Chất lượng quản trị là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp niêm yết

Thứ hai, ngày 18 tháng 11 năm 2024 | 10:40

Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á, áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty, hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu của chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030.

Chất lượng quản trị doanh nghiệp ngày càng cải thiện

Báo cáo tình hình doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tại Hội nghị doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thường niên năm 2024 và lễ trao giải Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết (VLCA) lần thứ 17 năm 2024 vừa diễn ra tại Đà Lạt, bà Trần Anh Đào - Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, hết 10 tháng đầu năm 2024, quy mô vốn hoá thị trường vẫn giữ được trên 5,1 triệu tỷ đồng, có sự tăng trưởng nhất định so với năm 2023 (hơn 4,55 triệu tỷ đồng).

Giá trị giao dịch bình quân trong 10 tháng tại HOSE là trên 19.500 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng tích cực so với con số hơn 15.000 tỷ đồng năm 2023.

Chất lượng quản trị là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp niêm yết
Bà Trần Anh Đào - Phó tổng giám đốc HOSE trình bày tại hội nghị.
Trong 10 tháng năm 2024, các DNNY niêm yết trên HOSE đã huy động trên 40.000 tỷ đồng, tương đương cả năm 2023, trong đó nhóm ngành huy động được nhiều nhất vẫn là tài chính và bất động sản.

Quy mô thị trường niêm yết trên HOSE, phân loại theo vốn điều lệ có 44% doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, 20,3% có vốn điều lệ 500 - 1.000 tỷ đồng và 35,3% có vốn điều lệ dưới 500 tỷ đồng. Phân loại theo cơ cấu vốn hoá nhóm ngành thì lớn nhất là nhóm tài chính 44% và bất động sản 13%.

Về kết quả hoạt động kinh doanh trong 9 tháng năm 2024 có phần khả quan hơn với ROE bình quân có thể đạt quanh 12%. Trong năm 2024, cơ quan quản lý và HOSE tập trung nâng cao chất lượng DNNY, tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động công bố thông tin.

Kết quả cho thấy, công bố thông tin định kỳ được doanh nghiệp tuân thủ. Kết quả khả quan là tình hình vi phạm công bố thông tin trên HOSE đã giảm dần, với 91 công ty vi phạm (đến 31/10/2024) so với con số 114 của cả năm ngoái.

Đáng chú ý, từ tháng 8 vừa qua triển khai công bố thông tin một đầu mối - là bước tiến quan trọng giúp DNNY tiết kiệm nguồn lực, đảm bảo thuận tiện cho việc công bố thông tin kịp thời, đầy đủ ra thị trường.

Bà Đào lưu ý, theo Thông tư 68/2024/TT-BTC, DNNY sẽ phải công bố thông tin bằng tiếng Anh. Doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này. Đây là tiêu chí quan trọng để xem xét nâng hạng trên thị trường mới nổi.

Bà Đào tin tưởng, với sự ủng hộ của cơ quan quản lý, sự gắn kết, chung sức, đồng lòng của các thành viên thị trường, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững và hiệu quả như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Cũng theo bà Trần Anh Đào, Việt Nam hiện đang trên lộ trình cải thiện chất lượng quản trị công ty với mong muốn trở thành một trong 5 quốc gia có hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt nhất khu vực ASEAN. Điều này không chỉ là mục tiêu, chiến lược quan trọng, mà còn là nền tảng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo dựng hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng tài chính quốc tế.

Chất lượng quản trị là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp niêm yết
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải trao giải cho Top 10 doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất.

“Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam cải thiện thứ hạng trong khu vực ASEAN là việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế. Qua hạng mục quản trị công ty (QTCT), VLCA tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc quản trị của OECD và các thông lệ tốt nhất từ những thị trường phát triển. Những tiêu chuẩn này giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi của cổ đông, tăng cường tính minh bạch trong công tác điều hành, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài” - bà Đào nói.

Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm tới quản trị công ty tốt và ESG

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chúc mừng các doanh nghiệp (DN) được vinh danh, việc vinh danh thể hiện sự nghiêm túc, quyết tâm và cố gắng của các DN, đồng thời lan truyền thông điệp quyết tâm hoạt động của DN ngày càng minh bạch hướng tới mục tiêu xa hơn, có trách nhiệm hơn với xã hội.

Phó Chủ tịch UBCKNN đánh giá cao sự đoàn kết cố gắng của HOSE, trong năm nay dù trải qua nhiều khó khăn tuy nhiên ban lãnh đạo HOSE cố gắng quyết tâm hoàn thành tất cả các nhiệm vụ. Trong năm nay, nền kinh tế có rất nhiều dấu hiệu phục hồi, các DNNY đã nắm bắt được cơ hội hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn, các vi phạm đã giảm nhiều.

Chất lượng quản trị là nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp niêm yết
Ông Bùi Hoàng Hải phát biểu tại hội nghị

“TTCK trải qua 24 năm phát triển, từ thị trường rất nhỏ, tuy nhiên sau 24 năm phát triển quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu hơn 60% GDP, tính cả trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp là gần 100% GDP. Thanh khoản TTCK Việt Nam so với khu vực ASEAN và một trong những thị trường có vốn hóa cao, độ năng động lớn nhất. Tuy vậy, thị trường phải phát triển theo hướng đi sâu thay vì phát triển theo chiều rộng. Điều này cũng được thể hiện ở sự quan tâm của Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, trong đó đặt ra rất nhiều trọng tâm liên quan đến thị trường, hướng thị trường đi vào hoạt động hiệu quả, thực chất hơn” - ông Hải nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thêm, năm 2024 UBCKNN đã phối với hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (VSDC) và tất cả các thành viên thị trường tập trung vào các giải pháp cải thiện chất lượng thị trường, trong đó có việc ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC (Thông tư 68) yêu cầu các DN có lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), Chính phủ đã tiến hành sửa quy đổi quy trình, quy chế, vản bản như Thông tư 68… “Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi NĐTNN vào thị trường thì chúng ta cần có hàng hóa. Vấn đề đầu tiên đặt ra là tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, tỷ lệ sở hữu tại nhiều doanh nghiệp đối với NĐTNN là bằng 0, do đó NĐTNN không thể tham gia” - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, các NĐTNN, đặc biệt các quỹ khi đầu tư họ quan tâm đến nhiều đến quản trị công ty tốt, ESG, trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội. Do đó, để tăng độ mở của TTCK Việt Nam, ngoài sự cố gắng của cơ quan quản lý, rất cần sự cố gắng, quyết tâm của các DN trong việc chuyển đổi theo hướng ngày càng minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBCKNN mong muốn, các đơn vị sẽ cùng đồng hành tăng cường phổ biến kiến thức, giúp DN hiểu rõ thành tố của ESG, quản trị công ty từ đó giúp giảm chi phí khi thực hành ESG và quản trị công ty tốt./.

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards). Năm 2024 là năm thứ 17 Cuộc bình chọn đồng hành cùng TTCK Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết. Năm 2024, hội đồng bình chọn đã lựa chọn được 44 doanh nghiệp xuất sắc ở 3 hạng mục là báo cáo thường niên, quản trị công ty và báo cáo phát triển bền vững để vinh danh.