Nguồn: Công ty chứng khoán Agribank Đồ họa: Văn Chung |
Chứng khoán Việt Nam thường tăng sau bầu cử Mỹ
Bầu cử tổng thống Mỹ là một sự kiện quan trọng diễn ra 4 năm một lần, để chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo giới phân tích, kết quả cuộc bầu cử có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách và tác động sâu rộng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ.
Giữ ổn định tỷ giá đảm bảo mục tiêu phát triển Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), khả năng tỷ giá trở lại xu hướng giảm sau bầu cử do chính sách hạ lãi suất của Fed trong bối cảnh lạm phát đang dần trở về mức mục tiêu. Trong dài hạn, nhờ kỳ vọng vào các nguồn vốn USD từ đầu tư và thương mại quốc tế cùng với các biện pháp kiểm soát của Chính phủ, tỷ giá được dự báo nằm trong biên độ hợp lý, đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy kinh tế của Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực thi hiệu quả. |
Những chính sách mới liên quan đến thuế, chi tiêu công, quy định kinh doanh và thương mại,… có thể tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động, lạm phát, diễn biến thị trường tài chính thế giới.
Theo thống kê từ Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco), chỉ số S&P 500 của Phố Wall bình quân tăng 11,28% trong năm bầu cử tổng thống; tăng 7,6% khi đại diện Đảng Dân chủ đắc cử và tăng 15,3% nếu là đại diện Đảng Cộng hòa.
Trong điều kiện tổng thống nhiệm kỳ trước tới từ Đảng dân chủ, hiệu suất trong năm bầu cử bình quân là 11% khi đại diện Đảng Dân chủ tiếp tục được bầu, trong khi mức tăng sẽ là 12,9% nếu Tổng thống tiếp theo tới từ Đảng Cộng hòa.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, Agriseco thống kê rằng, nửa năm sau ngày bầu cử, VN-Index tăng điểm 5/6 đợt. Bình quân hiệu suất của VN-Index sau 6 tháng cho cả 6 kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ tính từ năm 2000 đến nay là tăng 28,62%. Nếu bỏ qua năm 2000 khi thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khai, thị trường tăng bình quân khoảng 11,92%.
Cùng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cũng dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể biến động tích cực, cùng chiều với Phố Wall.
Theo nhóm phân tích từ MASVN, sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ nói chung có thể không tạo ra nhiều tác động. Tuy nhiên, chứng khoán trong nước thường được cho là tương quan cùng chiều với chứng khoán Mỹ. Độ tương quan giữa S&P 500 và VN-Index trong tháng gần nhất là 27% và trong quý gần nhất là 76% nên diễn biến chứng khoán Mỹ dự báo tác động đáng kể đến chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.
“Chúng tôi nhận thấy VN-Index thường có phản ứng tích cực sau sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ trong ngắn hạn, ngoại trừ năm 2008 do khủng hoảng kinh tế” - nhóm phân tích từ Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận xét.
Theo PHS, nếu cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử, VN-Index có thể biến động mạnh hơn (như giai đoạn 2016 - 2020) vì các chính sách mang tính bất ngờ của ông. Tuy nhiên, trong dài hạn, nhóm phân tích vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hưởng lợi
Trong chiến dịch tranh cử, quan điểm của ứng viên Đảng Dân chủ Kamala Harris là thúc đẩy kinh tế thông qua các thay đổi nhỏ, như tăng ưu đãi thuế với những người đang nuôi con, tăng lương tối thiểu, xây thêm nhà ở giá phải chăng và thúc đẩy cho vay doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, các đề xuất chính sách của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump được đánh giá mạnh tay hơn, mang tính bảo hộ cao hơn. Đó là trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, áp thuế nhập khẩu ở mức cao và giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân trong nước.
Theo nhóm phân tích từ Chứng khoán Phú Hưng, dù Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, nền kinh tế Việt Nam đều có thể đón nhận những tác động tích cực nhất định.
Nếu ứng viên Đảng Cộng hòa đắc cử, theo PHS, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể sẽ diễn ra nhanh hơn khi Mỹ áp đặt thuế cao lên các mặt hàng Trung Quốc và tập trung vào mục tiêu giảm phụ thuộc vào quốc gia này. Agriseco cũng nhận định, chính sách áp thuế nhắm đến hàng hóa Trung Quốc có thể khiến làn sóng FDI rời khỏi nước này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng.
Ngược lại, Việt Nam có thể gặp các rủi ro mà hiện tại vẫn đang phải đối mặt, đó là các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước và các thỏa thuận thương mại khắt khe của Mỹ.
Trong báo cáo mới đây, ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường tại VinaCapital cũng cho rằng, kết quả cuộc bầu cử “có lẽ không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam, bất kể ứng viên nào chiến thắng".
Theo chuyên gia từ VinaCapital, cách tiếp cận của hai ứng viên đều có những điểm tích cực và hạn chế nhất định. "Việc đưa sản xuất trở lại Mỹ khó có thể là mối đe dọa nghiêm trọng với các loại sản phẩm sản xuất tại Việt Nam" - ông Michael Kokalari nhận xét trong báo cáo gửi nhà đầu tư đầu tháng 9.
Tương tự với cách tiếp cận mang tính bảo hộ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ứng viên Đảng Cộng hòa đề xuất áp thuế 10 - 20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc là 60%. Mức này cao hơn nhiều so với thuế trung bình 2% đang áp dụng với hàng hóa phi nông nghiệp xuất sang Mỹ, theo số liệu của chính phủ nước này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia từ VinaCapital, nếu đắc cử, ông Trump có thể tập trung vào việc giảm giá trị đồng USD, thay vì tăng thuế quan đáng kể, dù ông đã nhiều lần cam kết sẽ làm ngược lại. Việc tiếp tục áp thuế cao có thể làm tăng giá trị đồng bạc xanh, nên ứng viên Đảng Cộng hòa sẽ phải lựa chọn giữa việc áp thuế và thực hiện các biện pháp giảm giá trị đồng USD - vốn mang lại nhiều lợi ích hơn./.