0:00/0:00
0:00
Diễu hành tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên một số trục đường chính của thành phố Kon Tum. (Ảnh THÙY HƯƠNG)
Diễu hành tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên một số trục đường chính của thành phố Kon Tum. (Ảnh THÙY HƯƠNG)

Tiến sĩ Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, nhất là giới trẻ. Nó được thể hiện ở ba tiêu chí đều ở mức cao: mức tiêu thụ bình quân đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất; tỷ lệ sử dụng rượu, bia; tỷ lệ sử dụng ở mức nguy hại. Trong giai đoạn 2015-2019, sản lượng bia ở nước ta tăng trung bình 7,5%/năm; sản lượng rượu tăng 1,5%/năm, đó là chưa kể đến số lượng rất lớn rượu thủ công, tự nấu không được thống kê.

Mức tiêu thụ rượu, bia ở người từ 15 tuổi trở lên ở nước ta tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2005, mức tiêu thụ là 2,9 lít cồn nguyên chất/người/năm, thì đến năm 2018 và 2019, con số này đã tăng lên 7,9 lít. Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ ba châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu, bia/người. Tình trạng uống đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: năm 2015: 44,2% số nam giới, tăng gần gấp hai lần so với năm 2010 (25,1%).

Theo điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 cho thấy tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu, bia rất cao, khi có tới 64% số nam giới và 10% số nữ giới có uống rượu, bia trong 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, cứ ba nam giới thì có một người uống ở mức nguy hại.

Rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ hai trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam; nó là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Theo thống kê mới nhất, mỗi năm có khoảng hơn 548 nghìn trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng…, trong đó ước lượng có khoảng 40.800 ca tử vong liên quan đến rượu, bia (chiếm tỷ lệ 7,5%). Bên cạnh đó, rượu, bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình; là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế-xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Mặc dù đã giảm trong giai đoạn 2010-2020, nhưng tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành vẫn ở mức 42,3% (năm 2020). Đối với nhóm tuổi thanh, thiếu niên thì giảm tỷ lệ hút thuốc lá truyền thống, nhưng có sự gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử…). Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 tại Hà Nội là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh, chủ yếu thuộc bốn nhóm chính gồm ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh về đường sinh sản. Tổ chức Y tế thế giới ước tính tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70 nghìn người, nếu các biện pháp can thiệp hiệu quả bao gồm tăng thuế thuốc lá không được thực hiện một cách hiệu quả. Bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi khoảng 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam.

 

Các tổ chức quốc tế cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của thuốc lá, rượu, bia, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong. Các nước cần tăng thuế để ít nhất giữ cho sức mua không tăng và cần tăng thuế mạnh để giảm sức mua, từ đó giảm đến mức thấp nhất những hậu quả đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội. Thế nhưng hiện nay thuế rượu, bia và thuốc lá tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với khu vực và thế giới.

Theo tính toán, tỷ trọng thuế rượu, bia trên giá bán lẻ tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi đó, ở nhiều nước thuế chiếm khoảng từ 40% đến 85% giá bán lẻ. Khi giá của rượu, bia tăng lên, lượng tiêu thụ và tác hại cũng sẽ giảm. Ngay cả những người uống nhiều hoặc lệ thuộc vào rượu, bia cũng sẽ giảm lượng uống khi giá tăng lên. Những lợi ích đem lại là: làm giảm tiêu dùng, giảm tử vong, bệnh tật liên quan đến rượu, bia giảm chi phí y tế, cải thiện hiệu quả làm việc, giảm hậu quả về mặt xã hội của lạm dụng rượu, bia và tăng thu ngân sách cho Chính phủ. Đây là chính sách hai bên (Nhà nước và người dân) cùng hưởng lợi.

Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển. Ở người nghèo và giới trẻ sẽ giảm tiêu dùng nhiều hơn, khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc. Trên cơ sở đó, các chuyên gia khuyến nghị cần có những cải cách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam, nhất là tăng thuế đủ mạnh để giảm sức mua thuốc lá.

Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo, để giảm mức tiêu dùng thuốc lá, mức thuế phải chiếm từ hai phần ba đến bốn phần năm giá bán lẻ đi kèm với việc áp dụng các giải pháp toàn diện trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vì vậy, nên tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng thu nhập và lạm phát. Đồng thời thiết lập một cơ chế tự động điều chỉnh các loại thuế để bảo đảm tăng giá do tăng thuế theo kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập.

Năm 2020, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá ước tính cả nước chi 24 nghìn tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 1% GDP) để điều trị năm nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam thấp hơn phần lớn các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương. Mức thuế thuốc lá hiện nay của Việt Nam còn rất thấp (khoảng 38,8% giá bán lẻ), do đó có thể tăng mạnh thuế thuốc lá để vừa tăng số thu thuế, vừa giảm tiêu dùng thuốc lá. Thuế thuốc lá ở Việt Nam nên tiếp tục tăng sao cho thuế chiếm 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ (theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).