Chui vào chuông chùa để giác ngộ, sờ đầu tượng chữa bệnh - đừng mê muội!
Sức khỏe, bình an, hạnh phúc là điều ai ai trong chúng ta cũng mong mỏi. Nhưng sờ tượng để chữa bệnh, chui vào chuông chùa để giác ngộ, giải nghiệp thì quả là... hài hước.
Theo phản ánh của phóng viên Dân trí, nhiều người dân khi đi vãn cảnh chùa Hương Tích (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã đổ dầu gió vào tượng con hổ bằng bê tông rồi xoa lên người mình để chữa bách bệnh! Không chỉ người bệnh, thậm chí không có bệnh xoa tượng hổ để mong khỏe mạnh mà nhiều học sinh cũng làm tương tự để mong học hành giỏi giang, thành tài.
Ba cô gái chui vào trong chuông (Ảnh: Cắt từ clip)
Chưa hết, trên mạng xã hội cũng xôn xao về một đoạn clip 3 cô gái chui vào, ngồi dưới chuông chùa để... nghe tiếng chuông nhằm giác ngộ. Nhiều clip khác cũng xuất hiện với hình ảnh tương tự, được giới thiệu là để giải nghiệp...
Đi lễ chùa cầu sức khỏe, bình an đầu năm mới là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam. Đến chốn linh thiêng, không chỉ mang theo ước mơ, khao khát về một cuộc sống hạnh phúc, bình an, no đủ mà còn là dịp để mỗi người lắng mình trong không gian yên tĩnh, trong tiếng chuông nguyện để tìm sự bình yên của tâm hồn.
Bình yên, sức khỏe là mong mỏi chính đáng của mỗi người. Dân gian vẫn nói "có bệnh thì vái tứ phương". Khi bị bệnh tật hành hạ, đau đớn, người ta thường tìm đến "sức mạnh tâm linh". Thế nhưng, sờ mó các pho tượng hay chui vào dưới quả chuông để chữa bách bệnh, giác ngộ, giải nghiệp thì đó không chỉ là mê tín mà là sự mê muội một cách mù quáng.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc chui vào chuông chùa là không đúng tinh thần nhà Phật. Tiếng chuông của nhà chùa là tiếng chuông tỉnh thức, đem đến sự giác ngộ và mỗi người cần tự tâm lắng nghe. Hành động chui vào không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn thể hiện sự mê tín của con người.
Không rõ những người chui vào quả chuông đã "tỉnh ra mà hiểu rõ" được gì, nhưng với người bình thường, nếu chui vào quả chuông và nghe âm thanh với âm lượng lớn như thế, tôi e rằng không khác gì... tra tấn lỗ nhĩ.
Cũng theo Hòa thượng Thích Gia Quang, chuông, lư hương, hay tượng Phật… chỉ là các vật thờ mang tính biểu trưng chứ không phải là vật gì linh thiêng mà chạm vào để được phúc, hay chui vào là được giải nghiệp, thoát mọi tội lỗi.
Nếu như tại chùa Hương Tích, mọi can ngăn, cảnh báo của ban quản lý chùa Hương dường như vô tác dụng trước niềm tin mù quáng của du khách thì trong các clip giác ngộ, giải nghiệp tràn lan trên mạng, có thể thấy rằng có sự "đồng thuận" của những người mặc áo nâu sồng khi gõ vào chuông. Chưa rõ hành vi này xảy ra ở chùa nào, và người mặc áo nâu có phải là người nhà chùa hay không, nhưng rõ ràng đây là hành vi tiếp tay cho mê tín dị đoan, làm biến tướng giáo lý tốt đẹp của Phật giáo, giảm đi sự tôn nghiêm chốn chùa chiền.
Đã có lo ngại những biến tướng tự phát này sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tình trạng trục lợi từ niềm tin mù quáng của một bộ phận người dân. Bởi có "giải nghiệp" ắt hẳn sẽ có cầu cúng tốn kém. Nếu không kịp thời ngăn chặn những hiện tượng biến tướng này, sẽ để lại hệ lụy đối với đời sống văn hóa, tín ngưỡng...
Sức khỏe do lối sống và luyện tập mà thành. Có bệnh thì phải đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không thể trông mong vào những bức tượng vô tri, vô giác. Học giỏi thành tài là cả một quá trình nỗ lực, nghiêm túc rèn luyện và không ngừng phấn đấu. Sự bình an, tĩnh tại có được trong mỗi người là xuất phát từ sự thiện lương trong tâm hồn, từ những suy nghĩ tích cực, hướng thiện, biết đủ, biết tránh xa sân si, tranh cướp...
Niềm tin tâm linh cho con người sức mạnh nhưng nếu chỉ vin vào đó mà thiếu đi cái tâm trong sáng, thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện và phấn đấu, e rằng khó tìm thấy sự bình an trong cuộc sống.
Nguồn Dân Trí
https://dantri.com.vn/blog/chui-vao-chuong-chua-de-giac-ngo-so-dau-tuong-chua-benh-dung-me-muoi-20220217065138741.htm
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá