Cầu Trần Hưng Đạo: Ta có quyền đòi hỏi...
Những cây cầu thường có số phận đặc biệt, phản ánh bối cảnh lịch sử sinh ra nó. Là thước đo của sự phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần thời đại. Hơn hết, nó là niềm hi vọng kết nối tương lai.
Cầu Trần Hưng Đạo có vị thế đặc biệt, kết nối vùng lõi trung tâm Hà Nội là quận Hoàn Kiếm với phần mở rộng thành phố qua phía Đông Bắc sông Hồng ở quận Long Biên.
Với chức năng giao thông, công trình phải đáp ứng kỳ vọng tạo ra kết nối tốt cho hai bờ sông Hồng, giảm tải giao thông cho cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương. Từ vị thế đặc biệt thì yếu tố thẩm mỹ, yếu tố ứng xử với không gian cảnh quan xung quanh phải được đặc biệt coi trọng. Công trình phải trở thành "hồn nơi chốn" - cảm xúc về một nơi chốn khi người ta có trải nghiệm về nơi chốn đó...
Các phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo đang được lấy ý kiến cộng đồng (Ảnh: Mạnh Quân).
Ở yếu tố thẩm mỹ, nó được kỳ vọng trở thành một biểu tượng mới của Hà Nội. Để xứng đáng với vị trí trung tâm văn hóa, lịch sử của Hà Nội cũng như cả nước. Ở khía cạnh ảnh hưởng đến không gian cảnh quan, nó cần ứng xử hài hòa với các giá trị lịch sử trăm năm của tuyến phố Trần Hưng Đạo, của Hà nội ngàn năm văn hiến, lại phải năng động, cởi mở với khu vực kinh tế phía Bắc sông Hồng.
Trong vòng thi trước, có 3 phương án được chấm cao nhất. Trong đó, phương án "Xứ Đông Dương" đạt 13/15 bình chọn để giành giải Nhất.
Phương án thiết kế "Xứ Đông Dương" đang được trưng bày lấy ý kiến (Ảnh: Mạnh Quân).
Phương án này mắc "bẫy" ứng xử khi quá đề cao giá trị kiến trúc Đông Dương do người Pháp để lại ở Hà Nội. Thiết kế này là trung bình cộng của nhiều bên, của nhiều kiến trúc đã lỗi thời hàng thế kỷ. Có thể nói mặc dù được giải cao nhất vì quan tâm đến ứng xử, nhưng thẩm mỹ đi giật lùi hàng thế kỷ.
Hai phương án còn lại bị mắc "bẫy" lịch sử, khi quá đề cao vai trò cá nhân của Trần Hưng Đạo với tinh thần chủ soái hay tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh của tướng sĩ tùy tùng.
Nhận ra vấn đề hạn hẹp trong cách tiếp cận, các nhà quản lý cũng như công luận đòi hỏi trong lần thi này cách tiếp cận văn minh hơn. Nếu chúng ta không biết nhìn vào đâu trong hiện tại và quá khứ, thì hãy nhìn về tương lai. Chúng ta tìm kiếm sự mới mẻ tiến bộ, sáng tạo, đặc sắc, tính bền vững với môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa xã hội trong sự chọn lựa tinh hoa đích thực.
Ở cả ba phương án mới đưa ra triển lãm từ 1/3/2022 đã giải quyết vấn đề vị trí kết nối khác nhau. Trong đó, phương án giải Nhất hợp lý nhất. Kết nối với quận Hoàn Kiếm gồm một làn đường nối với đường Trần Hưng Đạo để hạn chế mật độ giao thông cao ở trục trung tâm. Các tuyến đường hai làn xe được nối với đê Trần Quang Khải. Đường bộ, đường xe đạp kết nối với công viên cây xanh phía ngoài đê. Phía quận Long Biên, việc kết nối chủ yếu mang tính giải quyết chức năng giao thông, chú trọng thêm kết nối với không gian cây xanh cảnh quan ở chân cầu. Đây là cách tiếp cận có tính nhân văn, bền vững, tính tiện nghi cao. Phương án giải Nhì thì ưu tiên kết nối mạnh với đường Trần Hưng Đạo, điều này tạo nên nguy cơ ùn ứ trầm trọng hơn cho Thủ đô.
Phương án kiến trúc được chấm giải Nhất (Ảnh: Đình Trường).
Phối cảnh hình ảnh thiết kế cầu đoạt giải, ban ngày và ban đêm (Ảnh: Mạnh Quân).
Về ý tưởng thiết kế, phương án giải Ba là cầu dây văng, với tạo hình các trụ dây văng được gợi ý từ hoa văn "thủy ba", nhấn mạnh yếu tố nước, một đặc trưng của Hà Nội. Nước cũng là biểu trưng cho sự sống, là sự bắt đầu, cũng như vận hành miên viễn. Kết hợp với các hoa văn truyền thống nối tiếp nhau ở các trụ cầu thể hiện sự tiếp nối có chọn lọc. Từ ý đến hình khá thống nhất.
Phương án giải Nhất là cầu dạng vòm thép với cặp vòm gợi ý từ biểu tượng vô cực, thể hiện sự bất tận, trường cửu. Ở đây mới thấy "hình" vô cực, nhưng chưa cảm nhận được "ý" vô cực, là sự lặp lại những đường cong của chính nó và giống hầu hết những cây cầu dạng vòm nhiều nhịp.
Phương án giải Nhì cũng là một cầu vòm thép, được gợi ý từ sóng nước, dáng núi, dáng rồng bay, sự uyển chuyển của giải lụa, hào khí Đông A… Về mặt này, phương án giải Nhì nhỉnh hơn hai phương án trên ở tính biểu tượng, bởi sự đa nghĩa, không trói buộc (Hình 5).
Chúng ta có thể tự do suy tưởng về một điều gì đó đặc biệt khi ngắm cây cầu, thay vì bị đóng chết trong một hình ảnh trần trụi, khô cứng (cầu Rồng Đà Nẵng).
Rõ ràng phương án giải Nhì có khả năng biểu đạt cao hơn hai phương án còn lại.
Nó tìm kiếm cái đẹp trong sự uyển chuyển, ngẫu hứng, nhưng không buông tuồng vô lối. Là cách tiếp cận khá mới mẻ đối với Hà Nội vốn rất mệt mỏi với cứng nhắc áp đặt, hoặc rơi vào cẩu thả lộn xộn.
Cả ba phương án đều có hình thái - cấu trúc không quá mới mẻ với thế giới. Mặc dù kiến trúc cầu dây văng, vòm kết hợp dây văng được áp dụng thời gian gần đây ở Việt Nam, nhưng nó là sản phẩm phản ánh hướng tiến bộ khoa học và cách tiếp cận giải pháp kết cấu của thế kỷ 20. Ngoài phần mặt cầu tuyến tính, các phần trụ, vòm khai thác các dạng đường cong là đặc trưng trong tự nhiên để diễn tả các ý tưởng ở trên về sự chuyển động, phát triển không ngừng của cuộc sống hay tinh thần vươn cao của con người.
Phương án giải Nhì có hình thái đẹp khi nhìn theo phương ngang, nhìn xiên, do bởi tính nhịp điệu ngẫu hứng. Tuy nhiên, khi view trên cầu thì vẻ đẹp này biến mất. Hai tuyến vòm cong phát triển lên cao và cách xa nhau nên tạo cảm giác rời rạc.
Phương án giải Ba có hình thái gần với cầu Nhật Tân, nhưng còn không cô đọng bằng. View trên cầu cũng ít thẩm mỹ do các khối trụ phát triển tách rời nhau ra xa.
Phương án giải Nhất khắc phục được điểm yếu của phương án giải Nhì. Khi ở trên cầu cũng như các view nhìn từ ngoài vào, các đường cong uyển chuyển mềm giao thoa với nhau với mật độ vừa phải, hài hòa giữa tuyến thẳng của mặt cầu với vòm cong, tạo nên cảm giác đóng - mở liên tục khá thú vị.
Phối cảnh cầu Trần Hưng Đạo dây văng bắc qua sông Hồng (Ảnh: Mạnh Quân).
Về cấu tạo - chi tiết, phương án giải Ba có quan tâm đến trải nghiệm thẩm mỹ về văn hóa, lịch sử khi đưa các hoa văn họa tiết có chọn lọc lên trên các trụ cầu để người đi bộ được trải nghiệm dọc tuyến.
Về công nghệ, cả ba phương án chưa nhìn thấy cái Nhất nào khi so sánh với thế giới và khu vực, cũng như chưa thấy điểm phát triển sáng tạo có tính bước ngoặt. Hiện nay, ta đang ở nửa đầu thế kỷ 21, đang ở thời đại công nghệ 4.0, là cơ hội để ta có cách tiếp cận mới hơn, vượt lên trên những gì đã có trước đây. Ta có quyền đòi hỏi sự đặc biệt mới mẻ, một cấu trúc độc đáo, duy nhất, tinh thần sáng tạo, sao cho tương ứng với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng đầu tư. Riêng về hơi thở thời đại 4.0, có vẻ như các phương án thiết kế đã bỏ quên một chìa khóa quan trọng để tìm kiếm cái mới.
Ta nên biết, cầu Long Biên ở gần đó đã ghi dấu ấn lịch sử sâu đậm, bởi ngay từ khi sinh ra, nó là đỉnh cao thời đại công nghiệp của Pháp và thế giới. Về quy mô, là cây cầu lớn nhất Đông Dương, cây cầu dài thứ 2 thế giới thời điểm đó.
Về vật liệu, vật liệu sử dụng là thép, bê tông cốt thép, dây văng cáp, là những vật liệu thông dụng nhất hiện nay. Chưa thấy các phương án đặt vấn đề về vật liệu xanh, tái chế, hay vật liệu mới có những đặc điểm tiết kiệm năng lượng, kinh phí, thời gian…
Một vấn đề nữa là thiết kế ánh sáng. Hệ thống ánh sáng led màu năng động được vận dụng trong các phương án thiết kế. Về ban đêm, cây cầu hiện ra lung linh kỳ ảo, đem lại sự phấn khích cho người thưởng ngoạn.
Việt Nam đang trên đà hội nhập, phát triển, có nhiều công trình xây dựng đang được triển khai. Chúng ta cần thấu hiểu sức mạnh tri thức và thái độ nhân văn trong cách tiếp cận mọi vấn đề, để từ đó cho ra đời những công trình giàu bản sắc, tiện nghi, tiết kiệm, mang tầm vóc quốc tế. Với cầu Trần Hưng Đạo, đây là một cơ hội tốt để hiện thực khát vọng lớn lao ấy.
Cá nhân tôi vẫn hi vọng cuộc thi chưa dừng lại. Các phương án vẫn còn những nhược điểm cần khắc phục. Hoặc ta sẽ tìm kiếm thêm một vài ý tưởng tốt từ cuộc thi tiếp theo, nơi trao cơ hội cho những suy nghĩ thực sự độc đáo, khác biệt, nhảy vọt hơn.
Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/cau-tran-hung-dao-ta-co-quyen-doi-hoi-20220302221342728.htm
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí