Cân nhắc thêm về khái niệm người tiêu dùng

Thứ năm, ngày 16 tháng 2 năm 2023 | 8:37

Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) hiện còn hai vấn đề có ý kiến khác nhau, trong đó có khái niệm về người tiêu dùng.

Ngày 15-2, tiếp tục phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến một số vấn đề lớn của dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD, sửa đổi).

Cân nhắc thêm về khái niệm người tiêu dùng ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho hay dự án luật này hiện chỉ còn hai vấn đề có ý kiến khác nhau. Cụ thể là khái niệm NTD và việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD.

Liên quan đến khái niệm NTD, Chính phủ đề xuất loại “tổ chức” khỏi khái niệm NTD như luật hiện hành, chỉ để “cá nhân”. Lý do bởi trong suốt 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, số lượng các tổ chức khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.

Ngoài ra, NTD là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với NTD là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua bán và giải quyết tranh chấp. Cùng với đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng NTD là cá nhân.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Huy, cũng có ý kiến đề nghị quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ NTD bao gồm cả tổ chức và cơ quan thẩm tra dự án luật đang nghiêng về phương án này.

Hoàn thiện các dự thảo nghị quyết để sớm ban hành

Chiều cùng ngày, phiên họp thứ 20 của UBTVQH đã bế mạc sau ba ngày làm việc. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận phiên họp đã bám sát hoàn thành nội dung theo kế hoạch đề ra, trong đó có những nội dung vượt ngoài mong đợi, tạo tiền đề tích cực cho các công việc tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổng thư ký và các cơ quan hữu quan hết sức khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, đặc biệt là hoàn thiện các dự thảo nghị quyết để trình ký ban hành sớm.

Lưu ý trong thời gian tới còn nhiều nhiệm vụ như chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV, Hội nghị công tác HĐND toàn quốc, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách… Chủ tịch Quốc hội mong muốn UBTVQH bám sát các chương trình, kế hoạch và kết quả giao ban đầu năm khẩn trương tổ chức triển khai các công việc.

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật tại Việt Nam để có quy định phù hợp. Theo ông, luật hiện hành bảo vệ cả cá nhân, tổ chức mà quyền lợi NTD còn bị xâm phạm. “Bây giờ bỏ tổ chức, mà tổ chức lại là NTD khá phổ biến tại Việt Nam thì có nên không?” - ông Huệ đặt vấn đề và cho hay ông nghiêng về phương án giữ như quy định hiện hành.

Dù vậy, ông Vương Đình Huệ cho rằng phương án này khác với đề xuất Chính phủ trình do đó cần phải có ý kiến của Chính phủ.

Tương tự, quy định về việc giải quyết tranh chấp tòa án cũng đang còn ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD trong dự thảo luật, đồng thời cần sửa đổi, bổ sung BLTTDS để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại BLTTDS hiện hành. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi NTD.

Toà án Nhân dân tối cao cũng có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD vì đây là luật nội dung, không thể quy định về thủ tục tố tụng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình lựa chọn phương án áp dụng thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, ông đề nghị tiếp thu các ý kiến để đảm bảo thống nhất với quy định của BLTTDS và có thể giao cho Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Đảng đoàn Quốc hội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới của Hội nghị lần thứ sáu Trung ương Đảng khóa XIII.

Kế hoạch nêu năm nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc tham mưu cho Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu các cơ quan, cá nhân có liên quan tiếp tục rà soát các nội dung, yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật trong Nghị quyết 27. Thời gian thực hiện trong tháng 2-2023.

Nếu thấy chưa đầy đủ thì tiếp tục cập nhật, tích hợp vào tờ trình và dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu, giúp Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục tham gia ý kiến trong quá trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành quy định về nội dung này.

Ngoài ra, Đảng đoàn Quốc hội cũng có kế hoạch thực hiện bốn nhiệm vụ khác, Cụ thể, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, thực hiện tốt chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Chỉ đạo, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả lĩnh vực, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, sự đồng bộ giữa văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng mở rộng và phát huy tốt hơn các hình thức dân chủ trực tiếp của nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề án đổi mới hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội.

Nguồn: https://plo.vn/