Lo ngại dịch sởi, cúm diễn biến phức tạp
Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, cúm và sởi đang là dịch bệnh đáng lo ngại và quan tâm nhất hiện nay vì có số ca tử vong gia tăng trong năm 2024.
Đây là chia sẻ của lãnh đạo Bộ Y tế tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025, tổ chức ngày 26-12 tại Hà Nội. Do đó, các địa phương phải tăng cường kiểm soát, phát hiện sớm ca bệnh, nhất là trong dịp Tết và mùa lễ hội sắp tới.
Chăm sóc cho bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng).
Số ca mắc sởi tăng hơn 130 lần
Trong năm 2024, số ca mắc sởi tăng “phi mã” so với năm ngoái. Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm cho biết, số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023) và số ca dương tính với sởi là 6.725 ca (tăng hơn 130 lần so với năm 2023). Các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao, như: Đồng Nai (6.360 ca), thành phố Hồ Chí Minh (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)… Đến nay, cả nước đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, trong đó chủ yếu là trẻ em do “bệnh chồng bệnh”, người già có bệnh nền.
Là địa phương đã công bố dịch sởi vào tháng 8-2024, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Nga cho hay, tính tới ngày 22-12, thành phố đã tiêm vắc xin sởi cho hơn 50.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi; hơn 122.000 trẻ từ 6 đến 10 tuổi và hơn 10.200 trẻ ở độ tuổi 6-9 tháng. Việc thành phố thực hiện công bố dịch là cơ sở pháp lý để phòng, chống dịch sởi hiệu quả hơn. Cụ thể là chỉ 3 ngày sau khi công bố dịch, thành phố đã có vắc xin để triển khai tiêm chủng nhờ sử dụng nguồn ngân sách địa phương.
Cũng trong đợt dịch này, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. “Sau khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi, dù tỷ lệ đạt trên 98% nhưng thành phố vẫn ghi nhận ca bệnh. Chúng tôi đã khảo sát ngẫu nhiên với 616 trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại 10 quận, huyện vào đầu tháng 10-2024.
Kết quả, chỉ có 69 trẻ có địa chỉ khai báo đúng với thông tin trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, 15% trẻ có địa chỉ khai báo ở tỉnh khác, 2% trẻ không tìm thấy thông tin. Gần 20% trẻ sống tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng địa chỉ khai báo trên hệ thống lại ở địa phương khác nên các trạm y tế xã, phường không biết để theo dõi, dẫn đến dễ bỏ sót đối tượng, tạo ra lỗ hổng lớn trong tiêm chủng”, bà Lê Hồng Nga chia sẻ.
Cũng đề cập đến nguyên nhân khiến dịch sởi gia tăng tại một số địa phương thời gian qua, ông Nguyễn Lương Tâm chỉ ra, miễn dịch cộng đồng không đạt yêu cầu do công tác tiêm chủng bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như: Ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế diễn ra cục bộ; kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch hằng năm hạn chế, chậm...
Cùng với sởi, năm 2024, nước ta cũng ghi nhận 287.548 trường hợp mắc cúm mùa, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 18,6% nhưng tử vong lại tăng 5 ca. Theo thống kê, các trường hợp tử vong do cúm chủ yếu ở người già, có bệnh nền như: Đái tháo đường, tăng huyết áp…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đánh giá, cúm là vấn đề “đáng ngại” đối với lĩnh vực y tế dự phòng. Các ca cúm mùa tử vong thời gian qua cơ bản đều có bệnh nền, phát hiện muộn. Đối với người mắc bệnh nền, khi nhiễm cúm mùa, nguy cơ tử vong tăng cao. Bên cạnh đó, cũng nên cảnh giác với chủng cúm mới.
Nhiều dịch bệnh vẫn là thách thức lớn
Về tình hình dịch bệnh trong năm 2025, ông Nguyễn Lương Tâm nhận định, các dịch bệnh như: Sởi, cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng… vẫn sẽ là thách thức lớn, đòi hỏi phải có phương án dự phòng và đáp ứng chống dịch nhanh, quyết liệt. Ngoài ra, để kiểm soát bệnh, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, các bệnh viện phải tiến hành cách ly, phân luồng sàng lọc bệnh hô hấp khi nhập viện, kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức tiêm bù, tiêm vét, rà soát đối tượng tiêm chủng, nhất là tiêm vắc xin sởi cho trẻ em.
“Chúng ta cần rà soát bảo đảm kinh phí, thuốc, vắc xin, vật tư, thiết bị, nhân lực; bảo đảm dự trữ quốc gia và dự trữ địa phương cho công tác phòng, chống dịch theo quy định. Mặt khác, kiện toàn lực lượng phòng, chống dịch; bảo đảm đủ nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, chủ động tăng cường truyền thông phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, trước mắt tập trung với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh thường xảy ra trong dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm”, ông Nguyễn Lương Tâm khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị, Sở Y tế các địa phương cần tham mưu cho chính quyền các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế cũng lưu ý, các địa phương cần theo dõi sự gia tăng các bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút và các bệnh xảy ra trong dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm.
Mặt khác, Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong dịp Tết năm 2025 và sẵn sàng các phương án trong tình huống dịch bệnh gia tăng; tổ chức đáp ứng kịp thời và hiệu quả để kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh trở nặng và tử vong.
- Phát hiện ung thư từ mụn đầu đen nhỏ xíu
- Trời lạnh, người trẻ cần cảnh giác với đột quỵ
- Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
- Hà Nội: Có thêm 50 ca mắc sởi/tuần, nhiều trẻ phải thở máy
- Nhiều bệnh nhân ung thư sống thêm 10-20 năm
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Lao động nữ được khám sàng lọc ung thư vú, cổ tử cung như thế nào?
- Phát hiện ung thư giai đoạn cuối từ dấu hiệu ăn không ngon miệng