Các công ty chứng khoán vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm đạt trạng thái cân bằng. Ảnh tư liệu |
Yếu tố vĩ mô ổn định
Chứng khoán đang trải qua những giai đoạn biến động khó khăn. VN-Index trong hơn một tháng giảm liên tục từ vùng gần 1.300 điểm xuống sát ngưỡng 1.200 điểm, với sự thận trọng đang bao trùm trên thị trường.
Nhà đầu tư bán ròng kỷ lục với quy mô hơn 12.000 tỷ đồng trên HoSE từ đầu tháng 11, nâng quy mô bán ròng từ đầu năm nay lên gần 80.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn từ giữa tháng 11, quy mô bán ròng của nhóm này mỗi phiên lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào các mã dẫn dắt trong nhóm VN30.
Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể thu hẹp Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, áp lực bán ròng của khối ngoại có thể thu hẹp bớt trong tháng cuối năm, bởi quy mô bán tăng đột biến trong những phiên cuối tháng 11 cho thấy động thái dứt khoát của một số nhà đầu tư nước ngoài. "Nếu một số quỹ ngoại đang cơ cấu danh mục và họ quyết bán hết trong tháng 11 thì áp lực có thể giảm bớt trong thời gian tới" - ông Thế Minh nhận xét. Ngoài ra, theo chuyên gia này, nhà đầu tư nước ngoài thực tế chiếm phần lớn là nhà đầu tư chiến lược, nên lượng cổ phiếu "trading" ngắn hạn đã giảm đáng kể sau động thái rút vốn liên tục từ đầu năm. Trong điều kiện thuận lợi, như tỷ giá hạ nhiệt hoặc thị trường trong nước duy trì sắc xanh, dòng tiền của khối ngoại có thể sớm quay trở lại. |
Áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng phần nào ảnh hưởng tới nhà đầu tư trong nước, theo các chuyên gia phân tích. "Thanh khoản thị trường giảm, sự thận trọng của nhà đầu tư đã lên cao trước diễn biến tăng của tỷ giá và lực bán mạnh của khối ngoại", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta cho biết.
Dù vậy, trong báo cáo chiến lược mới đây, các công ty chứng khoán vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm đạt trạng thái cân bằng và có thể tăng trở lại trong tháng cuối năm. Trong đó, hai yếu tố có thể tác động tích cực tới thị trường là số liệu vĩ mô ổn định và mức định giá hấp dẫn cho trung-dài hạn.
Số liệu vĩ mô tháng 10, theo các công ty chứng khoán, cho thấy nền kinh tế vẫn duy trì trạng thái phục hồi sau cơn bão Yagi (bão số 3). Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ, lần lượt 10,1% và 13,6%. Chỉ số PMI hồi phục lên 51,2 điểm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong tháng 10 tăng 8,8%. Các động lực tăng trưởng truyền thống khác như doanh thu bán lẻ hàng hóa, du lịch, đầu tư công duy trì ổn định. Lạm phát bình quân 10 tháng đầu năm tăng 3,78% - dưới mức mục tiêu của Chính phủ.
Riêng vấn đề tỷ giá, áp lực tỷ giá quay trở lại gần đây, với tỷ giá ngân hàng và tỷ giá thị trường tự do tiệm cận và vượt mức đỉnh cuối tháng 6. Tuy nhiên Chứng khoán KB trong báo cáo mới đây dự báo tỷ giá có thể giảm về ngưỡng quanh vùng 25.200 đồng đổi 1 USD (tăng 3,5% so với đầu năm) dựa trên các yếu tố hỗ trợ vào thời điểm cuối năm.
"Nhìn về bức tranh trung và dài hạn, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước hồi phục", nhóm phân tích nhận xét.
Chọn nhóm ngành nào cho kỳ vọng trung - dài hạn
Báo cáo chiến lược của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) với tựa đề là "Bước ngoặt lớn trong năm 2024", kỳ vọng những bất ổn xoay quanh chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ dần được làm rõ.
"Điều chúng tôi kỳ vọng sẽ là quá trình phục hồi trên diện rộng với dòng tiền lan tỏa và đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu ngân hàng", báo cáo chiến lược từ Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) viết và dự báo VN-Index có thể giao dịch trong khoảng 1.250-1.300 điểm, với xu hướng tích lũy hướng tới mốc 1.300 điểm trong hai tháng cuối năm.
Ở câu chuyện đầu tư, Chứng khoán KB đánh giá ba câu chuyện chính của thị trường trong giai đoạn tới, gồm nhu cầu phục hồi, bước tiến nâng hạng thị trường và chu kỳ La Nina.
Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ được nhóm phân tích lựa chọn cho câu chuyện "nhu cầu phục hồi", bởi hai nhóm ngành này gắn liền với sức cầu của nền kinh tế. Bước tiến nâng hạng thị trường hướng sự tập trung vào cổ nhiều ngành chứng khoán, trong khi thủy điện có thể hưởng lợi từ chu kỳ La Nina.
"Thị trường điều chỉnh ngắn hạn sẽ mở ra cơ hội giải ngân tốt cho các nhà đầu tư chưa có vị thế, hoặc gia tăng thêm tỷ trọng cho các nhà đầu tư đã nắm giữ", nhóm phân tích từ Chứng khoán KB bình luận về diễn biến thị trường và cơ hội đầu tư tới đây.
Tương tự KB Việt Nam, bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI cũng chung quan điểm. Theo SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận quý 3 tiếp tục mở rộng sang nhiều nhóm ngành, với nhiều ngành đạt mức tăng trưởng cao trên 30%. Thông tư 68/2024/TT-BTC cùng với việc sửa đổi Luật Chứng khoán đưa tới kỳ vọng các quỹ đầu tư nước ngoài có thể cân nhắc tăng tỷ trọng vào Việt Nam.
Thị trường có thể biến động trong ngắn hạn, tuy nhiên, theo nhóm phân tích, đây cũng là cơ hội để mua vào các cổ phiếu tiềm năng với giá hợp lý để "xây dựng danh mục đầu tư dài hạn".
Đối với câu chuyện đầu tư trong tháng cuối năm nay và năm sau, SI Research khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các công ty có lợi nhuận tăng trưởng mạnh, vì đây vẫn được kỳ vọng là yếu tố chính dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm 2024 và 2025.
"Dệt may, thủy sản (cá tra), cảng và vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ" - báo cáo chiến lược viết, đồng thời thêm rằng nhà đầu tư cũng cần theo dõi những biến động chính sách từ Mỹ, lãi suất và biến động tỷ giá là hai yếu tố vĩ mô trong nước cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình quản lý rủi ro./. |