Xử lý dứt điểm vụ lừa đảo đầu tư tại dự án Nam Nam Sài Gòn
32 lần thay đổi pháp nhân; chiếm đoạt hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp sản xuất của người dân để rồi tự ý thay đổi quy hoạch, phân lô, bán nền bất hợp pháp; chiếm dụng tiền thuế của nhà nước; lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của hơn 400 khách hàng… Ðó là những sai phạm của Công ty cổ phần Ðầu tư phát triển đô thị Phi Long (Công ty Phi Long), đã và đang diễn ra tại dự án Nam Nam Sài Gòn thuộc huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh trong suốt 20 năm qua.
Nhiều băng rôn tố cáo Công ty Phi Long lừa đảo được treo trước trụ sở công ty này. Ảnh: vov.vn.
Vất vả lao động, chắt bóp nửa đời người, gia đình bà Trịnh Hương sống tại quận 5, TP Hồ Chí Minh dành dụm được hơn 1 tỷ đồng, dùng để mua một lô đất thuộc dự án của Công ty Phi Long. Tuy nhiên, gần 20 năm trôi qua, tiền đã đóng đủ, nhưng bà Hương vẫn chưa được giao đất xây nhà: "Con tôi bị bệnh tim, chết 15 năm rồi. Sau rồi chồng cũng bệnh chết. Tôi đi làm tạp vụ một ngày 2 tiếng, 3 tiếng được 150 nghìn đồng. Tôi cũng bị bệnh tim, cao huyết áp, không biết chết ngày nào. Tôi đã gửi 150 đơn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay tôi vẫn phải đi thuê nhà, tạm bợ sống cho qua ngày".
Chuyện buồn của bà Hương cũng là nỗi khổ của hàng trăm khách hàng mua đất tại dự án Nam Nam Sài Gòn của Công ty Phi Long. Chưa được giao đất, chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân, nhưng ngay từ năm 2002, Công ty Phi Long đã tự ý phân lô, bán nền trái pháp luật.
Cụ thể là, tháng 5/2001, UBND huyện Bình Chánh có thông báo chấp thuận đầu tư dự án. Tháng 5/2002, Kiến trúc sư trưởng thành phố có quyết định phê duyệt chi tiết xây dựng 1/500. Và đến tháng 6/2004, UBND thành phố Hồ Chí Minh mới có quyết định thu hồi và tạm giao đất để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. Sau đó tháng 7/2004, UBND huyện Bình Chánh có quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Gia đình ông Lại Văn Hòa, ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, có hơn 2.000m2 đất nông nghiệp, đang sản xuất ổn định thì có người ngang nhiên về san ủi, chiếm đất để bán. Lúc này ông Hòa mới hay, đất của mình nằm trong quy hoạch dự án. Cho đến nay, 12 hộ dân chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng.
"Ðất của dự án là theo mình biết vậy thôi, chứ Nhà nước không có thông báo mà không bồi thường. Nhưng chủ đầu tư đã cho xe xúc đến, đốn cây, họ làm như là đất của họ rồi ấy", ông Hòa trần tình.
Chưa kể, đến thời điểm hiện tại, Công ty Phi Long chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất làm nhà ở.
Ông Bùi Ðức Tài là người khiếm thị, sống tại quận 11, chia sẻ: Công ty lợi dụng nhiều khách hàng là người lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn để lừa đảo. Chỉ sau 30 phút làm việc với chủ đầu tư, ông Tài đã nhanh chóng được ký hợp đồng với hứa hẹn sẽ sớm được giao đất làm nhà: Tôi bị mù không đọc được nên họ tự đọc cho tôi mà không cho người giám hộ đi cùng. Về sau tôi mới biết hợp đồng này không có giá trị pháp lý, thể hiện rõ việc lừa đảo. Tôi đi làm công, dành dụm mấy chục năm mới có số tiền này chứ đâu phải tự nhiên mà có.
Công ty Phi Long quảng cáo rao bán đất nền rầm rộ trên các phương tiện truyền thông. Ðể người dân tin tưởng, Công ty Phi Long xây trái phép nhà mẫu để làm "mồi nhử" từ năm 2007. Lạ thay, thời điểm đó chính quyền địa phương không biết. Mãi đến năm 2013, UBND xã Phong Phú mới có quyết định cưỡng chế vi phạm. Nhưng kéo dài đến tận năm 2020, vi phạm chưa được xử lý, UBND huyện Bình Chánh mới có quyết định cưỡng chế. Và cho đến nay, sai phạm này vẫn tồn tại.
Tính đến tháng 2/2020, Công ty Phi Long đã chia đất dự án thành 940 lô, trực tiếp bán 680 lô và bán qua sàn trung gian An Ðại Việt 260 lô, trong khi thực tế, dự án chỉ được phê duyệt 663 lô. Giao dịch khi chưa được cấp phép suốt từ năm 2002, với đủ hình thức quảng cáo công khai, nhưng đến tận năm 2018, UBND xã Phong Phú mới cắm biển cảnh báo người dân. Sau 16 năm, với hàng trăm lô đất bị bán công khai, nhưng ông Phạm Văn Lũy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, vẫn cho rằng công tác quản lý đất đai tại địa phương là tốt.
Hàng chục khách hàng rơi vào cảnh mua bán trùng nền (một mảnh đất được bán cho nhiều người). Ðể tự cứu lấy mình và cảnh báo người khác, nhiều khách hàng đã phải để lại số điện thoại chính chủ trên khu vực lô đất. Ông Lưu Bá Cư, quận Tân Phú kể: "Tôi ghi số điện thoại trên phần đất của mình, thì ngày hôm sau có người gọi cho tôi nói là lô đất này của họ mà tại sao tôi lại ghi số điện thoại lên nền đất của họ, lúc đó tôi mới phát hiện ra là đất của tôi đã bán cho những người khác nữa".
Công ty Phi Long đã sử dụng thủ đoạn là nhiều lần tự ý điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, thay đổi vị trí và diện tích các lô đất đã bán. Từ đó, một nền đất liên tục được xé nhỏ để bán cho nhiều khách hàng. Do vậy mới nảy sinh chuyện số lô đã bán chênh gần 300 lô so với được phê duyệt. Ðặc biệt, hàng trăm khách hàng mua đất qua sàn trung gian An Ðại Việt không có đất để giao, do Công ty Phi Long đã bán hết từ lâu và không hoàn thiện được các thủ tục pháp lý.
Theo báo cáo của UBND xã Phong Phú năm 2021, đã có 414 khách hàng mua đất của dự án Nam Nam Sài Gòn. Và theo điều tra, tổng số tiền ghi nhận trên hợp đồng thống kê được là 347,7 tỷ đồng. Ða số khách hàng đã thanh toán được từ 90-100% và đều đã xuất hóa đơn VAT với tổng số thuế là 14,2 tỷ đồng. Số tiền này cùng hơn 18 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, phạt nộp chậm và tiền chuyển mục đích sử dụng đất đang bị Công ty Phi Long chiếm dụng và nợ Nhà nước gần 100 tỷ đồng. Ðáng nói, trên địa bàn huyện Bình Chánh, Công ty Phi Long còn đang triển khai 2 dự án khác và đều sử dụng các thủ đoạn tương tự.
Liên quan việc xử lý những sai phạm nêu trên, ông Phạm Văn Lũy cho biết: Tháng 6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có kết luận điều tra.
Luật sư Trần Hải Ðức, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Hải Ðức, Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Ở đây có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể chủ đầu tư đã đưa ra một dự án mà theo Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Ðất đai, Luật Nhà ở là chưa đủ điều kiện. Một lô đất lại bán cho hai, ba người; tạo sự tranh chấp về mặt dân sự giữa các cá nhân đó với nhau. Dấu hiệu về vi phạm pháp luật hình sự là rõ rồi".
Làm việc với UBND huyện Bình Chánh, chúng tôi được biết chính quyền địa phương đã có kiến nghị gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan, nhằm đốc thúc chủ đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý và nghĩa vụ tài chính, đồng thời, tạo cơ chế để người dân được bảo đảm quyền lợi của mình.
Quá trình xác minh, chúng tôi nhận thấy trong suốt 20 năm, công ty này đã có 32 lần thay đổi pháp nhân để thuận tiện trong việc điều chỉnh dự án. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Phi Long đã và đang triển khai 7 dự án.
Nguồn https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/xu-ly-dut-diem-vu-lua-dao-dau-tu-tai-du-an-nam-nam-sai-gon-700867/
- Bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh
- Tuyên phạt 54 năm tù cho 6 bị cáo lưu hành tiền giả
- Bắt Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm nhận hơn 2 tỷ đồng tiền hoa hồng từ Công ty Việt Á
- Lật tẩy thủ đoạn của đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia
- Cựu Chủ tịch Tổng Công ty VEAM bị tuyên phạt 11 năm tù
- Cảnh báo trò giả mạo website của Bộ Công an để lừa đảo
- Cây cảnh "khủng" nhà nguyên Chủ tịch TP Hạ Long có bị niêm phong, kê biên?
- Những ‘nhân vật bí ẩn’ vụ cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị xét xử
- Đề nghị xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay cho Việt Á nâng khống giá kit test