Bất lực và đơn độc
Tôi đăng ký hiến tạng năm 2018, vài tháng sau khi đọc bài báo phỏng vấn bác sĩ Trịnh Hồng Sơn, giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia.
Một trong những chi tiết của bài báo làm tôi ấn tượng và thúc đẩy tôi đến quyết định trên, là ông chỉ chấp nhận phỏng vấn nếu phóng viên ký vào đơn xin hiến tạng.
Vấn đề canh cánh trong lòng ông từ trước đến nay luôn là làm thế nào để có thật nhiều người đăng ký hiến tạng, và được gia đình chấp thuận khi họ qua đời, hoặc chết não. Không nhiều người sẵn sàng gạt bỏ mọi phép tắc xã giao thông thường để bàn về vấn đề họ theo đuổi theo cách của bác sĩ Sơn.
Chết não là tình trạng bệnh nhân không thể tự thở, hôn mê sâu, không thể cử động... và chắc chắn sẽ tử vong. Các bác sĩ giỏi chuyên môn sẽ đủ khả năng chẩn đoán tình trạng chết não một cách đơn giản, chính xác. Buổi trò chuyện của tôi với bác sĩ Sơn cũng bắt đầu bằng việc tôi thật thà khai mình đã đăng ký hiến tạng từ năm 2018.
Bất lực và đơn độc có lẽ là cách mô tả chính xác nhất dành cho những y bác sĩ. Cho dù cả xã hội biết ơn họ, ghi nhận những gì họ làm, thì khi đối mặt với bệnh nhân, với cái chết, mỗi y bác sĩ đều đơn độc, và nhiều khi bất lực. Khi một quyết định y khoa được đưa ra, cho dù thành công hay thất bại, được tung hô hay chỉ trích, y bác sĩ là người duy nhất đối diện với sự day dứt của chính họ, mà không ai có thể sẻ chia.
Thiếu tạng là một trong những nỗi bất lực đó. Nỗi bất lực này theo suốt cuộc đời nhiều bác sĩ, kể từ khi họ lựa chọn cứu người làm sự nghiệp.
Thống kê của Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia cho thấy đến nay có hơn 20.000 người đã đăng ký hiến tạng, nhưng tính đến cuối 2020, mới chỉ hơn 5.200 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó phần lớn là ghép thận và gan, cơ quan con người có thể "cho" được ngay khi còn sống.
Tôi đăng ký hiến tạng, bên cạnh mong muốn được cứu người, một mong muốn rất bản năng, còn là cách trả ơn những y bác sĩ, sẻ chia với họ nỗi bất lực và đơn độc đó.
Mọi người thường lên kế hoạch cho mình vào mỗi dịp sinh nhật, năm mới đến: công việc, thăng tiến, yêu đương, kết hôn, có con... Sống trong giai đoạn đầy bất định hiện nay, vẫn ít ai chuẩn bị cho mình sự ra đi. Chết là một động từ chứa đựng sự xui rủi, cấm kỵ.
Với tôi, chết chỉ là một cột mốc của hành trình kéo dài vĩnh viễn. Thể xác của mỗi người, suy cho cùng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi mà thôi. Tôi không mong các cơ quan nội tạng của mình được tiếp tục sống 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Nhưng nếu điều đó giúp hành trình cuộc sống của nhiều người được kéo dài, tôi rất vui lòng.
Sống lâu là mơ ước của loài người. Chỉ trong nửa thế kỷ, tuổi thọ người Việt đã được nâng lên hơn 15 tuổi, từ mức gần 60 tuổi những năm 1970 lên hơn 75 tuổi năm 2021 - theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới. Trong cuộc chiến với tử thần, có vẻ như thắng lợi của loài người ngày càng vẻ vang, cho dù cứ khoảng 100 năm chúng ta lại phải đối diện với một đại dịch. Nhưng điều đó cũng khiến các bác sĩ giằng xé hơn khi bị vụt mất cơ hội cứu sống bệnh nhân, những người lẽ ra được sống dài hơn, nếu đủ các cơ quan nội tạng thay thế.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - từng chia sẻ khó khăn nhất là về mặt tinh thần, khi bác sĩ "không giữ được tính mạng người bệnh trên tay mình". Sự bất lực và đơn độc đó ám ảnh hơn nhiều so với những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, cường độ làm việc... - là những gì có thể dễ dàng nhìn thấy.
Ở các bệnh viện, mỗi ngày bác sĩ đều chứng kiến hàng chục ca chết não. Có 12 bộ phận được sử dụng thường xuyên trong việc hiến tạng bao gồm thận, tim, gan, giác mạc, phổi, sụn, da, mạch máu, xương, gân, tụy và van tim. Sở dĩ các ca chết não được đề cập đến nhiều trong việc hiến tạng hơn các ca tử vong hoàn toàn, là do ở tình trạng chết não, nội tạng có khả năng được sử dụng tối ưu. Trong ghép tạng, thời gian là vấn đề sống còn. Khi một bệnh nhân đã tử vong, hầu như chỉ giác mạc là có thể sử dụng được.
Điều cần thiết hiện nay nhằm giảm thiểu tình trạng thiếu tạng không chỉ là tăng số lượng người đăng ký hiến tạng, mà còn cần cơ chế phù hợp cho việc hiến tạng, trong đó có việc thành lập Hội đồng chẩn đoán chết não. Đây là tổ chức rất quan trọng ở mỗi bệnh viện, giúp việc chẩn đoán chết não được chính thức hóa, giúp lấy tạng và ghép tạng từ bệnh nhân chết não trở nên dễ dàng, giảm thiểu thủ tục, cứu sống càng nhiều bệnh nhân cần thay tạng mỗi ngày, mỗi giờ. Cuối năm 2020, Bộ Y tế đã có văn bản quy định về việc thành lập hội đồng này. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có một số bệnh viện thực hiện.
Chúng ta đã có nhiều chương trình ủng hộ các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu, cũng có nhiều quy định về việc trợ cấp y bác sĩ về vật chất, hay hỗ trợ chăm sóc gia đình để họ yên tâm thực hiện công việc cao cả.
Nhưng trên hết, nỗi bất lực và đơn độc của họ trong hành trình cứu người cần sự thấu hiểu và sẻ chia một cách thiết thực.
Theo VnExpress.net
https://vnexpress.net/bat-luc-va-don-doc-4434016.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá