Căn bệnh tưởng đơn giản nhưng nguy hiểm, tạo gánh nặng lớn
Nghiên cứu đánh giá của Bộ Y tế về tài chính cho phòng chống sốt xuất huyết chỉ ra rằng mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, chưa kể gánh nặng kinh tế do phải có người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Căn bệnh tạo ra gánh nặng rất lớn về kinh tế cho người dân.
Nghiên cứu đánh giá của Bộ Y tế về tài chính cho công tác phòng chống sốt xuất huyết cho thấy, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng. Một bệnh nhân nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, càng tạo ra gánh nặng về kinh tế - xã hội rất lớn.
Thông tin được Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tại toạ đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 3/12.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho hay sốt xuất huyết không chỉ đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, từ trẻ em cho người lớn tuổi mà còn ảnh hưởng kinh tế, an sinh xã hội.
Vị bác sĩ cho hay hiện gần như các lứa tuổi đều mắc sốt xuất huyết, có những ca trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã có triệu chứng sốt xuất huyết do người mẹ bị nhiễm bệnh trong lúc mang thai hay đang sinh.
Ở miền Nam, 60-70% bệnh nhân sốt xuất huyết là trẻ dưới 15 tuổi. Ngược lại, ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, bệnh nhân là người lớn lại chiếm số lượng nhiều.
"Đặc biệt, những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, tim bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn… hoặc là người lớn suy thận là đối tượng nguy cơ rất cao", bác sĩ cho biết. Theo ông, gần đây, thanh, thiếu niên, sinh viên trẻ tuổi, lực lượng lao động chính lại cũng là đối tượng nguy cơ của sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát. Ảnh: VGP
Gánh nặng bệnh tật đè lên toàn bộ hệ thống y tế, từ xã đến Trung ương. "Có những năm chống dịch ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, bệnh viện không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm, UBND phải thành lập những khoa điều trị tạm thời, trưng dụng tất cả căng tin của bệnh viện", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Quá tải cơ sở điều trị, chưa kể, lượng ca nặng nhiều còn gây quá tải về hồi sức. Y bác sĩ phải tập trung toàn lực chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân, khiến họ cũng quá tải, không thể đảm bảo chắc chắn chất lượng phục vụ. Khi có ca tử vong vì sốt xuất huyết, người dân rất lo lắng, hoang mang.
Sốt xuất huyết không đơn giản để kiểm soát, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức đánh giá. Trước đây chưa có vũ khí đặc hiệu, chưa có vắc xin, việc kiểm soát phòng, chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu qua vector và điều trị triệu chứng.
Tháng 5 vừa qua, vắc xin phòng sốt xuất huyết đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, bắt đầu tiêm từ cuối tháng 9.
Theo ông Đức, hiện trong chương trình tiêm chủng mở rộng có 11 bệnh được Nhà nước bỏ tiền ra mua vắc xin tiêm miễn phí cho người dân. Năm tới, vắc xin HPV để phòng, chống ung thư cổ tử cung và vắc xin phế cầu sẽ được bổ sung. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 14 bệnh được tiêm chủng miễn phí.
Việc quyết định việc đưa một bệnh vào chương trình tiêm chủng mở rộng cần thực hiện trên cơ sở đánh giá về gánh nặng bệnh tật; hiệu quả của vắc xin với cộng đồng, cũng như loại bệnh thuộc nhóm nào, tỷ lệ lây truyền và tử vong ra sao, đặc biệt là khả năng tài chính của Chính phủ. "Hiện tại, chúng tôi quan tâm 2 bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết", ông Đức nói.
Để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Trong đó, thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải…; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cần phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ màn, dùng các sản phẩm khăn lau xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối. Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi.
- Lo ngại dịch sởi, cúm diễn biến phức tạp
- Phát hiện ung thư từ mụn đầu đen nhỏ xíu
- Trời lạnh, người trẻ cần cảnh giác với đột quỵ
- Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
- Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?