Báo cáo chính trị phải khơi dậy được sự tự hào, tự cường, tự lực, tự tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân

Thứ ba, ngày 27 tháng 8 năm 2024 | 16:7

Ngày 27/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, chủ trì Phiên họp lần thứ 2 Tiểu ban Văn kiện, cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở Đề cương chi tiết đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu kết luận.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu kết luận.

Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thường trực Tiểu ban, Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện trình bày Tờ trình của Tổ Biên tập về dự thảo Báo cáo chính trị. Tiếp đó, các thành viên Tiểu ban Văn kiện đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị.

Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc chủ động, trách nhiệm của Tổ Biên tập Văn kiện để hoàn thành dự thảo Báo cáo chính trị lần thứ 6, trình Tiểu ban. Các thành viên Tiểu ban cơ bản nhất trí về nội dung và đánh giá chất lượng dự thảo Báo cáo chính trị trình lần này đã nâng lên rõ rệt. Trong đó, các nội dung tổng kết 40 năm đổi mới được trình bày súc tích, rõ ràng hơn, thể hiện sự tiếp thu các ý kiến góp ý rất nghiêm túc của Tổ Biên tập.

Báo cáo chính trị phải khơi dậy được sự tự hào, tự cường, tự lực, tự tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân ảnh 1

Quang cảnh phiên họp.

Lưu ý công việc sắp tới còn rất lớn, trong khi thời gian không còn nhiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban Văn kiện,Tổ Biên tập Văn kiện cần tăng tốc, dành thời gian, tâm sức thoả đáng hơn nữa, nghiên cứu kỹ các văn bản đã ban hành, tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý, chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế, những cách làm hay, mô hình mới trong thực tế, nhất là thực tiễn qua 40 năm đổi mới để tiếp tục chắt lọc, bổ sung, chỉnh sửa; đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các tiểu ban, tổ biên tập các tiểu ban khác, hoàn thành dự thảo Báo cáo chính trị đúng tiến độ và có chất lượng cao, trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến, hoàn thiện, trình Hội nghị Trung ương 10.

 
Báo cáo chính trị phải khơi dậy được sự tự hào, tự cường, tự lực, tự tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân ảnh 2

Các đại biểu dự phiên họp.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm cho nên nội dung phải thể hiện ở tầm quan điểm, chủ trương; phải thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; khơi dậy được sự tự hào, tự cường, tự lực và tự tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng, vào mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ kính yêu và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn. Tổ Biên tập, Tiểu ban Văn kiện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc những tư tưởng chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là ba nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng văn kiện, đó là: Kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách. Trong quá trình thảo luận, bàn bạc, Tiểu ban Văn kiện, Tổ Biên tập phải phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, nêu cao tinh thần cầu thị, lắng nghe, tạo sự thống nhất cao, nhất là đối với những vấn đề mới, vấn đề khó để Báo cáo chính trị thật sự là sản phẩm trí tuệ, sáng tạo của Đảng.