Chung cư sốt 'xình xịch', trầy trật rao bán căn hộ nửa năm vẫn ‘ế’ khách
Giá chung cư liên tục tăng cao, gấp đôi, gấp ba khiến nhiều chủ nhà quyết định bán căn hộ. Nhưng dù đăng bán ròng rã nhiều tháng, các căn hộ vẫn trong tình trạng “ế” khách.
Căn hộ chung cư “sốt” vẫn khó bán
"Người ta cứ kêu thị trường “sốt”, nhưng tôi rao căn hộ gần 3 tháng mà chưa bán được”, chị Ngọc Giao (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Gia đình chị Giao sống tại một căn hộ tái định cư cũ, diện tích 70m2, mua vào tháng 10/2022, giá 2 tỷ đồng, tức khoảng 28 triệu đồng/m2.
Suốt 1 năm qua, cùng với “cơn sốt” chung của thị trường chung cư, căn hộ của gia đình cũng liên tục tăng giá. Chị và nhiều hàng xóm thường nhận được những cuộc điện thoại hỏi bán nhà của môi giới. Mức giá môi giới đưa ra không ít lần khiến chị “sửng sốt” và giá luôn tăng dần theo từng tháng, thậm chí từng tuần.
Trên group cư dân, các hội nhóm, website mua bán bất động sản, chị thấy nhiều căn trong tòa nhà được rao bán giá 57-60 triệu đồng/m2. Thậm chí có những căn môi giới đăng chênh mấy trăm triệu so với giá chủ nhà rao trong nhóm cư dân. Chỉ chưa đầy 2 năm, giá đã tăng gấp đôi nên vợ chồng chị muốn bán nhà để mua căn hộ khác mới hơn.
“Tôi đăng bán từ tháng 7. Có rất nhiều môi giới gọi điện hỏi và người mua đến xem trực tiếp. Thế nhưng 3 tháng rồi mà vẫn chưa bán được”, chị kể.
Theo lời chị Giao, tòa chung cư này nằm ở vị trí đẹp, nhưng do đã xây dựng nhiều năm nên cũ kĩ, một số hạng mục bị xuống cấp. “Có khách xem xong thì một đi không trở lại, khách thì chê cũ, khách thì chê đắt trong khi tôi cũng chỉ đăng theo giá các căn khác rao trên mạng”, chị Giao nói.
Chung cư Hà Nội thiết lập mặt bằng giá mới. Ảnh: Hồng Khanh
Chị Nguyễn Hằng, cư dân một chung cư tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, thời gian qua đi đâu chị cũng nghe nói về chuyện “sốt” chung cư. Nhưng theo quan sát của chị thì bán được nhà không phải chuyện dễ.
“Có mấy căn hộ trong tòa chung cư tôi ở chủ mua để đầu tư, cho thuê. Khi thấy giá tăng cao thì họ chuyển sang bán. Có căn tôi thấy rao từ tháng 2/2024 tới tháng 8/2024 mà chưa bán được. Có lẽ rao mãi không bán được nên tháng 9 vừa rồi tôi thấy chủ lại cho thuê 11 triệu đồng/tháng”, chị kể.
Chị Hằng cho biết, năm 2018, chị mua căn hộ ở đây giá chỉ 24 triệu đồng/m2. Còn giá chủ căn hộ kia rao bán thời gian qua đã lên tới 60 triệu đồng/m2.
“Giờ cư dân còn đồn nhau giá chung cư này lên 80-100 triệu/m2. Môi giới ngồi sẵn dưới sảnh toà nhà luôn. Tôi thấy khách xem nhà thì có nhưng không thấy có cư dân mới chuyển tới, vẫn chủ yếu là người ở thuê”, chị Hằng chia sẻ.
Tỉnh táo mua bán khi thị trường đang nóng
Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2024 của Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, tăng khoảng 4-6% theo quý và 22-25% theo năm. Đặc biệt có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.
Theo các chuyên gia bất động sản, khi giá chung cư liên tục tăng cao, sẽ có một bộ phận người mua có tâm lý FOMO, mua nhanh sợ giá tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, giá tăng quá nhanh, tăng gấp đôi, gấp ba trong thời gian ngắn nên cũng sẽ có nhiều người mua cho rằng thị trường đang “ngáo giá”, đợi giá giảm mới xuống tiền.
Một yếu tố khác khiến chủ nhà khó bán là do căn hộ đã bị “thổi giá”, giá bán cao hơn nhiều giá trị thực. Nhiều chủ nhà thường lấy giá do môi giới đăng trên mạng để làm giá tham chiếu cho căn hộ của mình.
Ông Lê Công, Giám đốc một sàn bất động sản tại Hà Đông cho biết, giá chung cư tại Hà Nội thời gian qua đã thiết lập mặt bằng giá mới, tuy nhiên nhiều chủ nhà thấy môi giới đăng giá cao nên cho rằng căn hộ của mình tăng giá mạnh, cũng đăng theo mức giá đó. Trên thực tế, giá chung cư tăng tuy nhiên nhiều mức giá môi giới đưa ra chỉ nhằm mục đích tạo ra mặt bằng giá mới, tạo “sốt ảo”. Do đó, khi thị trường đang nóng, cả người mua và người bán đều cần tỉnh táo và thận trọng.
Môi giới thường lợi dụng tâm lý của người bán để khiến họ tin rằng thị trường đang nóng, dẫn đến quyết định đẩy giá lên quá cao hoặc từ chối các khách hàng thực sự. Để tránh rơi vào tình trạng này, chủ nhà nếu có nhu cầu bán thì nên tham khảo nhiều nguồn thông tin và tìm hiểu giá trị thực của bất động sản.
Theo ông Công, với người bán, nên tham khảo giá bán của những căn hộ trong tòa nhà đã có thanh khoản thật, chứ không phải những căn đang rao bán. Điều này giúp người bán đưa ra mức giá hợp lý, tránh bị ảnh hưởng bởi các chiêu trò thao túng giá.
Còn với người mua, cần đánh giá kỹ nhu cầu thực của bản thân và khảo sát kỹ trước khi quyết định, tránh bị cuốn theo tâm lý thị trường và rơi vào bẫy giá ảo, mua với giá quá đắt so với giá trị thực tế của căn hộ.
Theo thăm dò mới đây của VietNamNet về kế hoạch mua nhà thời điểm này, 40% phản hồi nên mua ngay. Trong khi, có 55% độc giả cho hay sẽ chờ đợi thêm để bất động sản giảm giá, bởi mức giá hiện tại chưa hợp lý.
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều
- Giá USD ngân hàng và USD tự do hôm nay tăng trở lại