Xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm
Ngày 8-11, dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của nước này đã tăng 12,7% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng hằng tháng nhanh nhất trong hơn 2 năm qua.
Trong đó, xuất khẩu sang Nga tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong 11 tháng; xuất khẩu sang Mỹ tăng 8%, sang Liên minh châu Âu tăng gần 13%, sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc theo khu vực - tăng 16%.
Kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 10. Ảnh: Bloomberg.
Báo cáo cho thấy, nhập khẩu giảm 2,3% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, trong khi thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng lên 95,7 tỷ USD, từ mức 81,7 tỷ USD trong tháng 9. Tăng trưởng xuất khẩu của tháng 10 báo hiệu nhu cầu bền vững đối với hàng hóa Trung Quốc ở nước ngoài, trong khi nhu cầu ở thị trường trong nước vẫn ở mức thấp.
Ngày 8-11, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã họp để thông qua kế hoạch kích thích tài khóa nhằm phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh áp lực giảm phát và chi tiêu tiêu dùng ảm đạm.
Các đại biểu đã đồng ý phê duyệt tăng trần nợ của chính quyền địa phương thêm 840 tỷ USD, mở ra nguồn quỹ mới cho nền kinh tế đang gặp khó khăn. Trần phát hành trái phiếu đặc biệt sẽ được nâng lên 4,96 tỷ USD, từ 4,12 tỷ USD, đối với các chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An cho biết, việc thực hiện biện pháp thay thế trên quy mô lớn như vậy cho thấy "sự thay đổi cơ bản" trong cách tiếp cận tái cấu trúc nợ của Trung Quốc và rủi ro nợ công của Trung Quốc là "có thể kiểm soát được".
Thời gian qua, các chuyên gia tài chính đã kêu gọi các biện pháp táo bạo, trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ để phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.
Nợ của chính quyền địa phương đã tăng vọt, một phần do chi tiêu cao và doanh thu thuế thấp trong thời gian đại dịch, nhưng cũng do sự suy thoái của ngành bất động sản, vì doanh số bán quyền sử dụng đất - một nguồn thu chính của chính quyền địa phương - đã giảm sút.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế về vay vào cuối tháng 9, làm bùng nổ thị trường chứng khoán. Song, các nhà kinh tế cho biết, chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy sự phục hồi bền vững.
- Từ hôm nay 23/11, lãi suất huy động cao nhất tăng lên 6,4%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 22/11/2024: Kỳ hạn 6 tháng ngân hàng nào cao nhất?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 21/11/2024: Loạt nhà băng trả lãi suất huy động từ 6%
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 20/11/2024: Tăng mạnh kỳ hạn dưới 6 tháng
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng 18/11/2024: Thêm nhà băng đua tăng lãi suất, vượt 6%/năm
- Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ
- Đối thủ tăng thần tốc, báo động thế mạnh top 1 thế giới của Việt Nam
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi