Các cơ quan, địa phương của Hà Nội tích cực ứng phó bão số 3
Siêu bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đang hướng vào một số địa phương miền Bắc với cường độ rất mạnh. Các sở, ngành và địa phương của Hà Nội đang khẩn trương ứng phó siêu bão này, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Quận Thanh Xuân: Các địa phương, cơ quan thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách
Ứng phó với bão số 3, Quận ủy Thanh Xuân có văn bản hỏa tốc gửi UBND quận Thanh Xuân, Công an quận, Ban Chỉ huy quân sự quận, Đảng uỷ 11 phường tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.
Đoạn đường từ Nguyễn Trãi đi Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) ùn ứ sau cơn mưa chiều 6-9. Ảnh Tuấn Việt
Theo đó, tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, thành phố, Quận ủy trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn và UBND 11 phường: Chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện các phương án phòng, chống úng ngập; phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ, ứng phó mưa to, gió lớn; phương án chằng chống nhà cửa, công trình, nhất là các khu tập thể cũ, chung cư mini, biển báo, biển hiệu, bảng quảng cáo...
Công an quận, Ban Chỉ huy Quân sự quận chủ động bố trí lực lượng trực, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai công tác phòng, chống bão; cứu hộ, cứu nạn và tham gia xử lý các sự cố, nhất là các điểm úng ngập.
Đảng ủy 11 phường, chỉ đạo UBND phường và các lực lượng chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, cảnh báo kịp thời tới nhân dân để chủ động phòng, tránh; rà soát các các công trình, biển báo, biển hiệu, bảng quảng cáo, hệ thống cây xanh có nguy cơ sập, đổ để có phương án chằng chống đảm bảo toàn toàn; có phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, úng ngập lớn.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực; tổ chức lực lượng trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3, giải quyết mọi tình hưống phát sinh; đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản của nhân dân, hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Quận Hai Bà Trưng: Tập trung các phương án phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn về người và tài sản
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung vừa ký ban hành Công điện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3.
Theo đó, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận, UBND các phường, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các phường trên địa bàn quận tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của của UBND thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung họp khẩn để chỉ đạo ứng phó với bão số 3. Ảnh: Đình Hiệp
Đồng chí Nguyễn Quang Trung yêu cầu các đơn vị căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách.
Trong đó, chú trọng các phương án phòng, chống úng ngập, phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ ứng phó mưa to, gió lớn, phương án chằng chống nhà cửa, công trình, biển báo, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hoạt động sản xuất của nhân dân, phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình đê điều...
Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra. Sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm (ven sông, địa bàn trũng, thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất, khu vực chịu tác động của lũ rừng ngang và các khu vực nguy hiểm khác). Đặc biệt lưu ý đối với các phường ven đê như: Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy.
Quận Nam Từ Liêm: Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai
UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn quận. Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Mai Trọng Thái cùng lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị kiểm tra tại khu vực tuyến đường ven sông Cầu Ngà, trạm bơm Cầu Ngà và Trường Mầm non Tây Mỗ B.
UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ứng phó với cơn bão số 3. Ảnh: Nguyên Hoa
Các Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thanh Bình, Phùng Ngọc Sơn cùng đoàn công tác của quận đã đi kiểm tra một số địa điểm thuộc nhóm dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trên địa bàn quận tại dự án xây dựng tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài; khu vực đường Phùng Khoang và một số điểm thường xuyên úng ngập trên địa bàn phường Trung Văn.
Chỉ đạo tại hiện trường, lãnh đạo UBND quận yêu cầu các phường, các đơn vị thoát nước, điện lực, cây xanh, chủ đầu tư các công trình xây dựng... nhanh chóng gia cố hàng rào tôn công trình chắc chắn; phối hợp với xí nghiệp thoát nước hút nước đọng, các điểm ngập úng tại các công trình; phân công người trực, phân luồng giao thông, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Quận Long Biên: Bố trí lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn
Thường trực Quận ủy Long Biên đã họp khẩn và ban hành thông báo kết luận về công tác phòng, chống cơn bão số 3. Trong đó yêu cầu các đồng chí trong Ban Thường vụ Quận ủy, Quận ủy viên theo dõi tổ chức cơ sở Đảng trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai tổ chức thực hiện các phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.
UBND quận chủ động nắm sát tình hình bão; khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão và tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Chủ tịch UBND thành phố gắn với các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quận đã triển khai.
Kiểm soát, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn trong thời gian bão đổ bộ, mưa lớn, nhất là qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, kịp thời cứu hộ, cứu nạn nhanh do hậu quả mưa, bão xảy ra trên địa bàn quận.
Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, bảo điện phục vụ công tác tiêu thoát nước, dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân; có biện pháp chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa các cây có nguy cơ gãy, đổ, ứng phó mưa to, gió lớn; có giải pháp tốt nhất cho công tác tiêu thoát nước trên địa bàn và hạ mức nước tại các hồ chứa nước; hạn chế tối đa việc úng ngập cục bộ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh.
Sóc Sơn có nơi lượng mưa hơn 300mm
Theo dự báo, khu vực các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có thể có tổng lượng mưa phổ biến từ 150mm đến 250mm, có nơi hơn 300mm. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn yêu cầu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3 và thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân chủ động phòng, tránh.
UBND huyện Sóc Sơn họp triển khai phương án phòng, chống bão số 3. Ảnh: Hoàng Sơn
Các xã, thị trấn chỉ đạo tập trung thu hoạch nhanh gọn đối với diện tích lúa mùa đã chín và cây trồng vụ hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Hạt Quản lý đê số 8 tăng cường công tác kiểm tra đê, kè, cống thuộc đơn vị quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự sự cố xảy ra; kiểm tra công tác trực ban theo quy định, nhằm bảo đảm an toàn công trình đê điều.
Xí nghiệp Thủy lợi Sóc Sơn tăng cường kiểm tra trạm bơm tiêu, tưới tiêu, hồ đập, cống tiêu, trục kênh tiêu, đặc biệt là các công trình trọng điểm, xung yếu, phát hiện và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng vận hành các trạm bơm, tiêu úng hiệu quả cho các diện tích lúa mùa và hoa màu...
Bảo đảm giao thông khi mưa to, gió lớn
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc có giải pháp ứng phó chủ động với cơn bão số 3; tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.
Hầm chui dân sinh tại địa bàn huyện Thạch Thất bị úng ngập khi mưa lớn. Ảnh: Trường Giang
Cụ thể, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
Chú trọng tập trung đến các phương án phòng, chống úng ngập nội, ngoại thành; phương án phối hợp ứng phó phòng, chống cây đổ, cành rơi, giải tỏa cây đổ, bảo đảm giao thông khi mưa to, gió lớn; phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, ứng phó sự cố công trình, sự cố gãy đổ, xê dịch biển báo giao thông; có phương án phối hợp hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố.
Tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; phối hợp kiểm tra công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để có thể phát hiện, ứng phó kịp thời các nguy cơ có thể xảy ra; sẵn sàng phương án phối hợp sơ tán, bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm. Trong đó cần tăng cường tuần tra các địa bàn thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất như các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.
Lực lượng chức năng quận Ba Đình chú trọng giải tỏa cây đổ do mưa to, gió lớn. Ảnh: Mai Hữu
Ba Đình: Ứng trực sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi nhà tập thể cũ
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng, UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Cống Vị, Kim Mã tổ chức ứng trực sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi nhà tập thể cũ, như C8 Giảng Võ, nhà G6A Thành Công, nhà A Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp, nhà 148-150 Sơn Tây khi có sự cố.
UBND các phường: Ngọc Khánh, Trúc Bạch đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh hoạt động vui chơi trên hồ Thủ Lệ, hồ Trúc Bạch tạm dừng các hoạt động bến thủy nội địa, bảo vệ các phương tiện thủy nội địa khi có bão bảo đảm an toàn cho người dân.
Là địa bàn duy nhất của Ba Đình nằm hoàn toàn ngoài đê sông Hồng, UBND phường Phúc Xá theo dõi chặt chẽ tình hình nước lũ trên sông Hồng, cảnh báo kịp thời cho người dân để sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm (ven sông, nơi có nguy cơ sạt lở đất...).
Đội tuần tra canh gác đê, dân quân thường trực phường Phúc Xá ứng trực phòng, chống lụt bão. Ảnh: Mai Hữu
Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Nguyễn Trung Kiên cho biết, phường đã giao Đội tuần tra canh gác đê thường xuyên túc trực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan trong công tác tuần tra đê và phòng chống lụt bão, thông tin kịp thời tình hình báo lụt tới Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn của phường. Đối với các hộ dân đang sinh sống, canh tác tại khu vực bãi giữa sông Hồng, phường Phúc Xá cũng thực hiện kêu gọi, vận động và hỗ trợ di dời về đất liền để bảo đảm an toàn về người và tài sản khi có bão lũ xảy ra.
Mưa lớn, lũ trên các sông Tích, Bùi lên, nguy cơ thiệt hại rất cao
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ dự báo, do ảnh hưởng của bão số 3 nên từ sáng mai 7-9 đến sáng 8-9, thành phố Hà Nội mưa to đến rất to kèm dông, lốc, sét, gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm. Từ trưa 8-9 đến sáng 9-9, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to và dông...
Do mưa lớn nên từ ngày 7 đến 10-9, trên các sông ở khu vực Hà Nội xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 đến 4m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống ở mức dưới báo động cấp I; sông Đáy ở mức từ báo động cấp I đến báo động cấp II. Đặc biệt, các sông nội địa của Hà Nội như: Bùi, Tích, Cà Lồ... đạt mức lũ từ báo động cấp II đến cấp III.
Với dự báo trên và hiện trạng hệ thống tiêu thoát hiện nay, nhiều tuyến phố có nguy cơ rất cao xảy ra úng ngập với độ sâu từ 0,2 đến 0,5m, có nơi sâu hơn 0,5m; thời gian duy trì úng ngập 30-60 phút, có nơi lâu hơn.
Các tuyến phố có thể úng ngập gồm: Trấn Vũ, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát, Đội Cấn... (quận Ba Đình); ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, Bát Đàn... (quận Hoàn Kiếm); Minh Khai, Thanh Đàm, Mạc Thị Bưởi... (quận Hai Bà Trưng); Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Thái Hà, Tôn Thất Tùng... (quận Đống Đa); Hoa Bằng, Yên Hòa, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Khang... (quận Cầu Giấy); Trích Sài, Âu Cơ, Thụy Khuê... (quận Tây Hồ); đường Phạm Văn Đồng, ga Nhổn, Tân Xuân, Xuân Đỉnh... (quận Bắc Từ Liêm); hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long... (quận Nam Từ Liêm); Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Định Công, Bùi Xương Trạch, Lê Văn Lương, Tố Hữu... (quận Thanh Xuân); Giải Phóng, Tân Mai, Nguyễn Xiển... (quận Hoàng Mai); Lê Trọng Tấn, Vạn Phúc, Yên Nghĩa... (quận Hà Đông); Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, Hoa Lâm, Đàm Quang Trung, Cổ Linh, gầm Cầu Chui... (quận Long Biên)...
Mưa lớn trong nhiều ngày, vùng núi các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai có nguy cơ cao sạt lở đất. Ảnh: Bảo Châu
Đối với khu vực ngoại thành, mực nước sông lên cao có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng thấp, bãi nổi giữa sông, ảnh hưởng đến an toàn đối với tuyến đê vùng ven các sông: Đà, Hồng, Đuống, Đáy, Bùi, Tích, Cà Lồ và vùng trũng, ven sông một số khu vực thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn và các quận: Long Biên, Hà Đông...
Mưa lớn có khả năng gây sạt lở đất ở vùng đồi núi các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai...
Huyện Thạch Thất: Chủ động phương châm “4 tại chỗ”
Trưa 6-9, UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ phòng, chống cơn bão số 3.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thảo Linh
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất, mực nước các hồ chứa đến 7h ngày 6-9 tại hồ Tân Xã +12.08/+12m, Cố Đụng 9,55/9,6m, hồ Lụa +70.6/70m, Đồng Sổ +74.2/+74m. Hiện tại, tất cả các hồ chứa trên địa bàn huyện đều đã đạt và vượt thiết kế. Nếu có mưa lớn, các hồ chứa này không còn khả năng chứa nước phòng lũ, nước mưa vào hồ sẽ tràn tự do và hồ Tân Xã, hồ Cố Đụng, hồ Linh Khiêu tiêu ra sông Tích; hồ Lụa, hồ Đồng Sở tiêu ra hồ Đồng Mô.
Do đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất yêu cầu các đơn vị liên quan, xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng, hậu cần theo phương châm “bốn tại chỗ”. Phòng Quản lý đô thị xây dựng phương án và tổ chức ký cam kết huy động phương tiện để sơ tán dân và chở vật tư ứng cứu sự cố đê, đập, công trình thủy lợi khi có thiên tai xảy ra.
Cùng với đó, thành lập lực lượng xung kích tập trung của huyện (300 người), huy động lực lượng thanh niên tình nguyện (500 người) và lực lượng canh đê, gác cổng, cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp Thủy lợi tăng cường làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện xây dựng phương án và tổ chức ký hợp đồng với đơn vị cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu, sẵn sàng cứu trợ cho nhân dân khi có thiên tai xảy ra…
Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thảo Linh
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức yêu cầu, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3, thông báo hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho nhân dân để chủ động phòng, tránh và giảm thiệt hại... Cùng với đó, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn; chỉ đạo nhân dân dự trữ thức ăn, nước uống và các vật dụng thiết yếu, bảo vệ đồ đạc, tài sản của gia đình, ngắt toàn bộ thiết bị điện, khóa van ga khi có lũ, ngập lụt...
Các địa phương chủ động khơi thông dòng chảy ở các trục kênh tiêu, các rãnh thoát nước, tua vớt rác ở các miệng hố ga để bảo đảm tiêu thoát nước nhanh chóng, kịp thời khi có mưa lớn xảy ra. Sẵn sàng các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi trồng thủy sản, cây trồng, vật nuôi để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão và hoàn lưu bão có thể gây mưa.
Khuyến cáo người dân không bơi lội, đánh bắt cá, vớt củi trên sông, suối khi có mưa lớn, có lũ. Các xã vùng đồi núi: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Thạch Hòa, Thạch Xá, Cần Kiệm, Kim Quan tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực vùng trũng thấp có nguy cơ xảy ra ngập úng, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phương án di dời, sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.
Xí nghiệp Thủy lợi huyện phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các xã Hạ Bằng, Tân Xã thực hiện linh hoạt các giải pháp để bảo vệ an toàn các tuyến đập, các cống điều tiết nước và tràn xả lũ hồ Tân Xã…
Ngày 6-9, huyện Thạch Thất đã có Công điện số 01/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3. Theo đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, thành phố, huyện trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đông Anh: Hoàn thành cắt tỉa cây, kiểm tra hệ thống điện
Sáng 6-9, UBND huyện Đông Anh họp triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bão số 3 (bão Yagi). Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, ngày 5-9, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Công điện yêu cầu các xã, thị trấn, các đơn vị theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3 để thông báo và hướng dẫn nhân dân các biện pháp chủ động ứng phó, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản...
Các xã, thị trấn, đơn vị rà soát các công trình, nhà ở thiếu kiên cố, nhà tạm, lều, quán, các công trình xây dựng để hướng dẫn nhân dân, chủ đầu tư công trình triển khai các biện pháp chằng chống nhà cửa, công trình, bảo đảm an toàn cho người và tài sản, công trình xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Đỗ
Huyện yêu cầu các đơn vị phải chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; tập trung các phương án phòng, chống úng ngập cục bộ; chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ; phương án đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có thiên tai, sự cố xảy ra.
UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp với Hạt quản lý đê số 10, Xí nghiệp Thủy lợi Đông Anh kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, đê điều để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời sự cố phát sinh; tổ chức khơi thông cống rãnh, kênh mương, các điểm ách tắc làm thông thoáng dòng chảy, tránh gây ngập cục bộ khi mưa to.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) các xã, thị trấn thường trực 24/24 tại trụ sở UBND xã, thị trấn; chỉ đạo các trạm bơm tiêu do UBND xã quản lý chủ động tiêu nước đệm, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các trạm bơm. UBND các xã ven đê chỉ đạo lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác đê thường xuyên kiểm tra hệ thống đê, kè và thường trực theo quy định.
Đặc biệt, Tiểu ban Chống úng nội đồng (Xí nghiệp Thủy lợi Đông Anh) chủ động phối hợp với UBND, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các xã, thị trấn, các hợp tác xã kiểm tra hệ thống cống, kênh mương và các trạm bơm để phát hiện kịp thời các hư hỏng, sự cố, có giải pháp khắc phục bảo đảm an toàn cho công trình; chủ động vận hành các trạm bơm tiêu nước đệm và triển khai phương án chống úng đã được duyệt trên địa bàn; lưu tâm những vùng trũng thấp có khả năng ngập úng cao; theo dõi, tổng hợp, báo cáo mọi diễn biến úng ngập, thiệt hại và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện.
Công ty Điện lực Đông Anh, bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện trên địa bàn, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu bảo đảm hoạt động hết công suất; duy trì điện sinh hoạt cho nhân dân, khắc phục sớm các sự cố phát sinh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng, từ ngày 5-9, huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức, đoàn thể, nhân dân trên địa bàn tham gia nạo vét ga, rãnh thoát nước trong các khu dân cư; thay thế các nắp ga bị hỏng; cắt tỉa, hạ độ cao các cây xanh có nguy cơ gãy đổ; chặt hạ cây bị chết khô; có giải pháp chằng, chống các cây bị nghiêng, cây có nguy cơ gãy đổ; chủ động bố trí người, phương tiện, máy móc kịp thời giải tỏa cây gãy đổ đảm bảo an toàn giao thông.
Đối với chiếu sáng, kiểm tra toàn diện hệ thống điện chiếu sáng, chủ động xử lý các sự cố, rò rỉ điện có nguy cơ gây mất an toàn; thay thế các cần đèn, bóng đèn bị gẫy, hỏng, nguy cơ gây mất an toàn trong mưa bão. Với lĩnh vực thoát nước, thay thế các nắp ga hỏng; thực hiện nạo vét ga, rãnh thoát nước; nhặt rác tại các ga thu nước; bố trí, cắt cử người, phương tiện chủ động ứng phó tại các điểm có nguy cơ úng ngập trên địa bàn.
“Thời gian thực hiện các nội dung nêu trên hoàn thành trong ngày 6-9. Theo đó, từ ngày 5-9, UBND huyện đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chủ động phòng, chống bão số 3, các đơn vị chuyên môn ứng trực 24/24”, ông Hoàng Hải Đăng thông tin.
Quốc Oai triển khai biện pháp phòng, chống bão
Ngày 6-9, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn chủ trì hội nghị họp giao ban trực tuyến với các xã, thị trấn triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống bão số 3.
Để hạn chế xuống mức thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân, UBND huyện đã ban hành Công điện số 06 ngày 5-9 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 và 2 văn bản chỉ đạo thực hiện ứng phó, tuyên truyền về cơn bão số 3. Các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ huyện đến cơ sở tăng cường kiểm tra, rà soát, lên phương án chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, nhà xưởng, trang trại; triển khai phương án sơ tán dân ở các nhà yếu, hộ gia đình sống ngoài đê đến nơi an toàn. Công ty thủy lợi triệt để tiêu nước, sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu khi cần thiết; kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu để ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Quốc Oai Nguyễn Đỗ Tùng báo cáo phương án phòng, chống bão số 3. Ảnh: Nguyễn Liên
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các xã, thị trấn, phòng, ban, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, bảo đảm không xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, nhưng đồng thời không hoang mang, sợ hãi; yêu cầu cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc tham gia phòng, chống bão số 3 trên tinh thần không chủ quan, thực hiện bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người và giảm tối đa thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các đồng chí cấp ủy, chỉ đạo các địa phương phòng, chống thiên tai theo phương án đã xây dựng không để bị động, bất ngờ; kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thi công, xây dựng công trình bảo đảm tài sản, an toàn giao thông; chủ động các phương án bảo vệ an toàn cho lúa, hoa màu, đàn vật nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản.
Chủ tịch UBND huyện đề nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống bão một cách chủ động, đồng bộ, toàn diện với phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt, chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...
Thanh Trì sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3
Ngày 6-9, huyện Thanh Trì có công điện số 07/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác ứng phó với cơn bão số 3.
Huyện Thanh Trì triển khai công tác ứng phó bão số 3 (Yagi) trên địa bàn. Ảnh: Phương Xuyến
Để chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời bão số 3 và ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tổng rà soát, kiểm tra kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức ứng trực 24/24h bảo đảm 100% quân số theo quy định.
Rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống cơn bão số 2, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra, nhất là tại các vị trí khu vực trọng điểm, xung yếu, tổ chức triển khai phương án khắc phục các điểm ảnh hưởng trong cơn bão số 2 xong trước 17h ngày 6-9; kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, cháy, nổ, sập đổ công trình, nhà dân xuống cấp để chủ động sơ tán, di dời, có biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân, đặc biệt là các hộ cận nghèo, hộ neo đơn, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, công trình thủy lợi và các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hư hỏng, sự cố, giải tỏa lấn chiếm, cản trở dòng chảy, có phương án ứng phó kịp thời ngay từ giờ đầu.
Lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì và xã Đại Áng khắc phục sự cố sạt lở đê trước đó do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Ảnh: Phương Xuyến
Bên cạnh đó, thông tin diễn biến, tình hình bão tới nhân dân để chủ động phòng tránh, gia cố, chằng chống nhà cửa, gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm, tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, có biện pháp bồi đắp, củng cố, chống tràn bờ các ao nuôi thủy sản; tổ chức vớt sen bèo, khơi thông dòng chảy nội đồng, chống úng ngập, bảo vệ các diện tích sản xuất nông nghiệp...
Các địa phương có kế hoạch dự trữ lương thực, thuốc men, cây/con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, hộ nghèo, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra (nếu có)…
(Tiếp tục cập nhật)
- Thủ tướng Chính phủ đồng ý nghỉ 9 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cháy rừng ở Sóc Sơn ngày càng khó kiểm soát
- Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng - “Sắc hoa trên miền di sản”
- Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine do căng thẳng leo thang
- Trách nhiệm, đồng lòng chống lãng phí
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- Phân bổ 948 tỷ đồng (đợt 3) hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3