TS. Quách Mạnh Hào: Chính sách tài khóa hỗ trợ không nên đồng nghĩa với việc bơm tiền
Theo chuyên gia kinh tế Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln - Vương Quốc Anh, gói hỗ trợ kinh tế nhất thiết phải dựa trên tài khóa. Tuy nhiên chính sách tài khóa hỗ trợ này không nên đồng nghĩa với việc bơm tiền.
Bởi vì, theo ông, bơm tiền lúc này tức là chúng ta bơm hai lần cho cùng một mục đích, sẽ đẩy thị trường tài sản lên mức cao, tạo ra sự thịnh vượng giả tạo.
TS. Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln - Vương Quốc Anh: Gói hỗ trợ kinh tế nhất thiết phải dựa trên tài khóa.
Ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Với quy mô 350.000 tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.
Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP 5 năm tới bình quân 6,5-7% một năm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép và các cân đối lớn vĩ mô được đảm bảo.
Đối tượng được hỗ trợ là người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện trong 2 năm (2022-2023), một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực tuỳ diễn biến của dịch bệnh.
T.S Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln - Vương Quốc Anh cho biết, một số tổ chức kinh tế trong và ngoài nước có chung nhận định rằng kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại mức tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong năm 2022. Vấn đề lạm phát không đáng lo ngại và sẽ duy trì ở dưới mức 4%.
Theo ông Hào, việc đạt mức tăng trưởng kinh tế như đặt ra không khó khi có gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá gần 350.000 tỷ đồng nêu trên trong bối cảnh các hoạt động kinh tế hoạt động trở lại sau Covid-19.
Tuy nhiên vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, ở đây, điều quan trọng không phải là tăng trưởng, mà là chất lượng tăng trưởng. “Các câu hỏi đặt ra là liệu quá trình tăng trưởng đó có đảm bảo sự công bằng xã hội và hạn chế được rủi ro bong bóng tài sản như đã từng xảy ra một thập kỷ trước hay không?”, ông Hào đặt vấn đề.
Với gói hỗ trợ, chúng ta có hai công cụ chính là tiền tệ và tài khóa, ông Quách Mạnh Hào cho rằng, việc sử dụng chính sách tiền tệ trong suốt thời gian qua trong khi nền kinh tế không "chạy" đã dẫn tới tiền chạy vào thị trường tài sản, đẩy giá bất động sản, chứng khoán và các hành vi đầu cơ tài sản khác.
“Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới bắt đầu quá trình thu hẹp tiền tệ. Điều này cho thấy giới hạn của chính sách tiền tệ trong nước, không thể lỏng thêm và chỉ có thể duy trì hoặc trở lại với thắt chặt”, ông Hào lưu ý.
Theo vị chuyên gia trên, gói hỗ trợ kinh tế nhất thiết phải dựa trên tài khóa. Tuy nhiên chính sách tài khóa hỗ trợ này không nên đồng nghĩa với việc bơm tiền. Bởi vì, bơm tiền lúc này tức là chúng ta bơm hai lần cho cùng một mục đích, sẽ đẩy thị trường tài sản lên mức cao, tạo ra sự thịnh vượng giả tạo. Chắc chắn điều này cũng sẽ tạo ra sự bất ổn xã hội bởi lừa đảo sẽ trở thành phổ biến khi mà mong muốn đánh bạc lấn át mong muốn kinh doanh, thậm chí người giàu lừa người nghèo.
Theo chuyên gia, các chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế nên là quá trình nắn lại dòng tiền hiện hữu trong xã hội trở lại với những mục tiêu kinh tế cần hỗ trợ. Đồng thời với việc bắt đầu quá trình nâng lãi suất trở lại khi kinh tế bắt đầu đi vào quỹ đạo tăng trưởng.
“Thực tế điều tra doanh nghiệp cho thấy lãi suất không phải là vấn đề chính đối với họ. Việc nâng lãi suất sẽ giúp thu hút trở lại tiền tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng phục vụ thực chất cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu Chính phủ cho các tổ chức kinh tế nên là ưu tiên bởi tiền trong xã hội thực sự còn rất nhiều”, ông Hào nêu quan điểm.
Nói cách khác theo ông Hào, bài toán hỗ trợ kinh tế thực chất là bài toán làm thế nào để sử dụng số tiền đã bơm ra, thu hút trở lại tiền tiết kiệm, huy động được nguồn lực dư thừa từ xã hội, chứ đó không nên là bơm tiền.
Bàn về gói hỗ trợ, GS. Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội – cũng từng cho rằng cần quan tâm, đánh giá mức độ hấp thụ nền kinh tế. Trong đó, có hai cơ sở để đánh giá, đó giải ngân đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Ông Cường cũng lưu ý việc kiểm soát để khi tung gói hỗ trợ dòng tiền đi vào sản xuất kinh doanh thay vì đi “chệch hướng”.
Ông Cường cho biết, nếu tiền bị đẩy sang khu vực đầu cơ thì sẽ làm giá bất động sản tăng lên, giá chứng khoán tăng lên. "Thông thường chỉ số chứng khoán tăng phải do cái sức khỏe nền kinh tế tăng nhưng giai đoạn vừa qua, tăng trưởng khó khăn giá cổ phiếu vẫn cứ tăng lên. Tăng nhưng không phải thực chất do lợi nhuận doanh nghiệp tăng", ông Cường lo ngại.
Theo Congluan.vn
https://congluan.vn/ts-quach-manh-hao-chinh-sach-tai-khoa-ho-tro-khong-nen-dong-nghia-voi-viec-bom-tien-post180174.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá