Bài 2: Xử lý chưa đủ sức răn đe
Mặc dù cơ quan chức năng đã chủ động vào cuộc, rà soát, xử lý nhiều cá nhân tung tin xấu, độc trên mạng xã hội, song loại thông tin này vẫn xuất hiện và chưa được ngăn chặn triệt để. Vậy đâu là nguyên do? Phải chăng chế tài xử lý hiện nay chưa đủ sức nặng răn đe, thậm chí quá thấp so với những thiệt hại về kinh tế do tin xấu, độc gây ra.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính một chủ tài khoản Facebook vì hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật”. Ảnh: Phạm Linh
Mức phạt quá nhẹ so với hậu quả gây ra
Ngoài số ít cá nhân đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”, đến nay, hầu hết các vụ vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội bị xử phạt hành chính. Mức phạt được căn cứ theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022 của Chính phủ, phổ biến là 7,5 triệu đồng và 12,5 triệu đồng.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Quý Vũ, hành lang pháp lý cho công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội đã cơ bản đầy đủ, song khâu thực thi vẫn hạn chế. Quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trên mạng xã hội là còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng.
Cùng quan điểm, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, chế tài xử phạt không phân biệt vai trò của người tung tin giả (có chủ đích) và người truyền tin giả (chia sẻ lại), không phân biệt được mức độ ảnh hưởng của người truyền tin giả là chủ tài khoản có uy tín, có ảnh hưởng trên mạng xã hội với người truyền tin giả là chủ tài khoản có ít người theo dõi, tương tác.
Mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho tin giả phát triển, bắt nguồn từ 2 nguyên nhân. Đó là người đưa tin giả, tin sai sự thật chỉ để câu lượt xem (view); hoặc đưa tin giả, tin sai sự thật nhằm phục vụ, đạt lợi ích nào đó. Khi người đưa tin, truyền tin giả nằm trong nhóm lợi ích, họ chấp nhận mức phạt hành chính trên dưới chục triệu đồng để nhận được lợi ích to lớn hơn nhiều. Trong khi đó, tin giả được phát tán có thể gây tổn hại to lớn cho cá nhân, doanh nghiệp, cho thị trường, mà nhiều khi không thể đo đếm được. Vì vậy, áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay là không công bằng, không có tính răn đe.
“Cơ quan chức năng nên xây dựng quy định phạt thật nặng, thậm chí phải tương xứng với thiệt hại do tin giả gây ra, như vậy mới khiến người sử dụng mạng xã hội phải cân nhắc kỹ trước khi tung tin, truyền tin giả. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm cần xử lý hình sự”, ông Lê Quốc Vinh đề xuất.
Bất cập cơ chế, chính sách
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thông tin và truyền thông Đỗ Quý Vũ cho biết, mạng xã hội là môi trường chính lan truyền các thông tin xấu, độc. Tuy nhiên, việc theo dõi, giám sát và đánh giá mức độ rủi ro của các hành vi ứng xử vi phạm pháp luật trên mạng xã hội vẫn còn hạn chế và gặp khó khăn.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc, nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng vi phạm trên các nền tảng số xuyên biên giới là do người sử dụng có tư tưởng “vô danh nên vô trách nhiệm”, không sợ bị xử lý. Thêm vào đó, các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin. Về phía các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, mặc dù đã có cam kết, thỏa thuận với Bộ Thông tin và Truyền thông để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, song do có sự khác biệt về quan điểm và môi trường pháp lý, nên việc xử lý các thông tin vi phạm còn chậm, thiếu triệt để, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
“Một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta vẫn tìm cách né tránh không ngăn chặn thông tin xấu, độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook. Trong khi hiện nay, giải pháp kỹ thuật chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Ngoài ra, các giải pháp ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube và TikTok chưa đạt hiệu quả”, ông Lưu Đình Phúc chia sẻ.
Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường quản lý các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, kiên trì trao đổi với 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, TikTok và Apple, để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp.
(Còn nữa)
- Trục vớt, di dời quả bom M-118 thứ 3 tại quận Long Biên
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3