Áp lực khối ngoại bán ròng mạnh không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước châu Á
- Theo báo cáo thị trường mới nhất của Công ty CP Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục giằng co, có nhiều biến động trong bối cảnh dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang hấp thụ và cân bằng lực bán của khối ngoại. Thực tế, áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn ở hầu hết các thị trường châu Á.
Theo báo cáo của Dragon Capital, về tình hình thị trường chứng khoán, chuyên gia nhận định, dù áp lực bán ròng của khối ngoại lên tới 650 triệu USD song chỉ số VN-Index vẫn duy trì ổn định. Thực tế, áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn ở hầu hết các thị trường châu Á. Việc giải thể quỹ iShares Frontier ETF với tổng tài sản khoảng 120 triệu USD tại Việt Nam cũng góp phần tăng thêm áp lực này.
Về triển vọng, càng gần tới thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chính thức cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ vào các yếu tố vĩ mô ổn định và thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II được kỳ vọng tích cực, với ước tính tăng trưởng lợi nhuận từ 14 - 17% so với cùng kỳ, được dẫn dắt bởi một số nhóm ngành chủ chốt như bán lẻ, chứng khoán, thép và công nghệ thông tin.
Thị trường chứng khoán còn tiếp tục giằng co và nhiều biến động. Ảnh minh hoạ. |
Ngoài ra, dự thảo thông tư sửa đổi quy định ký quỹ trước giao dịch dự kiến sẽ được Bộ Tài chính công bố vào tháng 7. Ngoài việc đem lại những tín hiệu tích cực cho thị trường, dự thảo lần này còn tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025.
“Tuy vậy, trên cơ sở định giá một số ngành đang tương đối cao và đã phản ánh trước kỳ vọng tăng trưởng, chúng tôi giữ quan điểm thận trọng về thị trường nói chung và ưu tiên việc lựa chọn cổ phiếu có mức định giá an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang hấp thu và cân bằng lực bán của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường có thể tiếp tục giằng co và nhiều biến động” – Dragon Capital nhận định.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 tăng 10,8% so với cùng kỳ, trong khi đó 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận mức giảm 2,2%. |
Về tình hình kinh tế vĩ mô, theo Dragon Capital, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi với kết quả nửa đầu năm ấn tượng. GDP quý II đạt mức tăng tưởng 6,93%, và GDP quý I cũng được điều chỉnh tăng lên 5,9% so với mức 5,7% được công bố trước đó, đưa nền kinh tế mở rộng 6,4% trong nửa đầu năm, cao thứ hai kể từ năm 2020.
Cả hai ngành sản xuất và dịch vụ đều đạt kết quả vượt dự kiến. Chỉ số sản xuất công nghiệp có 2 tháng liên tiếp tăng trên 10% với đơn hàng quay trở lại đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều công ty trong lĩnh vực dệt may đã có đơn hàng kéo dài đến tháng 9 - 10 năm nay, trong khi nhu cầu thay đổi các thiết bị điện tử và di động để đáp ứng công nghệ mới giúp số lượng đặt mua đồ điện tử gia tăng.
Biểu đồ tăng trưởng GDP trong xu hướng phục hồi. Ảnh: Dragon Capital. |
Chỉ số PMI tháng 6 đạt mức 54,7 so với mức 50,3 vào tháng 5, đánh dấu sự cải thiện tích cực trong điều kiện kinh doanh kể từ tháng 6 năm 2022. Tiêu dùng trong nước cũng đạt mức tăng trưởng 8,8% trong quý II, trong đó tiêu dùng hàng hóa tăng 7,7%; chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tăng 17,5% cùng với du lịch tăng 30%. Kết quả này một phần được hỗ trợ bởi ngành du lịch Việt Nam đang cho thấy sự phục hồi tích cực với lượng du khách quốc tế hàng tháng duy trì ổn định ở mức 1,2 - 1,4 triệu lượt.
Cũng theo Dragon Capital, tích lũy tài sản 6 tháng đầu năm tăng 6,7%, chỉ thấp hơn mức tăng 7,4% năm 2021, cao hơn nhiều mức tăng 2,9% và 3,5% năm 2020, 2022 và mức tăng khiêm tốn 0,9% năm 2023. |
Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 từ 6,0 - 6,5% lên mức 6,5 - 7,0%. Mức điều chỉnh này phù hợp với dự báo tăng trưởng GDP của quý III và quý IV lần lượt là 7,4% và 7,6%.
Về chính sách tiền tệ, Dragon Capital cho rằng, Việt Nam đã duy trì nền lãi suất tương đối ổn định, cụ thể lãi suất cho vay hầu như không thay đổi kể từ cuối năm 2023 mặc dù lãi suất huy động đã tăng từ 50 - 100 điểm cơ bản tại các kỳ hạn khác nhau.
Trong bối cảnh đồng USD đang mạnh lên, đồng Việt Nam mất giá 4,8% tính từ đầu năm, tiềm ẩn sức ép về lạm phát khiến cho dư địa của các chính sách tiền tệ bị hạn chế, các công cụ tài khóa có thể sẽ nắm vai trò chủ đạo trong hỗ trợ và phát triển kinh tế giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, giải ngân đầu tư công đến hết tháng 6 chỉ đạt 29,4% so với kế hoạch, đồng nghĩa với việc dư địa tăng trưởng trong giai đoạn còn lại là rất lớn. Thêm vào đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thuế và phí, kết hợp với tăng lương cơ sở thêm 30% và tăng mức lương tối thiểu vùng thêm 6%, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước trong 6 tháng cuối năm tới đây./.
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức