Ý nghĩa Dự án phục dựng ảnh liệt sĩ của tuổi trẻ Thủ đô
Không chỉ là việc phục chế ảnh thông thường, mà mỗi bức ảnh chân dung được trao đến tay thân nhân, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố Hà Nội là một lời tri ân sâu sắc của tuổi trẻ Thủ đô gửi tới thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình hôm nay.
Tấm lòng của người trẻ
Những bức ảnh sau khi phục dựng được bọc trong lá cờ Tổ quốc. Ảnh: Bảo Lâm
Dự án “Phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024” do Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội triển khai nhằm thực hiện Kế hoạch 157/KH-UBND ngày 22-5-2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc Tổ chức hành trình tuổi trẻ “Tiếp lửa truyền thống - Cống hiến tương lai” chào mừng 60 năm Phong trào Ba Sẵn Sàng, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết: Từ cuối tháng 6-2024, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã ban hành văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã và Ban Thường vụ các quận, huyện, thị đoàn trực thuộc phối hợp rà soát, thống kê các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng có nhu cầu phục dựng ảnh liệt sĩ, gửi về Ban Tuyên giáo Thành đoàn để tổng hợp. Tính đến ngày 27-7-2024, Dự án đã nhận 1.070 bức ảnh các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng mà các gia đình mong muốn được phục dựng.
Các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng nhận ảnh liệt sĩ sau khi phục dựng. Ảnh: Bảo Lâm
Đặc biệt, tại chương trình Lễ "Thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ" tối 27-7, Ban tổ chức đã trao tặng di ảnh liệt sĩ đã được phục dựng cho các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn Hà Nội. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi cầm trên tay những tấm di ảnh liệt sĩ phục dựng được trao tặng.
“Anh trai tôi là Dương Văn Tường, sinh năm 1947, đi bộ đội ngày 26-7-1967, hy sinh năm 1972 ở mặt trận Thừa Thiên - Huế. Tôi vô cùng cảm động khi nhận di ảnh của anh tôi đã được Thành đoàn phục dựng. Bức ảnh rất đẹp, thật sự ý nghĩa đối với gia đình tôi”, bà Dương Thị An, 73 tuổi, nghẹn ngào chia sẻ.
Bà Dương Thị An ngắm nhìn ảnh anh trai, Liệt sĩ Dương Văn Tường sau khi phục dựng. Ảnh: Bảo Lâm
Chị Đỗ Thu Hương (áo đen) nức nở khi nhìn tấm ảnh phục dựng của bác ruột, Liệt sĩ Đỗ Văn Dương. Ảnh: Bảo Lâm
Nâng niu trên tay di ảnh của bác ruột là Liệt sĩ Đỗ Văn Dương được phục chế phong kín trong lá cờ Tổ quốc, chị Đỗ Thu Hương đã không nén nổi xúc động mà bật khóc.
"Thật sự tôi rất xúc động, rất cảm ơn tấm lòng của đội ngũ phục dựng ảnh. Bác tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 19 tuổi. Ở nhà chỉ có một tấm ảnh đen trắng để thờ, những gì tôi biết về bác là từ những lời kể của người thân và từ tấm ảnh ấy. Bác mất năm 1967, hiện vẫn còn ở nghĩa trang Phú Bình (Quảng Nam)", chị Đỗ Thu Hương bày tỏ.
Bà Lê Thị Nga, vợ Liệt sĩ Phạm Văn Soát ôm tấm di ảnh được phục chế đầy yêu thương. Ảnh: Bảo Lâm
Cả gia đình liệt sĩ Phạm Văn Soát đều thán phục về bức ảnh phục chế có hồn và rất giống liệt sĩ hồi trẻ. Bà Lê Thị Nga, vợ liệt sĩ Phạm Văn Soát xúc động chia sẻ: "Ông nhà tôi hy sinh ngày 10-10-1968, ở Đồng Nai, hiện đã đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hà Nội. Giấy tờ, thư từ thì không còn, may mắn còn bức ảnh, nay được các bạn trẻ phục chế lại, rất đẹp, tôi rất cảm động”.
Từ bức ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian, thậm chí chỉ còn vài chi tiết, không còn nguyên vẹn, thông qua các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hình ảnh các liệt sĩ được tái hiện lại một cách chi tiết với đầy đủ sắc màu.
Lan tỏa dự án ý nghĩa
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ các gia đình mở di ảnh. Ảnh: Bảo Lâm
Những bức ảnh quý báu được người trẻ phục dựng với mong muốn kể lại những câu chuyện thực tế về liệt sĩ bằng ngôn ngữ của hội họa và nhiếp ảnh, ngôn ngữ của tuổi trẻ sáng tạo với hành trình kỳ diệu của công nghệ.
Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết thêm, trong thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội tiếp tục triển khai khảo sát nhu cầu phục dựng di ảnh từ các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn thành phố. Dự kiến, có thêm từ 2.500 đến 3.000 gia đình đăng ký phục dựng. Căn cứ số lượng di ảnh cần phục dựng theo thực tế, Thành đoàn Hà Nội sẽ phân bổ thời gian thực hiện của Dự án phù hợp với mục tiêu, bảo đảm 100% số ảnh gửi về sẽ được phục dựng thành công.
Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội tiếp tục mời các tổ chức, nhóm, cá nhân có mong muốn và có kỹ năng trong lĩnh vực phục dựng ảnh cũ trên mọi miền Tổ quốc tham gia, đồng hành thực hiện Dự án để lan tỏa Dự án của tuổi trẻ Thủ đô đến với cộng đồng.
Khoảnh khắc xúc động của thân nhân liệt sĩ. Ảnh: Bảo Lâm
Dự án “Phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024” thực hiện dự kiến từ tháng 7-2024 đến tháng 7-2025, gồm 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1, trao tặng 350 ảnh: 77 ảnh nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và 273 ảnh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Giai đoạn 2, trao tặng 300 ảnh nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12. Giai đoạn 3, trao tặng 420 ảnh nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2025).
- Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
- Siêu thị 0 đồng phục vụ bệnh nhân ung thư tại thành phố Hồ Chí Minh
- Cảnh báo mạo danh cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân cập nhật thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
- Cấp đổi thẻ căn cước trực tuyến được giảm 50% lệ phí
- Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
- Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tổ chức xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước như chiến dịch, ngày hội của toàn dân
- Lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật
- 1.337 chỉ tiêu tại Hội chợ việc làm cho người lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước