Chứng khoán phái sinh: Tuần đáo hạn phái sinh êm đềm
Lần lượt các thử thách như đáo hạn phái sinh trong thứ 5, cơ cấu các quỹ ETF lớn (VanEck, FTSE...) đều đã được vượt qua và VN-Index vẫn kiên cường nằm trên mốc quan trọng 1.460 điểm.
Áp lực liên thị trường đã giảm đáng kể
Các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới chứng kiến tuần giao dịch tích cực nhất kể từ tháng 10/2020, dựa trên các tổng hợp từ chỉ số MSCI AC World Index. Diễn biến tăng điểm xảy ra bất chấp các xung đột quân sự tại Đông Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi Fed chính thức đưa ra quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018. Lý giải hợp lý được đưa ra là các thông tin tiêu cực đã phản ánh nhiều vào giá và các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn trấn an rằng nền kinh tế toàn cầu đủ sức chống chọi lại các biện pháp thắt chặt trong khoảng thời gian tới.
Chứng khoán thế giới có tuần giao dịch tích cực nhất kể từ tháng 10/2020. |
Chứng khoán Việt Nam cũng vừa trải qua tuần lễ phản ứng tích cực tương tự. Lần lượt các thử thách như đáo hạn phái sinh phiên thứ Năm, cơ cấu các quỹ ETF lớn (VanEck, FTSE..) đều đã được vượt qua và VN-Index vẫn kiên cường nằm trên mốc quan trọng 1.460 điểm. Tuần này, áp lực về thông tin sẽ không còn, đây là khoảng thời gian quan trọng để thị trường Việt Nam thể hiện nội lực thực sự.
Khi tâm lý “tin xấu ra là mua” đã trôi qua, liệu cổ phiếu của các doanh nghiệp vốn hóa lớn trong rổ VN30 như VIC, VHM, MSN, VNM hay ngân hàng VCB, CTG, BID, TCB… còn đủ sức hút với giới đầu tư?
Tuần qua, nhóm cổ phiếu dẫn dắt tâm lý thị trường và trụ vững điểm cho các chỉ số không ai khác chính là các cổ phiếu ngành ngân hàng. Nếu như trước đây, với dòng tiền và thanh khoản dồi dào, các cổ phiếu ngân hàng có thể giúp chỉ số tăng 20 - 50 điểm ngay trong phiên, thì nay sự dẫn dắt trở nên “phảng phất” hơn khi điểm danh từng cổ phiếu một.
Phiên thứ hai gọi tên STB, thứ ba chuyển sang MBB, thứ 4 có VIB, thứ 5 là CTG, BID và cuối tuần chốt hạ với VCB. Đà hồi phục rõ ràng xuất phát bởi yếu tố tiết cung khi nhóm ngân hàng đã điều chỉnh và tạo nền trước, điều này đồng nghĩa rằng trong tuần tới, đà hồi phục khó kéo dài và nhịp hồi kỹ thuật có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái điều chỉnh tìm động lực mới.
Điều này cũng được khẳng định một phần với cây nến rút đầu phiên cuối tuần ở ngay khu vực kháng cự mạnh 1.480 điểm. Các chỉ báo kháng cự ngắn hạn như MACD và RSI dần quay về trung tính, nhưng chỉ báo chậm như ADX hiện đã đạt tới 30 điểm với DI (-) nằm trên. Nhìn chung, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy xu hướng giảm đang dần hình thành mạnh mẽ hơn.
Dĩ nhiên, vẫn có nhiều luận điểm bảo vệ cho chiều mua với các ngưỡng hỗ trợ thực sự mạnh chưa sập gãy và kênh xu hướng tăng trưởng dài hạn duy trì nhờ kỳ vọng hồi phục của nền kinh tế. Do đó, chiến lược phái sinh sẽ tập trung vào giao dịch trong biên độ và hạn chế mua - bán đuổi.
Khuyến nghị: Giao dịch trong biên độ
Diễn biến VN30-Index, VN30F1M và mức chênh lệch giá. |
Trái với kỳ vọng, tuần đáo hạn của hợp đồng VN30F1M (VN30F2203) diễn ra yên bình và các chỉ số biến động chỉ trong biên độ rất hẹp. Dù có những thử thách trong phiên đầu tuần ở khu vực hỗ trợ 1.460 điểm, nhưng nhờ sự phân hóa lớn của thị trường cơ sở nên trong các nhịp giảm nên trạng thái hoảng loạn tâm lý cũng không diễn ra. Hoảng loạn không diễn ra lại đồng nghĩa với các pha rũ mạnh không xuất hiện và khó tạo ra điểm bật về mặt kỹ thuật để nhà đầu tư có thể bám theo và tạo động lực vượt qua các khu vực cản.
Đối với chiến lược giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư có thể bắt đầu giữ vị thế qua đêm nhờ rủi ro liên thị trường suy giảm đáng kể. Phương án mở vị thế mua khi giá điều chỉnh về khu vực hỗ trợ 1.450 điểm và ổn định (biên độ nến thu hẹp), đặt ngưỡng quản trị rủi ro trong trường hợp VN30F1M thủng xuống phía dưới mốc 1.440 điểm và hướng về các mức giá mục tiêu tại 1.480 điểm. Đối với vị thế bán, chốt chặn giá để tham gia thăm dò sẽ là khu vực 1.490-1.500 điểm, cắt lỗ nếu giá vượt hẳn qua 1.510 điểm và các vị thế mở ra sẽ có giá mục tiêu quanh mốc 1.470 điểm.
Chỉ số VN30-Index khó tạo ra điểm bật mạnh. |
Trong giai đoạn chuyển giao giữa xu hướng tăng trưởng dài hạn, với giai đoạn đi ngang trung hạn và điều chỉnh ngắn hạn, chiến lược nắm giữ vị thế trong khoảng thời gian dài không đem lại hiệu quả, bởi tính chất đòn bẩy cao và biến động mạnh của các sản phẩm hợp đồng tương lai. Do đó, nhà đầu tư ưa thích giao dịch theo xu hướng nên cẩn trọng đứng ngoài hoặc tham gia thăm dò tại các sản phẩm cổ phiếu cơ sở.
Nguồn Tinnhanhchungkhoan.vn
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan-phai-sinh-tuan-dao-han-phai-sinh-em-dem-post293333.html
- “Cửa sáng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu