Xử lý vi phạm bản quyền trực tuyến ở Việt Nam còn thiếu tính răn đe

Thứ hai, ngày 26 tháng 9 năm 2022 | 15:33

Hơn 1 năm sau khi phimmoi bị khởi tố vì vi phạm bản quyền nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này khiến cho công tác xử lý vi phạm bản quyền trên mạng còn thiếu tính răn đe.

Xử lý vi phạm bản quyền trên mạng còn thiếu tính răn đe

Ngày 26/9 đã diễn ra hội thảo "Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng" do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức.

Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam, chưa bao giờ tình trạng đánh cắp, vi phạm bản quyền diễn ra nhanh, nguy hiểm, có hệ thống và gây ra nhiều nguy hại cho các nhà sản xuất, phát hành nội dung như thời kỳ công nghệ số. “Việc xâm phạm bản quyền diễn ra nghiêm trọng và gây tổn thất nặng nề. Các hãng phim, công ty phát hành hàng đầu Việt Nam hầu như đều bị tổn hại lớn vì xâm hại bản quyền”, bà Phương Lan nói.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  •  
  •  
  •  
  •  

Hội thảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng. (Ảnh: Duy Vũ)

Lấy thống kê từ một doanh nghiệp, bà Phương Lan cho biết từ năm 2017, phimmoi đã vi phạm bản quyền 27 bộ phim của Galaxy, dẫn đến những tổn thất cho doanh nghiệp khi phải đầu tư mua bản quyền và phát hành.

Việc phimmoi bị cơ quan quản lý khởi tố chứng tỏ nhận thức về xâm phạm bản quyền tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 1 năm khởi tố, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này khiến cho công tác xử lý vấn đề vi phạm trong thực tế còn thiếu tính răn đe. “Những biện pháp xử lý dứt điểm trong vấn đề vi phạm bản quyền là vô cùng quan trọng, chỉ có như vậy mới mang tính răn đe”, bà Phương Lan nhấn mạnh.

Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền

 
 

Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Theo đó, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%. 

Điểm tích cực là tại Việt Nam, người dùng được nâng cao nhận thức về bản quyền và hành vi đã có nhiều thay đổi khi các trang web vi phạm được ngăn chặn. Kết quả nghiên cứu cho hay, 38% người tham gia khảo sát cho biết vi phạm bản quyền trực tuyến có tác động tiêu cực tới Việt Nam; 36% người dùng nhận thấy những hành vi vi phạm bản quyền sẽ tác động tiêu cực tới tất cả hoạt động kinh tế - xã hội. 

Tổ chức này cũng cho biết có gần 50% người dùng Việt Nam đã dừng xem hoặc truy cập ít hơn vào các trang vi phạm bản quyền do bị web vi phạm được ngăn chặn hiệu quả.

Có cùng đánh giá, bà Phan Cẩm Tú, đại diện của Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE) tại Việt Nam cho rằng, dù không có con số thống kê chính thức nào nhưng thực tiễn cho thấy nhận thức bản quyền ở Việt Nam đã tốt hơn so với nhiều năm về trước. Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn khi thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng bản quyền trực tuyến bởi quan niệm “các dịch vụ, nội dung trên mạng là miễn phí” đã ăn sâu vào tâm thức nhiều người. 

Theo các chuyên gia, cần thúc đẩy nhận thức của các bên về việc xâm hại bản quyền, sở hữu trí tuệ trên không gian mạng không chỉ ảnh hướng đến các nhà sản xuất, phát hành nội dung mà còn tác động tiêu cực tới việc phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong nước. Phải có thêm những quy định trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng.

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của người dùng để không tham gia, không tiếp tay cho hành vi vi phạm, hướng người dùng có trách nhiệm trong việc bảo vệ văn hoá tại Việt Nam.

Duy Vũ