Chống tham nhũng không ngừng, không nghỉ
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời được tiến hành quyết liệt, bài bản, toàn diện, đạt kết quả rất quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, củng cố niềm tin của nhân dân.
Công cuộc này sẽ tiếp tục được tiến hành với tinh thần không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh.
1. Có một phương châm được Đảng ta, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời nhất quán thực hiện, đó là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng - một thứ “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Bắt đúng căn nguyên của khuyết tật bẩm sinh này là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, Đảng ta nhất quán phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong chống tham nhũng; rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, trị bệnh cứu người.
Với tinh thần đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến hết năm 2023, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Riêng năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức Đảng, hơn 24.160 đảng viên, trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng. Trong 5 tháng đầu năm 2024, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ với 4.211 bị can, trong đó khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng.
Gần đây, ngày 3-8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét đơn xin thôi giữ các chức vụ của một số đồng chí lãnh đạo cơ quan trung ương và địa phương. Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy các đồng chí này đã vi phạm các quy định của Đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Lê Minh Khái thôi giữ chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; đồng ý để các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Ký, Chẩu Văn Lâm thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.
Thật xót xa, tiếc nuối khi các cơ quan có thẩm quyền liên tục công bố quyết định kỷ luật đối với không ít cán bộ cấp bộ, cục, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã..., thậm chí là cả cán bộ cấp cao. Song, điều đó càng cho thấy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã lan tỏa rất mạnh mẽ, thực sự trở thành một xu thế không thể đảo ngược, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
2. Sáng ngày 3-8, trả lời câu hỏi của phóng viên về trọng tâm ưu tiên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, đây là điều dư luận rất chờ đợi, đặc biệt sau khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động và đạt nhiều kết quả tích cực.
Đồng chí Tô Lâm khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng. Tới đây sẽ mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước”.
Trước đó, ngày 29-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Phan Đình Trạc đã có bài viết, khẳng định quyết tâm: "Quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh".
Những phát biểu này làm ấm lòng dân, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bởi hơn hết, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, thì điều mà cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng, đó là tinh thần, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc chiến chống giặc “nội xâm” sẽ tiếp tục được thực hiện.
Càng tin tưởng hơn khi cơ chế "bốn không" trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: "Không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng, tiêu cực đã và đang được hiện thực hóa. Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành đồng bộ, kịp thời các quy định, góp phần khắc phục những “kẽ hở”. Đơn cử như gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 178-QĐ/TƯ ngày 27-6-2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Chỉ rõ 6 hành vi tham nhũng và 5 hành vi tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Quy định số 178-QĐ/TƯ đã có những công cụ hữu hiệu để ngăn chặn những “nội dung cài cắm”, không để “lọt lưới” các chính sách pháp luật phục vụ lợi ích nhóm…
Cùng với quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11-10-2023 ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đi đôi với đó là kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gắn với phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Nhận định tệ tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, niềm tin của các tầng lớp nhân dân, tin tưởng rằng, chúng ta kế thừa những thành tựu đã đạt được, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh - điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện lúc sinh thời.
- Nâng “chất” giám sát, phản biện xã hội
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Giám sát, phản biện xã hội sớm từ cơ sở
- Sàng lọc đảng viên - khó cũng phải làm
- Vạch trần những thủ đoạn chống phá, xuyên tạc về Quốc hội Việt Nam
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Thi đua, khen thưởng cần thực chất
- Không thể xuyên tạc thành tựu sau 70 năm Giải phóng Thủ đô