Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đang trở thành tâm điểm chú ý của thị trường những phiên gần đây. Ảnh tư liệu |
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đang trở thành tâm điểm chú ý của thị trường những phiên gần đây. Trong một tuần gần nhất, nhóm này liên tục ghi nhận những phiên bán ròng trên 1.000 tỷ đồng, bất chấp diễn biến của thị trường.
Sự phục hồi sẽ tiếp tục trong hai tháng cuối năm Trong báo cáo chiến lược tháng 11, Công ty chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết duy trì quan điểm rằng sự phục hồi sẽ tiếp tục trong hai tháng cuối năm, nhờ vào xuất khẩu, sản xuất, thu hút FDI, phục hồi du lịch và đẩy mạnh đầu tư công. Trong đó, nhiều dự thảo luật quan trọng đã được thảo luận được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. |
Như phiên 20/11, dù VN-Index có nhịp phục hồi mạnh trở lại sau khi chạm ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng với quy mô tới 1.200 tỷ đồng trên HoSE. Tổng quy mô bán ròng từ đầu tháng 11 của nhóm này đạt hơn 12.000 tỷ đồng.
Các mã chủ chốt trong nhóm bluechip, như VHM, FPT, MSN liên tục xuất hiện trong danh sách bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất. FPT, cổ phiếu công nghệ đứng đầu về vốn hóa, hở room ngoại tới hơn 3% - ngưỡng cao nhất trong hơn hai tháng.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, áp lực bán ròng tăng vọt của khối ngoại trong khoảng hai tháng gần đây chủ yếu do diễn biến tỷ giá và đà tăng của Phố Wall. Tỷ giá làm tăng phần bù rủi ro quốc gia (country risk premium) khiến cho lợi nhuận kỳ vọng sau điều chỉnh rủi ro (risk-adjusted return) của cổ phiếu ở thị trường Việt Nam giảm, dẫn tới áp lực rút vốn của khối ngoại.
Không riêng thị trường Việt Nam, đồng bạc xanh mạnh lên cũng khiến xu hướng bán ròng lan rộng trên nhiều thị trường. Tại một số thị trường lớn châu Á, quy mô rút ròng trong tuần gần nhất lên tới cả tỷ USD.
Một lý do khác, theo chuyên gia này, có thể đến từ áp lực tất toán danh mục của một số nhà đầu tư nước ngoài. “Động thái bán ròng quy mô lớn, đặc biệt là cách ‘bán bằng mọi giá’ ngay từ đầu phiên của khối ngoại gần đây, có thể do một số quỹ nhỏ tìm cách tất toán danh mục” - ông Thế Minh giải thích.
Áp lực bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn “khoảng trống thông tin” cũng tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.
“Nhà đầu tư trong nước ‘nhìn’ động thái của khối ngoại, còn khối ngoại thì bán ròng ngày càng cao, dẫn tới tâm lý thị trường bị ảnh hưởng” - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, nhận xét.
Dưới góc nhìn phân bổ tài sản của các quỹ có quy mô toàn cầu, khi lợi nhuận kỳ vọng giảm, các quỹ có xu hướng giảm tỷ trọng nắm giữ tài sản có có lợi nhuận kỳ vọng thấp. Các nhà đầu tư trong nước có xu hướng tìm kiếm các cơ hội đầu tư an toàn hơn, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có thể tạm thời rút vốn để chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường.
Từ đầu năm 2024, chứng khoán đã có phần kém ưu thế hơn nếu so với các kênh đầu tư khác. Giá vàng liên tục tăng cao cùng với đà tăng của giá thế giới, có thời điểm tăng hơn 25% so với đầu năm. Bất động sản, đặc biệt tại các thành phố lớn, cũng có xu hướng đi lên sau giai đoạn chững lại trước đó. Kênh đầu tư tiền số hay hàng hóa cũng được chú ý. Diễn biến này khiến dòng vốn vào chứng khoán bị thu hẹp một phần.
Tuy nhiên, nếu để so với nguồn lực của khối nội và nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Thế Minh, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn “rất mạnh”. Dù vậy, trong giai đoạn thị trường diễn biến mạnh, áp lực bán ròng của khối ngoại ngày càng cao dẫn tới sự thận trọng chiếm ưu thế, nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát.
Áp lực có thể sớm giảm
Trước câu hỏi “Khi nào khối ngoại dừng bán ròng?”, ông Thế Minh cho rằng áp lực này có thể giảm bớt nếu tỷ giá hạ nhiệt hoặc thị trường chứng khoán tăng trở lại.
Như giai đoạn giữa năm nay, khi đồng bạc xanh hạ nhiệt, USD Dollar Index lùi về sát ngưỡng 100 điểm, áp lực bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam thu hẹp đáng kể. Việc thị trường tăng cao trở lại cũng có thể là một trường hợp, bởi tỷ suất sinh lời đủ bù cho sự biến động của tỷ giá.
Riêng với câu chuyện ngắn hạn, Giám đốc phân tích Yuanta cho rằng lực bán ròng tăng đột biến trong giai đoạn nửa cuối tháng 11 có thể đến từ một số câu chuyện riêng, như việc đóng danh mục của một số quỹ nhỏ. “Nhiều quỹ thường sẽ chọn tháng 11 để tái cơ cấu danh mục và nếu việc này hoàn thành, áp lực từ những phiên bán ròng hơn 1.000 tỷ như gần đây sẽ giảm bớt”, ông Minh cho biết.
Thực tế, giới phân tích gần đây cũng đánh giá câu chuyện tỷ giá trong thời gian tới sẽ có chiều hướng tích cực.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Dragon Capital, dòng vốn FDI, thặng dư xuất khẩu, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định, trong khi những biến động tỷ giá phần lớn xuất phát từ các yếu tố nội địa. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành tín phiếu, giữ lãi suất liên ngân hàng trên 4%/năm và điều chỉnh chênh lệch tỷ giá để hút bớt thanh khoản dư thừa. Đồng thời, NHNN cam kết sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết bằng nguồn dự trữ ngoại hối.
SSI Research trong báo cáo mới đây cho biết vẫn giữ quan điểm áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn là có. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng về cuối năm, các dòng vốn FDI giải ngân và kiều hối thường sẽ tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ tỷ giá./.