Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga khiến đồng đô la Mỹ trở nên "vũ khí hóa"

Thứ hai, ngày 28 tháng 3 năm 2022 | 10:17

Trong khi Nga đang triển khai chiến sự, Hoa Kỳ và các đồng minh đang chống lại một cuộc chiến ủy nhiệm bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt và cung cấp viện trợ cho Ukraine. Không thể phủ nhận tiền tệ là trọng tâm của mọi thành công trong quân sự.

Nga và Ukraine hiện đang tham gia vào một cuộc chiến ‘xé nát’ cơ cấu kinh tế và xã hội của họ. Một sự thật rằng sẽ không ai thắng trừ khi cả hai bên thương lượng về một con đường dẫn đến hòa bình.

cac lenh trung phat ap dat len nga khien dong do la my tro nen vu khi hoa hinh 1

Đồng đô la không chỉ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ mà còn cả người sở hữu, những người tạo ra một hệ sinh thái củng cố tính ưu việt của nó. Ảnh: AFP.

Bài học quan trọng nhất rút ra từ cuộc xung đột hiện tại, theo chiến lược gia địa chính trị George Friedman, là "Hoa Kỳ đã chứng minh rằng có lẽ vũ khí mạnh nhất trên thế giới là đồng đô la được vũ khí hóa".

Đồng đô la Mỹ là ‘vũ khí’ mạnh mẽ nhất

Giữa khủng hoảng leo thang thì Mỹ và NATO đang chống lại một cuộc chiến ủy nhiệm bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và cung cấp vũ khí để giúp Ukraine chiến đấu đến cùng. Với việc đồng đô la Mỹ chiếm khoảng 40% hóa đơn thương mại toàn cầu và 60% nguồn dự trữ chính thức, chắc chắn rằng loại tiền tệ này sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn so với đồng euro, yên hoặc nhân dân tệ.

Do Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã tham gia áp đặt lệnh trừng phạt, Nga sẽ khó tránh khỏi các lệnh này hoặc tránh một cuộc khủng hoảng thanh khoản, không chỉ về ngoại hối mà còn ở trong nước. Friedman nhận xét: “Sự kết hợp giữa việc cấm nhập khẩu năng lượng của Nga vào Mỹ và quản lý đồng đô la như một vũ khí - phối hợp với một liên minh lớn - đặt ra một cuộc khủng hoảng quân sự không lường trước cho Nga".

Tại sao đồng đô la Mỹ lại có những lợi thế như vậy?

Lập luận tiêu chuẩn: đồng tiền này là một đơn vị sử dụng cho tín dụng toàn cầu và lập hóa đơn, một phương tiện thanh toán và một kho lưu trữ giá trị, đồng thời cấp phép cho nhà phát hành các đặc quyền bằng cách cho phép tiền tệ được phát hành theo ý muốn.

Điều này đã đúng trong một thời gian dài. Khi đồng đô la Mỹ giảm giá so với các đồng tiền khác, các quốc gia lớn khác được hưởng lợi từ việc tăng tính thanh khoản, dễ dàng thanh toán và lợi nhuận cao hơn khi nắm giữ trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản của Mỹ.

Tuy nhiên, khi lãi suất của Hoa Kỳ tăng, thanh khoản toàn cầu thắt chặt và các quốc gia ngoài Hoa Kỳ vay vốn bằng đô la Mỹ sẽ phải trả phí nhiều hơn, điều đó làm tăng nguy cơ vỡ nợ và giảm phát bong bóng tài sản.

Cùng nhìn lại những năm 1997-1998, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á được hiểu là sự tăng giá của đô la Mỹ trong trường hợp không có người cho vay bằng đô la Mỹ. Các nền kinh tế châu Á chỉ phục hồi sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất và tăng thanh khoản bằng đồng USD.

Kết quả là, các quốc gia khác trên thế giới càng phải nắm giữ tiền tệ của Mỹ. Các vấn đề trở nên tồi tệ hơn sau "cuộc chiến chống khủng bố" toàn cầu, khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia như Iran.

Các biện pháp trừng phạt ngày càng bành trướng về cả phạm vi và mức độ. Tuy nhiên, một vấn đề đối với các lệnh trừng phạt là, mặc dù gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, một số quốc gia vẫn không tỏ ra vội vàng khi đến bàn đàm phán.

Một số học giả nhận định đồng đô la không chỉ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ mà còn cả những người sử dụng nó, những người tạo ra một hệ sinh thái củng cố tính ưu việt của đồng tiền này. Yakov Feygin và Dominik Leusder của Đại học Harvard đã điều tra tính chính trị giai cấp của hệ thống đô la Mỹ và kết luận rằng hệ thống này được hỗ trợ bởi giới tư nhân và giới chính trị toàn cầu.

Được biết, ở nhiều quốc gia hệ thống đồng đô la cho phép giới tinh hoa tham nhũng chuyển thu nhập bất chính của họ đến các trung tâm ngân hàng toàn cầu nằm trong các khu vực pháp lý có luật sở hữu không rõ ràng.

Những người giàu có ở cả các thị trường phát triển và đang phát triển thường ưu tiên giao dịch và đầu tư bằng đô la Mỹ. Các tập đoàn toàn cầu, quỹ hưu trí và các nhà quản lý tài sản nắm giữ tài sản bằng đô la Mỹ như một kho lưu trữ giá trị và như một nguồn thanh khoản nhanh chóng thông qua hoán đổi.

Có lựa chọn thay thế?

Trong đánh giá gần đây nhất về cuộc xung đột Ukraine, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cảnh báo rằng những nỗ lực phát triển các giải pháp thay thế có thể "có khả năng làm giảm vai trò thống trị của đồng đô la trên thị trường tài chính và thanh toán xuyên biên giới."

Dự đoán, đồng nhân dân tệ (Trung Quốc) mất rất nhiều thời gian với thay thế được vị trí ‘độc vương’ của đồng USD. Tuy nhiên, Trung tâm Đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế gần đây đã công bố kết quả sơ bộ của Dự án Dunbar - một sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương của Úc, Malaysia, Singapore và Nam Phi để điều tra cách một nền tảng chung cho nhiều loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể cho phép rẻ hơn, thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và an toàn hơn.

Dự án này rất khả thi về mặt lý thuyết, nhưng vẫn còn nhiều rào cản về quy định và chính sách. Một vấn đề có thể xảy ra là các vấn đề an ninh quốc gia diễn ra như thế nào trên các nền tảng như vậy.

Như Đế chế La Mã đã công nhận tiền là trọng tâm của mọi thành công quân sự - quốc gia này chiến đấu vì tiền, và cần tiền để chiến đấu.

Nguồn Congluan.vn

https://congluan.vn/cac-lenh-trung-phat-ap-dat-len-nga-khien-dong-do-la-my-tro-nen-vu-khi-hoa-post187431.html