Bầu cử tổng thống Pháp: Hai ứng cử viên tiếp tục vận động tranh cử
Ngày 21/4, hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen tiếp tục vận động những cử tri còn lưỡng lự đi bỏ phiếu ủng hộ trong "trận chung kết" vào ngày 24/4. Kết quả thăm dò sau cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình cho thấy ông E. Macron tiếp tục nới rộng khoảng cách so với đối thủ.
Kết quả thăm dò ý định bầu do Hãng Ifop công bố ngày 21/4 cho thấy, ông Emmanuel Macron tiếp tục nới rộng khoảng cách với bà Marine Le Pen.
Tỷ lệ vắng mặt ở vòng một ở mức cao, 26%. Chính vì vậy, hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen tận dụng hai ngày còn lại trước ngày bầu cử vòng hai để vận động cử tri.
Ông Emmanuel Macron đã tới Saint Denis, thành phố ngoại ô Paris và nghèo nhất nước Pháp để vận động tranh cử. Đây là nơi có tỷ lệ cử tri vắng mặt cao nhất Pháp ở vòng một diễn ra vào ngày 10/4 và cũng là nơi có tỷ lệ bầu cao nhất cho ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực tả nước Pháp bất khuất.
Thay vì đến dự một buổi gặp cử tri, ông Emmanuel Macron đã trực tiếp gặp cử tri ở đường phố, cho rằng các khu dân cư của tầng lớp lao động là "cơ hội cho nền Cộng hòa".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 2, ông Emmanuel Macron cho biết kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 có thể lùi thời hạn đến năm 2027.
Trong khi đó, bà Marine Le Pen đến vận động cử tri ở vùng Hauts-de-France ở phía bắc, vùng nghèo thứ hai của nước Pháp. Đây là khu vực ứng cử viên cực hữu đã về đầu ở vòng một tại 5 tỉnh. Bà Marine Le Pen tự tin cho rằng, mình có cơ hội để chiến thắng vào ngày 24/4.
Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ hai với ông Emmanuel Macron kể từ năm 2017, bà Marine Le Pen không thể khai thác được những điểm yếu của đối thủ. Cố gắng giữ thái độ ôn hòa, bà Marine Le Pen khẳng định khả năng mang lại sự bình an cho người dân Pháp. Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron đã khai thác thành công điểm yếu của đối thủ, đó là không nắm những vấn đề cơ bản và đưa ra các giải pháp không khả thi hay thực tế như giảm thuế VAT ồ ạt, không có quan điểm rõ ràng về xây dựng châu Âu hay quan điểm hoài nghi về biến đổi khí hậu.
Theo thống kê, cuộc tranh luận năm nay chỉ thu hút hơn 15,6 triệu khán giả truyền hình, thấp hơn so với con số gần 16,5 triệu trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2017. Kết quả này cho thấy còn nhiều cử tri không quan tâm đến bầu cử tổng thống và rất có thể sẽ không đi bỏ phiếu trong vòng hai cùng với những người cho rằng kết quả đã ngã ngũ.
Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron đã thể hiện được kinh nghiệm và làm chủ các hồ sơ trong cuộc tranh luận trực tiếp, sự kiện quan trọng nhất của chiến dịch vận động bầu cử vòng hai. Kết quả của các cuộc thăm dò bỏ phiếu mới nhất cho thấy ông Emmanuel Macron có thể tái đắc cử với tỷ lệ phiếu 55-57% phiếu bầu so với 42-45% của đối thủ.
Dù vậy, cơ hội chưa phải là hết đối với bà Marine Le Pen. Thực tế, vẫn còn những yếu tố khó lường mà bà Marine Le Pen có thể trông đợi như tỷ lệ cử tri vắng mặt, tiếp đến là những cử tri không theo lời kêu gọi của các ứng cử viên đã bị loại ở vòng một. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác như "mặt trận Cộng hòa", nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của ứng cử viên cực hữu không còn mạnh như kỳ bầu cử trước hay một số cử tri không hài lòng với kết quả cầm quyền của ông Emmanuel Macron trong 5 năm vừa qua.
Nguồn nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/bau-cu-tong-thong-phap-hai-ung-cu-vien-tiep-tuc-van-dong-tranh-cu-694076/
- Serbia kiên quyết từ chối trừng phạt Nga bất chấp sức ép từ Đức
- Nga tự tin trụ vững trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây
- Cai dầu, châu Âu vẫn nhận khí đốt từ Nga?
- Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
- Dự báo có 4 tỷ hành khách đi lại bằng đường hàng không vào năm 2024
- Phương Tây chia rẽ về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
- Đại sứ Nga bỏ họp LHQ giữa chừng vì phát biểu của châu Âu
- Tổng thống Biden xem xét nới lỏng thuế quan với Trung Quốc
- Chủ tịch Liên minh châu Phi kêu gọi giải phóng ngũ cốc khi gặp ông Putin