Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh
Thông tin từ một số nhà băng cũng như dự phóng của giới phân tích cho thấy bức tranh lợi nhuận quý III/2024 của ngành ngân hàng dù cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng và có sự phân hóa ngày càng rõ nét.
Quý III vừa qua, Saigonbank báo lãi giảm 18% so với cùng kỳ năm trước
Nơi tăng trưởng mạnh, nơi đi lùi
Tính đến cuối tuần qua, mới có một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III/2024.
Cụ thể, Saigonbank cho biết, việc triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất làm giảm 3% thu nhập lãi thuần trong quý III, kéo theo lợi nhuận quý này giảm 18% so với năm trước. Sau 9 tháng đầu năm, Saigonbank
ước đạt hơn 200 tỷ đồng lợi nhuận, chỉ đạt xấp xỉ 55% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Kết thúc quý III/2024, dư nợ tín dụng của Saigonbank tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và 2% so với đầu năm.
Chưa chốt báo cáo tài chính quý III, NamA Bank mới hé lộ kết quả kinh doanh 8 tháng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế lũy kế 8 tháng của nhà băng này đạt hơn 75% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ ROE đạt mức 21,46%, ROA là 1,65%, cho thấy Ngân hàng không chỉ tăng trưởng về quy mô mà còn đạt hiệu quả sinh lời cao. Tỷ lệ NIM của NamA Bank tiếp tục được cải thiện lên mức 3,8% (so với 3,6% tại cuối quý II). Ngân hàng dự kiến NIM trong 4 tháng cuối năm duy trì trong khoảng 3,5 - 3,8%, với việc mặt bằng lãi suất duy trì thấp để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng lợi nhuận quý III của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng ổn định trên cơ sở hoạt động tín dụng cải thiện so với quý II nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thông tin đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/9/2024, tín dụng toàn ngành tăng trưởng 9% so với đầu năm và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay, theo Ngân hàng Nhà nước, là hoàn toàn khả thi. Biên lãi thuần (NIM) quý III được dự báo sẽ đi ngang, hoặc giảm nhẹ so với đầu năm. Theo MBS, hầu hết các ngân hàng tăng dần lãi suất tiền gửi để đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, trong khi lãi suất cho vay dự kiến vẫn duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Dự phóng được MBS đưa ra, HDBank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 44% trong quý III và 31% trong năm 2024; TPBank có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý III là 35% và cả năm là 23%;
VPBank có mức tăng trưởng lợi nhuận 37% trong quý III và 69% trong năm 2024; BIDV có mức tăng trưởng lợi nhuận 20% trong quý III và 17% trong cả năm nhờ tín dụng cải thiện. Ngược lại, Techcombank, Sacombank được MBS dự báo có mức tăng trưởng tín dụng chậm lại trong quý III/2024. Với Techcombank, lợi nhuận quý III được dự báo tăng 20% so với cùng kỳ, lợi nhuận cả năm tăng 34%.
Còn Eximbank và VietinBank
được MBS dự báo sẽ có tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ mức nền thấp trong quý III năm ngoái. Lợi nhuận của Eximbank khả năng tăng trưởng 70% và NIM duy trì tương đương quý II/2024. Cả năm 2024, lợi nhuận Eximbank được dự phóng ghi nhận mức tăng trưởng 16%. Với
VietinBank, MBS dự phóng lợi nhuận quý III/2024 tăng 40% so với cùng kỳ, trong bối cảnh NIM duy trì tương đương nửa đầu năm và chi phí trích lập dự phòng nợ xấu đi ngang. Cả năm 2024, lợi nhuận VietinBank được dự phóng tăng trưởng 12%...
LPBank được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 41% trong quý III vừa qua, nhờ mức nền thấp trong năm 2024. Cả năm 2024, lợi nhuận LPBank được dự phóng tăng trưởng 46%.
TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital cho rằng, ngoại trừ năm 2023, lợi nhuận ngành ngân hàng giai đoạn 2016 - 2022 đều có mức tăng trưởng hai con số. Nửa đầu năm nay, bức tranh lợi nhuận của ngành này vẫn khả quan, song có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng.
Theo dự báo của MBS, 4 ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trung bình ngành hoặc tăng trưởng âm trong quý vừa qua. Trong đó, Vietcombank được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận 9% trong quý III và 5% trong cả năm 2024. ACB được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận 7% trong quý III và 6% trong năm 2024, trong bối cảnh NIM giảm nhẹ và room tín dụng không còn quá nhiều. Đáng chú ý, VIB được dự phóng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm 19% trong quý III và âm 10% trong cả năm nay. Lợi nhuận của OCB cũng được dự phóng sẽ giảm do nền so sánh cao của năm trước.
Cải thiện nhưng không như kỳ vọng
Thu nhập ngoài lãi của ngành ngân hàng vẫn được giới phân tích đánh giá còn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chủ yếu dựa vào mảng thu phí và xử lý nợ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán quý III dự báo không có tăng trưởng cao như những quý liền trước khi tình hình thị trường chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Về chất lượng tài sản, các chuyên gia tài chính cho rằng, nợ xấu các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 sẽ không tăng so với quý liền trước, bởi dư nợ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp tiếp tục dẫn dắt tín dụng trong thời gian này.
Tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. Điều này phần nào phản ánh trên kết quả điều tra các tổ chức tín dụng quý IV/2024 được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây. Theo đó, tại kỳ điều tra này, tỷ lệ các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023 là 79,6%, thấp hơn so với tỷ lệ 86,2% tại kỳ điều tra trước. Bên cạnh đó, vẫn có 15,9% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024, cao hơn tỷ lệ 11% tổ chức tín dụng kỳ vọng tại kỳ điều tra trước; 4,4% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Theo quan điểm của FiinGroup, NIM của ngành ngân hàng vào cuối năm 2024 có khả năng sẽ giữ nguyên hoặc có xu hướng giảm, từ sự hội tụ của nhiều yếu tố... Cụ thể, trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng mới đây, FiinGroup bày tỏ niềm tin rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% của Chính phủ có khả năng đạt được, tác động lên lợi nhuận, mặc dù còn hoài nghi về chất lượng của tăng trưởng tín dụng.
Còn VDSC ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm nay đạt 18% so cùng kỳ, dẫn dắt bởi thu nhập lãi tăng trưởng 19% do chi phí vốn rẻ hơn. Quy mô nợ xấu có thể sẽ giảm nhẹ vào cuối năm, khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023, để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối. Theo phân tích của VDSC, VPBank, VietinBank và HDBank sẽ là ba ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý III. Ngoài ra, nhóm ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng khá (từ 15 - 25%) gồm: BIDV, Techcombank, ACB và MB. Còn Vietcombank, VIB và OCB dự báo có mức tăng trưởng dưới 10%.
VDSC cho rằng, quý III/2023 là thời điểm NIM tạo đáy, tín dụng tăng chậm do cả cung lẫn cầu có nhiều yếu tố giới hạn, chi phí tín dụng tạo đỉnh. Sang quý III năm nay, dự báo tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi ước đạt 10,5% so với đầu năm, tăng 19,4% so với cùng kỳ và 2,3% so với quý liền trước.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tuy khó tăng đột biến như các năm trước, song lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn được dự báo tăng trong nửa cuối năm nay. NIM của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng nhẹ, trong đó phải kể đến các ngân tư nhân quy mô lớn và ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối.
Giới phân tích tài chính cũng nhận định rằng, tác động từ diễn biến của lãi suất đầu vào và đầu ra ít có khả năng thay đổi đáng kể NIM trong quý này. Theo đó, NIM quý III của các ngân hàng trong danh sách theo dõi ước tính tăng 0,2% so với cùng kỳ, lên 4,58%.
- Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán đến từ những yếu tố nội tại của Việt Nam
- Vốn ngoại vẫn chờ cơ hội vào thị trường M&A
- Kỳ vọng gì cho chứng khoán tháng cuối năm? Minh Tuấn Minh Tuấn Xem các bài viết của tác giả
- Thị trường chứng khoán tuần qua: Dù biến động mạnh nhưng Vn-Index vẫn có tuần tăng điểm
- Áp lực bán ròng của khối ngoại có thể sớm thu hẹp
- Chứng khoán ngày 22/11: Áp lực bán tăng dần vào cuối phiên
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Chứng khoán có thể sớm tăng trở lại
- Mở ra cơ hội cho thị trường tìm lại điểm cân bằng và phát triển bền vững