Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Xu hướng mua sắm Tết 2025” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2/12.
Đánh giá về việc mua sắm thị trường Tết năm 2025, các chuyên gia dự báo tổng chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) dịp Tết 2025 sẽ tăng trưởng khoảng 5% so với Tết 2024.
Theo khảo sát Công ty Kantar Việt Nam (đơn vị nghiên cứu thị trường), vào quý IV/2019, có 84% hộ gia đình được công ty này khảo sát tỏ ra lạc quan về kinh tế trong tương lai, nhưng tỷ lệ này có nhiều biến động kể từ sau dịch Covid-19, còn 69% trong quý III/2023.
“Tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định, nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước Covid-19”, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam cho biết, và dự báo người tiêu dùng có khả năng sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đơn giản hơn bởi nhiều lý do từ tâm lý tiêu dùng, đến tình hình tài chính hộ gia đình, cũng như cách thay đổi trong đón Tết.
Ba năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành FMCG đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị, và 24% xuống 21% ở nông thôn.
Trong 4 quý gần đây, tăng trưởng khối lượng FMCG vẫn chưa ghi nhận dấu hiệu tích cực ở cả 2 khu vực (thành thị và nông thôn), tuy nhiên trong thời gian gần đây, tốc độ suy giảm đã chậm lại, theo kết quả khảo sát của Kantar Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo. |
Chuẩn bị cho mùa Tết 2025, theo các chuyên gia, nhu cầu mua sắm Tết 2025 của người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên về sự tiện lợi và đơn giản hóa ngày càng tăng cao. Vì vậy, các nhà sản xuất kinh doanh cần nắm bắt và đáp ứng xu hướng của người tiêu dùng muốn đón và chuẩn bị cho một mùa Tết giản đơn hơn, tiện lợi, thiết thực, tiết kiệm.
Đồng thời, xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất ngày càng được người tiêu dùng ưu tiên. Trong dịp Tết 2025, bên cạnh việc giữ gìn những ý nghĩa truyền thống văn hóa, người tiêu dùng cũng sẽ tìm kiếm những sản phẩm vừa bảo đảm sức khỏe, vừa mang ý nghĩa sum vầy, thể hiện sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống.
Cũng theo các chuyên gia, việc hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên các kênh online và offline là yếu tố rất quan trọng để các thương hiệu, nhà sản xuất có thể tiếp cận người tiêu dùng đúng lúc, đúng chỗ. Từ đó nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng từ việc mua sắm sớm cho đến giai đoạn chạy nước rút cận Tết.