Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Thứ ba, ngày 10 tháng 12 năm 2024 | 10:33

Với tinh thần không có ngày nghỉ, hơn 1,3 triệu cán bộ, đảng viên của cả nước đã dành trọn buổi sáng chủ nhật (1-12) để tham dự Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quán triệt, triển khai thực hiện 3 nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vận mệnh của dân tộc, của đất nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị quán triệt việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TƯ tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: Đình Hiệp

Đó là vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; là việc triển khai những giải pháp để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.

Tinh thần của hội nghị “Diên Hồng” này cho thấy rõ quyết tâm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị: Chỉ bàn làm, không bàn lùi; trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng với quyết tâm chính trị cao nhất để tận dụng cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

1. Tại sao lại phải đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả? Là bởi vì, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của chúng ta còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; việc phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng... Trong khi đó, 70% ngân sách nhà nước hiện dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ hoạt động của bộ máy; chỉ còn 30% nguồn lực dành cho đầu tư cho phát triển, quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội...

Để tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cần sắp xếp lại, thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian; cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội và người dân.

Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải tìm lời giải. Trong đó, chúng ta phải tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể "cất cánh". Và đặc biệt là cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát triển, tháo gỡ hết khó khăn, vướng mắc, giải tỏa điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực bằng cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.

2. Trước cán bộ, đảng viên, với tinh thần nói thẳng, nói thật, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề: “Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ. Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi, Tổng Bí thư kêu gọi phải triển khai thực hiện khẩn trương nhưng bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài... để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy tối ưu nhất.

Theo phương án đề xuất tối thiểu sẽ giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 Ban Cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; tối thiểu sẽ giảm 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, phương án nghiên cứu, đề xuất là: Rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết...

Trước thời cơ của dân tộc, Tổng Bí thư kêu gọi cả hệ thống chính trị thống nhất ý chí và quyết tâm thực hiện với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng"; ngay trong tháng 12-2024 phấn đấu đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị (đối với bộ, ngành); hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I-2025.

Đây là vấn đề rất khó, sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và ảnh hưởng tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức, chưa kể sẽ có cả những lực cản. Vì vậy, hơn lúc nào hết cần sự chung sức, đồng lòng, thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân để triển khai chủ trương đặc biệt quan trọng này. Từng cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp.

Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trên hết, cần lắm tinh thần trách nhiệm và sự gương mẫu thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, với phương châm đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển.