-nguy-hiem-khong--696945/
- “Bão” tiêu cực quét qua ngành Y tế: Bài học nào cho công tác cán bộ?
- Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra việc khám, cấp giấy khám sức khỏe lái xe
- Diễn viên Thúy An trải lòng về hành trình đi sinh đầy hạnh phúc
- Ba dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng diễn biến nặng
- Hà Nội yêu cầu các cơ sở không kinh doanh, sử dụng thuốc Voltarén 75mg giả
- TP. HCM thông tin về lô vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ từ 6-12 tuổi hết hạn sử dụng
- Bộ Y tế hướng dẫn người dân cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
- Đau mắt đỏ ở trẻ hậu Covid-19: Chớ chủ quan, tự chữa tại nhà
- Đợt dịch 4 Hà Nội ghi nhận 1.596.748 ca Covid-19