Xu hướng tích cực
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố báo cáo khảo sát, cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô “rất tích cực” cao gấp gần 5 lần, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực” cao gấp 7 lần so với hồi tháng 4-2023. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tiêu cực” chỉ bằng gần một nửa.
Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III-2024, có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý II-2024; 42,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình ổn định. Dự kiến quý IV-2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn so với quý III-2024 và 40,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình ổn định.
Điều đó cho thấy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được củng cố và xu hướng tích cực này tương đồng với tình hình kinh tế của cả nước.
Đó là Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2024 tăng tới 7,4%, và theo đánh giá của nhiều tổ chức kinh tế là mức tăng rất cao, từ đó đưa GDP của 9 tháng năm 2024 tăng 6,82%. Cùng thời gian, hơn 183.000 doanh nghiệp đăng ký mới và trở lại thị trường, cao hơn con số bình quân cả năm của giai đoạn 2018-2021. Với thị trường trong nước, chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội khoảng 2.417 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện là 17,34 tỷ USD.
Đặc biệt, quý III-2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 10,6% so với quý II-2024. Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước và cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tích cực, lạc quan, khó khăn, thách thức vẫn bủa vây, buộc các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực hơn để có được kết quả cao nhất trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam (được S&P Global công bố ngày 1-10), PMI đã giảm xuống dưới 50 điểm trong tháng 9, báo hiệu các điều kiện kinh doanh suy giảm trở lại vào thời điểm cuối quý III, sau khi đã có một giai đoạn tăng trưởng mạnh.
Trong đó, đáng chú ý là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm đáng kể; bão Yagi và lũ lụt ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất và cung ứng… Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn khá cao, bình quân mỗi tháng hơn 18.000 đơn vị. Tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường bằng 89% doanh nghiệp gia nhập thị trường, cao hơn mức 79% của năm 2023.
Như vậy, các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần phải được thực thi mạnh mẽ hơn nữa. Trước mắt, các gói hỗ trợ tín dụng giúp doanh nghiệp, người dân phục hồi sau bão cần nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục được đẩy mạnh, không chỉ từ phía cơ quan quản lý mà cần thêm cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chủ động thực hiện.
Xuất khẩu và đầu tư tiếp tục là trụ cột của tăng trưởng, nên hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối sản xuất - tiêu thụ, khai thác thị trường cần tiếp tục đổi mới, bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng các giải pháp triệt để.
Quan trọng hơn là môi trường kinh doanh phải được cải thiện, trong đó nhận diện và tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục, kiến tạo cơ hội, cụ thể hóa niềm tin của doanh nghiệp thành cơ hội sản xuất, kinh doanh.
- Giữ chữ tín để đi đường dài
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa