Xu hướng thay đổi cơ cấu nghề ở Việt Nam

Thứ năm, ngày 12 tháng 5 năm 2022 | 1:4

Sự chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam dẫn đến những thay đổi đáng kể trong thị trường lao động. Kinh tế hội nhập, khoa học kỹ thuật phát triển, các phương thức sản xuất thay đổi tất yếu dẫn đến sự thay đổi cơ cấu nghề.

Danh mục nghề nghiệp Việt Nam được Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT biên soạn theo bảng phân loại chuẩn quốc tế về nghề nghiệp 2008 (ISCO 08) có kế thừa bảng danh mục nghề nghiệp năm 1998. Theo bảng danh mục này có 10 trình độ tay nghề cấp 1; 48 lĩnh vực nghề cấp 2; 147 nhóm nghề cấp 3 và 506 nghề cấp 4.

Xu hướng thay đổi cơ cấu nghề ở Việt Nam. Ảnh minh họa.

Xu hướng thay đổi cơ cấu nghề ở Việt Nam. Ảnh minh họa.

Theo danh mục này, 10 trình độ tay nghề cấp 1 gồm: Các nhà lãnh đạo; Chuyên môn bậc cao; Chuyên môn bậc trung; Nhân viên; Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng; Lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Thợ thủ công và các thợ khác có liên quan; Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị; Lao động giản đơn; Lực lượng quân đội.

Nghề chủ yếu

Theo kết quả điều tra lao động việc làm gần nhất (năm 2020) của Tổng cục Thống kê, trong số 53.609,6 nghìn lao động có việc làm, nhiều nhất là nhóm nghề “Lao động giản đơn” với số lượng 17.884,1 nghìn người, chiếm tới 33,4% tổng số. Thứ hai là nhóm nghề “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng” với số lượng 9.637,7 nghìn người, chiếm 18,0%. Thứ ba là nhóm nghề “Thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” với số lượng 7.353,9 nghìn người, chiếm 13,7%. Thấp hơn một chút là nhóm nghề “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị” với 7.100,4 nghìn người, chiếm tỷ trọng 13,2%.  Nếu không kể nhóm lực lượng quân đội và những trường hợp không phân loại và không xác định thì nhón nghề “Các nhà lãnh đạo” có số lượng ít nhất, chỉ có 554,2 nghìn người chiếm, 1% tổng số.

Đối với nam giới, nhóm nghề có số lượng lớn nhất cũng là “Lao động giản đơn” với tỷ trọng 31,1%, nhưng nhóm nghề có số lượng nam giới đứng thứ hai lại là “ Thợ thủ công và thợ khác có liên quan” với tỷ trọng 19,5% còn vị trí thứ ba là nhóm nghề “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị” với tỷ trọng 13,7%. Thấp hơn một chút là nhóm nghề “Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng (viết rút gọn là dịch vụ)” với tỷ trọng 13,3%.

Đối với nữ, nhóm nghề có số lượng lớn nhất cũng là “Lao động giản đơn” với tỷ trọng 35,9%, còn nhóm nghề có số lượng nữ giới đứng thứ hai là “Dịch vụ” với tỷ trọng 23,2%. còn vị trí thứ ba cũng là nhóm nghề “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị” với tỷ trọng 12,7%.

Chuyển dịch cơ cấu nghề

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Sự chuyển đổi kinh tế không chỉ giới hạn trong phân bố giữa các ngành mà còn liên quan đến kỹ năng và nghề nghiệp của lực lượng lao động.

Số liệu của cuộc điều tra lao động việc làm năm 2020 cho thấy, trong thời kỳ 2009-2020, hai nhóm nghề có số lượng cũng như tỷ trọng giảm nhiều nhất là nhóm “Lao động có kỹ thuật trong nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLN&TS)” và nhóm “Lao động giản đơn”. Về số lượng, số lao động trong nhóm nghề “Lao động có kỹ thuật trong NLN&TS” đã giảm 3.148 nghìn người, từ 7.086,2 nghìn người năm 2009 xuống  còn 3.938,2 nghìn người năm 2020, tức là giảm tới 44,4%. Về tỷ trọng, nhóm nghề này đã giảm từ 14,7% năm 2002 xuống còn 7,3% năm 2020, giảm 7,4 điểm phần trăm.

Nhóm nghề “Lao động giản đơn” trong giai đoạn này cũng giảm 1.025,1 nghìn người, từ 18.909,2 nghìn người năm 2009 xuống còn 17.884,1 nghìn người năm 2020. Về tỷ trọng, nhóm nghề này đã giảm từ 39,3% năm 2009 xuống còn 33,4% năm 2020, giảm 5,9 điểm phần trăm. Nhóm nghề thứ ba có số lao động giảm trong giai đoạn 2009-2020 là “Chuyên môn kỹ thuật (CMKT) bậc trung”, số lao động làm việc thuộc nhóm nghề này đã giảm từ 1.828,3 nghìn người năm 2009 xuống còn 1.732 nghìn người năm 2020, giảm 95,7 nghìn người. Về tỷ trọng, nhóm nghề này đã giảm từ 3,8% năm 2009 xuống còn 3,2% năm 2020, giảm 0,6 điểm phần trăm. Năm nhóm nghề có số lượng tăng trong giai đoạn 2009-2020 là “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị”, “CMKT thuật bậc cao”, “Dịch vụ”, “Thợ thủ công và thợ khác có liên quan” và “Nhân viên”.

Trong giai đoạn này, số lao động thuộc nhón nghề “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị” đã tăng từ 3.205,5 nghìn người năm 2009 lên 7.104,4 nghìn người, tức là tăng tới 2,2 lần. Về tỷ trọng nhóm nghề này đã tăng từ 6,7% năm 2009 lên 13,2% năm 2020, tăng 6,5 điểm phần trăm.

Cũng trong giai đoạn 2009-2020 số lao động thuộc  nhóm nghề  “CMKT bậc cao” đã tăng từ 2.231,2 nghìn người lên 4.285,9 nghìn người, tức tới gần 2 lần. Về tỷ trọng, nhóm nghề này đã tăng từ 4,6% năm 2009 lên 8% năm 2020, tức là tăng tới 3,4 điểm phần trăm. Một nhóm nghề  có số lượng tăng nhiều trong hơn chục năm qua là “Dịch vụ”. Số lượng lao động thuộc nhóm nghề này đã tăng từ  7.472,6 nghìn người năm 2009 lên 9.637,7 nghìn người năm 2020, tức là tăng tới 2.165,1 nghìn người (22,5%).

Về tỷ trọng, nhóm nghề này đã tăng trong giai đoạn này từ 12,5% năm 2009 lên 13,7% năm 2020, tăng 1,2 điểm phần trăm. Hai nhóm nghề  “Thợ thủ công và thợ khác có liên quan” và “Nhân viên” tuy cũng có số lao động tăng trong hai chục năm qua nhưng không nhiều. Trong giai đoạn 2009-2020, về tỷ trọng, nhóm nghề “Thợ thủ công và các thợ khác có liên quan” chỉ tăng được 1,2 điểm phần trăm, còn nhóm nghề “Nhân viên” còn tăng được ít hơn nữa, chỉ 0,3 điểm phần trăm (xem Biểu 1).

Nghề

Năm 2009

Năm 2020

Chênh lệch

Lãnh đạo

1.0

1.0

0.0

CMKT bậc cao

4.6

8.0

3.4

CMKT bậc trung

3.8

3.2

-0.6

Nhân viên

1.6

1.9

0.3

Dịch vụ

15.5

18.0

2.5

LĐKT NLN

14.7

7.3

-7.4

Thợ thủ công

12.5

13.7

1.2

Thợ lắp ráp, vận hành

6.7

13.2

6.5

Lao động giản đơn

39.3

33.4

-5.9

Khác

0.3

0.2

-0.1

Biểu 1. Cơ cấu nghề của lao động đang làm việc Việt Nam, 2009, 2020

Sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nghề theo xu hướng giảm mạnh số lượng cũng như tỷ trọng hai nhóm nghề “Lao động có kỹ thuật trong NLN&TS” và nhóm “Lao động giản đơn” và tăng mạnh các nhón nghề “Thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị”, “CMKT bậc cao”, và “Dịch vụ” là phù hợp với sự chuyển dịch các ngành kinh tế theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: tăng nhanh tỷ trọng giá trị khu vực Công nghiệp và xây dựng (khu vực II) và khu vực Dịch vụ (Khu vực III), giảm dần tương đối khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (Khu vực I).

Có thể nói rằng, xu hướng chuyển dịch cơ cấu nghề là tất yếu, bởi cơ cấu nền kinh tế chuyển đổi đòi hỏi thị trường lao động cũng phải chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu lao động trong nền kinh tế mới. Trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ và được áp dụng ngày càng nhiều trong sản xuất thì tỷ trọng lao động thuộc nhóm nghề “Lao động giản đơn” vẫn còn tới 33% là vẫn còn cao.

Ngoài ra, tỷ trọng lao động đã qua đào tạo của Việt Nam cũng còn thấp, chỉ trên 22%. Bởi vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động.

 

 

Nguồn https://kinhtedothi.vn/xu-huong-thay-doi-co-cau-nghe-o-viet-nam.html