Xử lý nghiêm hành vi lừa đảo của một số công ty
Trong đơn gửi tới Báo Hànộimới, một số bạn đọc cho biết đã đăng ký, nộp tiền để được đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế T&T theo chương trình Visa E8 nhưng nhiều tháng qua vẫn chưa được giải quyết.
Thực tế, Visa E8 là chương trình lao động thời vụ, một hợp tác phi lợi nhuận giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc nên không cho phép bất cứ doanh nghiệp nào tham gia tuyển dụng. Tuy nhiên, nhiều người lao động đã không tìm hiểu kỹ nên trở thành nạn nhân của một số công ty lừa đảo.
Người lao động làm việc với Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế T&T, tháng 6-2024.
Tiền mất tật mang
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, chị Nguyễn Thị Oanh ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) xót xa kể lại quá trình bị Công ty cổ phần Giáo dục quốc tế T&T (Công ty T&T) tại số 1-LK1 Khu đô thị sinh thái Hà Nội (quận Nam Từ Liêm) do bà Vương Thị Huyền Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc cho ăn “bánh vẽ”.
Cụ thể, chị Oanh được ông Bùi Thanh Tùng, nhân viên Công ty T&T giới thiệu nên đã lặn lội từ Hà Tĩnh ra trụ sở công ty này ở Hà Nội để đăng ký đi lao động theo Visa E8-2 của Hàn Quốc cho 3 lao động là anh Lê Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hồ và Phạm Quang Đức, đều là người dân ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Tại công ty này, Giám đốc kinh doanh Phạm Văn Đoan hướng dẫn chị Oanh làm thủ tục đăng ký, đóng cọc 4 lần, tổng số tiền là 216 triệu đồng.
Tương tự chị Oanh là anh Nguyễn Ngọc Minh trú tại xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức), khi đại diện cho người nhà đến Công ty T&T để tư vấn đi làm việc theo diện Visa E8-2. Tại đây, anh Minh đóng tiền đặt cọc lần 1 cho công ty ngày 22-2-2024 với số tiền 36 triệu đồng, lần 2 ngày 2-4-2024 số tiền 37 triệu đồng, tổng cộng 73 triệu đồng.
Tại giấy cam kết mà chị Oanh, anh Minh ký với Công ty T&T thì tháng 6-2024, công ty sẽ hoàn trả 100% số tiền nếu không làm được thị thực sang Hàn Quốc để làm việc cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay đã quá 2 tháng, Công ty T&T vẫn chưa thực hiện cam kết ban đầu. Khi anh Minh, chị Oanh nhắn tin, điện thoại đến công ty để đòi hỏi quyền lợi thì liên tục nhận được đề nghị trì hoãn. Đỉnh điểm ngày 14-7-2024, Giám đốc Vương Thị Huyền Trang còn nhắn tin thách thức anh Minh gửi đơn tố cáo.
Cần tìm hiểu kỹ về chương trình Visa E8
Trong khi hàng chục người lao động đang lo lắng vì số tiền bỏ ra có nguy cơ mất trắng, giấc mộng đi làm việc tại nước ngoài cũng tan thành mây khói, thì trong các buổi làm việc, đối chất, lãnh đạo Công ty T&T là bà Trang, ông Tiến, ông Đoàn đều tuyên bố không trả lại tiền cho người lao động như cam kết, thậm chí thách thức họ.
Trước sự việc này, phóng viên Báo Hànộimới đã đặt lịch làm việc với bà Vương Thị Huyền Trang, được người này cho biết công ty đang cung cấp giấy tờ, bằng chứng cho cơ quan điều tra Công an quận Nam Từ Liêm và sẽ mời phóng viên đến làm việc khi có kết luật của cơ quan công an. Khi phóng viên hỏi về việc công ty có chức năng xuất khẩu lao động không thì bà Trang không trả lời, đồng thời tắt máy điện thoại, cũng như không nghe các cuộc gọi sau đó.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Như Tuấn cho biết, Công ty T&T không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Do đó, việc đăng tuyển, thu tiền với danh nghĩa đưa lao động đi xuất khẩu của công ty này là trái pháp luật. Chưa kể, với thị trường Hàn Quốc, đặc biệt là chương trình lao động ngắn hạn theo Visa E8 làm việc trong ngành nông nghiệp, thủy sản không cho phép bất cứ doanh nghiệp nào tuyển dụng và đưa người đi xuất khẩu lao động mà bắt buộc phải do hai địa phương của hai nước hợp tác trực tiếp tuyển dụng. Cụ thể, chỉ có Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành mới đủ điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, ký kết. Do vậy, Công ty T&T vừa không được cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động và cũng không được phép tham gia chương trình Visa E8 nên việc thu tiền của người lao động là không có cơ sở.
"Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình Visa E8 nhất định phải tìm hiểu kỹ, đến trực tiếp UBND xã, huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố để nắm thông tin, đăng ký tuyển dụng theo quy định về xuất khẩu lao động. Không nên tin vào lời mời chào của các doanh nghiệp rồi mất tiền oan", ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, người lao động cũng có thể tìm hiểu thông tin, gọi điện cho đường dây nóng hoặc truy cập vào trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để không bị trở thành “con mồi” cho các đối tượng lừa đảo. Hiện Việt Nam chỉ có 14 tỉnh, thành thực hiện chương trình này.
Từ những thông tin trên có thể khẳng định Công ty T&T đã có dấu hiệu lừa đảo. Liệu hàng chục người lao động nộp tiền cho công ty này có thể lấy lại được khoản tiền bị thu bất hợp pháp hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào kết luận điều tra của Công an quận Nam Từ Liêm.
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
- Thêm sức sống mới cho di sản văn hóa phi vật thể