Nâng hạng: Pháp lý đã
Chứng khoán Việt đang đứng trước cơ hội lớn để được FTSE nâng hạng vào năm 2025. Ảnh: Duy Dũng
Nâng hạng: Pháp lý đã

PV: Thông tư 68/2024/TT-BTC liên quan tới vấn đề gỡ nút thắt cho các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) đã chính thức được ban hành. Bà đánh giá thế nào về nỗ lực sửa đổi pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề nâng hạng?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Nâng hạng TTCK Việt Nam là mục tiêu quan trọng đối với cả các cơ quan quản lý nhà nước và thành viên tham gia thị trường. Tôi thấy rằng đã có sự quyết tâm rất lớn của các cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK, thể hiện bằng các hành động cụ thể và quyết liệt.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 3/2024, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư, nhằm tháo gỡ các nút thắt hỗ trợ tiến trình nâng hạng, trong đó có 2 nhóm vấn đề chính là giải pháp để nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tổ chức (NĐTNNTC) có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (pre-funding) và tăng quyền tiếp cận thông tin cho NĐTNN.

Nâng hạng thị trường chứng khoán mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, vừa giúp tăng cường nguồn lực cho doanh nghiệp, vừa nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Sau đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc họp với tổ chức FTSE Russell, các công ty chứng khoán (CTCK), các quỹ đầu tư để tiến hành điều chỉnh các quy định trong 4 thông tư nêu trên. Cuối cùng, sau một thời gian làm việc khẩn trương, tích cực, ngày 18/9/2024 vừa qua, Thông tư 68/2024/TT-BTC đã được chính thức ban hành.

Thông tư này có những quy định quan trọng để giải quyết vấn đề “pre-funding” như “CTCK được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là NĐTNNTC khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt. CTCK thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết với khách hàng”. Đồng thời, quyền tiếp cận thông tin cho NĐTNN cũng được tăng cường với lộ trình quy định bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với công ty đại chúng.

PV: Trên thực tế, sau khi các quy định pháp lý ban hành, khâu triển khai đóng vai trò quan trọng tạo nên hiệu quả thực sự, bởi quyết định nâng hạng sẽ phụ thuộc vào trải nghiệm thực tiễn của khách hàng của tổ chức xếp hạng - là các NĐTNN. Theo bà, các công việc tiếp theo cần sự chung tay thực sự của các đơn vị liên quan là gì?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Sau khi đã có quy định pháp lý và quy trình triển khai cho phép NĐTNNTC mua chứng khoán mà không cần có sẵn 100% tiền mặt tương ứng với giá trị lệnh đặt, FTSE Russell sẽ cần lấy ý kiến từ các NĐTNN đang đầu tư vào TTCK Việt Nam. Nếu không có trở ngại gì cho việc giao dịch của các NĐTNN, FTSE Russell mới có thể ra quyết định chính thức về việc nâng hạng TTCK Việt Nam.

Đến nay, nhiều CTCK đã chuẩn bị sẵn sàng quy trình giao dịch cho NĐTNNTC. Tuy nhiên, cần đảm bảo quy trình này được thực hiện trôi chảy trong thực tế, không có trục trặc hay ảnh hưởng gì đến giao dịch của các NĐT. Ngoài ra, các CTCK cũng cần chuẩn bị đủ nguồn vốn để ứng vốn cho giao dịch của các NĐT. Việc kiểm soát rủi ro đối với các CTCK cũng rất quan trọng, tránh việc NĐTNNTC mua chứng khoán nhưng sau đó không thanh toán được.

Hiện tại, mục tiêu trước mắt của TTCK Việt Nam là được FTSE Russell nâng hạng trong năm 2025. Tuy nhiên, sau khi được FTSE Russell nâng hạng, chúng ta còn mục tiêu quan trọng hơn là được MSCI nâng hạng do các chỉ số của MSCI được nhiều quỹ đầu tư dùng làm chỉ số tham chiếu hơn.

PV: Bà kỳ vọng thế nào về việc TTCK Việt Nam được nâng hạng theo mục tiêu đã đề ra? Lợi ích nâng hạng của chúng ta sẽ là gì?

Bà Nguyễn Hoài Thu: Việc nâng hạng TTCK Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Việc TTCK Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số. Thu hút vốn sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho doanh nghiệp niêm yết để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Việc nâng hạng còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho TTCK Việt Nam, khắc phục tình trạng các NĐT cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường, thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại có tính ổn định cao vào thị trường. Điều này còn có tính thời điểm đặc biệt quan trọng khi dòng vốn quốc tế, nhất là dòng vốn của các quỹ hưu trí và quỹ hiến tặng lớn của phương Tây đang rút khỏi thị trường Trung Quốc, và các NĐTNNTC quy mô cực lớn này đang tìm kiếm TTCK giàu tiềm năng khác để giải ngân. Việc TTCK Việt Nam vẫn đang ở trong nhóm cận biên, trong khi Ấn Độ và Indonesia đã ở trong nhóm mới nổi là điều bất lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn rất lớn này.

PV: Xin cảm ơn bà!

Yếu tố cốt lõi để hút vốn vẫn là cơ hội đầu tư trên thị trường

Nhiều ý kiến cho rằng, nâng hạng TTCK là mục tiêu quan trọng, nhưng giữ được hạng mới còn quan trọng hơn. Thực tế trên thế giới, một số TTCK sau khi đã được nâng hạng nhưng không duy trì được các tiêu chí vẫn bị hạ mức xếp hạng thị trường. Thậm chí, chuyên gia còn bày tỏ, việc duy trì thứ hạng còn áp lực hơn khi các thành viên và doanh nghiệp đã vào một sân chơi “pro” hơn.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, yếu tố cốt lõi thúc đẩy việc thu hút vốn đầu tư trên TTCK vẫn là những cơ hội đầu tư trên thị trường. Mà những cơ hội đầu tư này đến từ chất lượng của những doanh nghiệp niêm yết hoặc chuẩn bị niêm yết, cùng với một nền tảng kinh tế vĩ mô phát triển ổn định.

Do đó, theo chuyên gia của VinaCapital, các chính sách của Nhà nước về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì sự ổn định vĩ mô luôn có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tính hấp dẫn của TTCK trong mắt các NĐT. Đối với các doanh nghiệp niêm yết, cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, tính minh bạch, chất lượng công bố thông tin để giúp củng cố niềm tin của các NĐT vào TTCK Việt Nam.

Ngoài ra, bà Nguyễn Hoài Thu lưu ý rằng, giải pháp hiện tại cho phép các CTCK cung cấp dịch vụ ký quỹ cho NĐTNNTC để giải quyết vấn đề “pre-funding” chỉ là giải pháp trước mắt trong ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu của FTSE Russell về việc nâng hạng. Giải pháp căn bản về lâu dài là cần triển khai hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP). “Điều đáng mừng là Bộ Tài chính đang có đề nghị sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán hiện hành làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai cơ chế CCP” - đại diện VinaCapital nói.