Bình thường hóa dịch bệnh để phát triển
Sáng 3/3, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh trong nước và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh và xem Covid-19 như bệnh đặc hữu.
Đây là những chỉ đạo kịp thời để đẩy mạnh phát triển kinh tế dựa trên cơ sở thực tiễn và khoa học mà thời gian qua Việt Nam đã đạt được.
Đến nay, Việt Nam đạt được những tiến bộ vượt bậc về tiêm chủng. Đã tiêm gần 202 triệu liều vắc xin trên tổng dân số, tỷ lệ bao phủ vắc xin liều 1 đạt 98,6%, 2 liều đạt 93,1% dân số và đang phấn đấu hết tháng 3 tiêm đầy đủ mũi 3 .
Việc tiêm chủng cho trẻ em cũng đạt được những kết quả quan trọng. Trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm đạt tỷ lệ 94%, đặc biệt đang chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Có thể nói, diện phủ vắc xin của nước ta rất cao so với các nước trên thế giới (đứng trong top 6).
Tuy thời gian qua dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các tỉnh phía Bắc, nhưng tỷ lệ tăng nặng và tử vong thấp. Đây chính là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, từng bước coi bệnh Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Việt Nam chuẩn bị mở cửa du lịch |
Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã mở cửa hoàn toàn. Họ đã coi bệnh này như bệnh thông thường ngay từ những ngày đầu năm 2022 và dỡ bỏ mọi biện pháp phòng ngừa.
Nhiều quốc gia như Mỹ và một số nước EU bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế khi tình hình Covid-19, nhất là số ca nhập viện, có dấu hiệu giảm. Trong tháng 2, Pháp bãi bỏ quy định hạn chế tất cả người nước ngoài đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Trước đó, đầu tháng 2, Liên minh châu Âu cho phép người dân chỉ cần có thẻ xanh (tiêm đủ 2 mũi, hoặc đã khỏi bệnh, hay xét nghiệm âm tính) có thể đi lại tự do giữa các nước trong khối mà không cần phải tự cách ly.
Đi trước những nước trên, Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch đã dỡ bỏ hầu hết hạn chế phòng dịch trong khi Boris Johnson thông báo những hạn chế cuối cùng ở Anh chấm dứt vào cuối tháng 2.
Nhật Bản thông báo sẽ nới lỏng chính sách kiểm soát biên giới, bắt đầu bằng việc cho nhập cảnh trong tháng này và nâng dần con số lên hàng ngàn người. Nam Phi, nơi phát hiện biến thể Omicron đầu tiên cũng đã được hủy bỏ các quy định tự cách ly. Nhiều bang của Mỹ trong tuần này cũng thông báo bỏ yêu cầu đeo khẩu trang…
Giáo sư Brockmann thuộc Đại học Humboldt ở Berlin cho biết diễn biến của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron hiện đang trên đà đạt đỉnh và nhiều khả năng sẽ chạm mức cực đại trong vài ngày tới. Còn Giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học Washington (Mỹ) All Mokdad cho rằng giờ đây không còn bàn là có dỡ bỏ mọi hình thức hạn chế hay không mà khi nào thôi.
Chúng ta có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để quyết định bước đi, lộ trình cho phù hợp. Giao cho Bộ Y tế nghiên cứu là để làm sao cho việc tiêm chủng được triển khai nhanh và đảm bảo chất lượng. Việc phát hiện và điều trị phải kịp thời, hạn chế thấp nhất người bị bệnh.
Ngành Y tế đã có những thành tích to lớn trong việc phòng ngừa và chữa trị dịch bệnh. Thành tích tiêm chủng cao là sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành. Tuy nhiên việc thực hiện tiêm chủng và các thủ tục cũng còn nhiều bất cập. Đặc biệt thời gian gần đây nhiều quy định còn rối rắm, mỗi nơi mỗi kiểu.
Chẳng hạn quy định công nhận test nhanh hay giấy tờ chứng nhận bị bệnh và khỏi bệnh đã làm người dân phiền lòng. Người lành bệnh và người bệnh xếp hàng chung ở những trạm y tế làm nguy cơ lây cao. Nơi thì công nhận trực tuyến nơi thì phải đến tận nơi xét nghiệm làm giấy tờ gây cho người dân đã mệt mỏi vì bệnh tật thêm mệt mỏi thủ tục khai báo giấy tờ...
Khôi phục và phát triển kinh tế phải được ưu tiên hàng đầu. Ngành Y tế là mắt xích quan trọng cho sự phục hồi và phát triển này. Thích ứng an toàn đòi hỏi ngành Y tế phải nỗ lực hơn nữa. Chúng ta đã sản xuất được thuốc điều trị Covid-19 là điều kiện tốt cho việc phòng chống bệnh để tăng cường sản xuất. Việc hướng dẫn mua và cấp thuốc cũng cần thống nhất tránh tình trạng nơi lỏng nơi chặt.
Chính phủ đã có lộ trình để mở cửa toàn diện nền kinh tế. Việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu là xu hướng chung của thế giới. Nhưng để cho dân an toàn, sống chung với dịch bệnh đòi hỏi cả xã hội chung tay thực hiện nghiêm những quy định phòng và chống dịch trong đó vai trò của ngành y vẫn là quan trọng hàng đầu. Làm được như vậy, Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu trong tiến trình bình thường hóa dịch bệnh, ổn định và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.
Theo Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/binh-thuong-hoa-dich-benh-de-phat-trien-820214.html
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí