ADB dự báo lạm phát Việt Nam chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024

Thứ năm, ngày 20 tháng 7 năm 2023 | 9:36

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024, trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu giảm và nguồn cung lương thực ổn định.

 

 

 
0:00/0:00
0:00
ADB dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024, do giá năng lượng toàn cầu giảm và nguồn cung lương thực ổn định. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)
ADB dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024, do giá năng lượng toàn cầu giảm và nguồn cung lương thực ổn định. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) được công bố ngày 19/7, ADB vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương ở mức 4,8% trong năm nay, do nhu cầu nội địa mạnh mẽ tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của khu vực.

Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đang thúc đẩy tăng trưởng của khu vực. Dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,0% trong năm nay, không thay đổi so với mức dự báo hồi tháng 4, giữa bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác của châu Á đang phát triển đang chậm lại, do chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn tới sự trì trệ của hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế phát triển chủ đạo. Dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2024 được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 4,7% so với mức dự báo 4,8% hồi tháng 4.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.

Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi sau đại dịch với tốc độ ổn định. Nhu cầu trong nước và hoạt động dịch vụ đang tạo đà cho tăng trưởng, trong khi nhiều nền kinh tế cũng đang được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, Albert Park

Tuy nhiên, hoạt động công nghiệp và xuất khẩu vẫn còn yếu, dẫn tới triển vọng tăng trưởng và nhu cầu toàn cầu trong năm tới bị suy giảm.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho hầu hết các tiểu vùng ở châu Á và Thái Bình Dương. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm Đông Nam Á, nơi triển vọng được hạ xuống còn 4,6% trong năm nay và 4,9% trong năm tới, so với mức ước tính lần lượt là 4,7% và 5,0% trong tháng 4.

Dự báo cho tiểu vùng Caucasus và Trung Á được điều chỉnh giảm nhẹ, từ 4,4% xuống còn 4,3% cho năm 2023 và từ 4,6% xuống còn 4,4% vào năm 2024.

Đối với Việt Nam, ADB điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8%, và từ 6,8% xuống còn 6,2% trong năm 2024.

 

Theo ADB, tăng trưởng của Việt Nam chậm lại trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 3,7% do nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo, trong khi các điều kiện trong nước dự kiến sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, cũng theo ADB, điểm sáng là sự phục hồi của du lịch nội địa đã thúc đẩy tiêu dùng, với doanh số bán lẻ tăng 11% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ.

Theo ADB, điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam là sự phục hồi của du lịch nội địa đã thúc đẩy tiêu dùng, với doanh số bán lẻ tăng 11% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ.

Lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024, do giá năng lượng toàn cầu giảm và nguồn cung lương thực ổn định.

Trên bình diện khu vực, báo cáo của ADB nhận định, lạm phát được dự kiến sẽ tiếp tục giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch Covid-19 khi giá nhiên liệu và lương thực giảm.

Theo đó, dự báo mức lạm phát ở châu Á đang phát triển là 3,6% trong năm nay, so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 4. Trong khi đó, mức lạm phát dự báo của năm 2024 được nâng lên thành 3,4% so với ước tính trước đó là 3,3%.