Ai chịu trách nhiệm vụ ca nô chở 39 người chìm trên biển Cửa Đại?
Dù đây là một vụ tai nạn không ai mong muốn, các bên nếu có vi phạm cũng là lỗi vô ý. Nhưng pháp luật vẫn buộc các cá nhân, tổ chức có liên quan phải chịu trách nhiệm.
Ai sẽ bồi thường?
Vụ chìm ca nô ở biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vào chiều 26/2 khiến 17 người tử nạn đang gây rúng động, xót xa với toàn xã hội những ngày qua.
Mặc dù tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng nhiều người đặt ra câu hỏi, sau vụ tai nạn này, ai sẽ là người bồi thường cho các nạn nhân và gia đình người bị nạn; ai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi 17 người mất đi sinh mạng?
Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Công Tín - Công ty luật FDVN, đoàn luật sư Đà Nẵng cho rằng, liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại cho những tổn thất về tính mạng, sức khỏe của hành khách, theo quy định tại Điều 597 Bộ Luật Dân sự 2015 thì pháp nhân (Công ty du lịch Phương Đông) phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.
Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân mất tích vào chiều ngày 26/2.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 528 Bộ Luật Dân sự 2015 cũng quy định: "Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật".
Do đó trong vụ việc này, Công ty du lịch Phương Đông (đơn vị vận tải) phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Sen (người lái tàu). Trường hợp xác định người lái tàu có lỗi thì sau khi bồi thường cho hành khách, Công ty Phương Đông có quyền yêu cầu người lái tàu hoàn trả lại một khoản tiền phù hợp với quy định của pháp luật.
Chiếc ca nô xảy ra tai nạn thuộc Công ty du lịch Phương Đông.
Trường hợp khác, nếu Công ty du lịch Phương Đông có mua bảo hiểm tai nạn hành khách (không phải là bảo hiểm bắt buộc) thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng trong phạm vi số tiền bảo hiểm, căn cứ vào tổn thất thực tế và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Còn về trường hợp những hành khách không có vé (vé có bảo hiểm) thì theo quy định tại Điều 523 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.
Theo luật sư, trong vụ việc này, Công ty du lịch Phương Đông là phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Như vậy, trong trường hợp không có vé nhưng có cơ sở xác định rằng hành khách và bên vận chuyển đã xác lập hợp đồng vận chuyển bằng lời nói hoặc bằng sự thừa nhận của các bên, hoặc hành vi cụ thể (hành khách giao tiền phí vận chuyển, bên vận chuyển chở hành khách đến địa điểm đã định theo thỏa thuận) thì hành khách không có vé cũng sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền bồi thường.
Trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân nào có liên quan?
Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Công Tính cho biết, chắc chắn cơ quan công an sẽ vào cuộc và điều tra nguyên nhân dẫn đến tai nạn để làm cơ sở khởi tố hay không khởi tố vụ án.
Việc điều tra có thể sẽ bắt đầu từ việc xác minh, làm rõ người lái tàu có đủ bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật hay không? Người lái tàu, thành viên có vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy hay không, có sử dụng rượu bia, ma túy hay các chất kích thích khác hay không? Phương tiện có bảo đảm an toàn hay không...
Ông Lê Sen (người lái tàu) có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu kết quả điều tra xác định ông vi phạm.
Hoạt động điều tra hiện nay vẫn đang được tiến hành. Sẽ quá sớm để kết luận về trách nhiệm hình sự của những người có liên quan. Nhưng có thể lường trước một số tình huống pháp lý sau:
Trường hợp điều tra xác định được rằng người lái tàu vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy thì người lái tàu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo quy định tại Điều 272 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Trường hợp xác định phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn thì người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật của phương tiện có thể bị khởi tố về Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn theo Điều 274 Bộ Luật Hình sự, mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Đây là vụ việc nghiêm trọng và hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ.
Ngoài ra, người nào điều động người không có bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện giao thông đường thủy mà gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội điều động người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo Điều 275 Bộ Luật hình sự, mức phạt cao nhất là 15 năm tù.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/ban-doc/ai-chiu-trach-nhiem-vu-ca-no-cho-39-nguoi-chim-tren-bien-cua-dai-20220301063641305.htm
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay