Cơ hội nâng hạng của Chứng khoán Việt ngày càng rõ ràng hơn
- Việc triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đã và đang được các đang được cơ quan quản lý, tổ chức liên quan và thành viên thị trường chú trọng đẩy mạnh. Mặc dù quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào các tổ chức xếp hạng, tuy nhiên, kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm được nâng hạng và mục tiêu đó đang ngày càng rõ ràng hơn khi các “nút thắt lớn” dần được tháo gỡ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng. Ảnh: Duy Dũng |
Quyết tâm, nỗ lực bước đầu “chớm nụ”
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã, đang khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý để từng bước gỡ các “nút thắt” trong việc xem xét nâng hạng theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế; đồng thời phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng, hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Ghi nhận trên thực tế, các “nút thắt” đang dần được tháo gỡ.
Sửa đổi pháp lý mang tính khả thi cao Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư của Bộ Tài chính là phù hợp và có tính khả thi cao. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ kỳ vọng việc ban hành thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. |
Theo đó, các giải pháp về mặt pháp lý đã và đang được Bộ Tài chính, UBCKNN tích cực nghiên cứu, sửa đổi. Cụ thể hơn, cơ quan quản lý đã xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, đại diện UBCKNN cho biết, sau 2 lần lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, hiện dự thảo thông tư này đã hoàn thiện những khâu chuẩn bị cuối cùng để trình Bộ Tài chính ban hành. Dự kiến Thông tư chính thức được ban hành vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 này để các đơn vị liên quan và thành viên thị trường triển khai các công việc tiếp theo. Theo đó, các quy chế, quy trình về mặt nghiệp vụ cũng sẽ được ban hành sớm để các công ty chứng khoán đủ điều kiện triển khai dịch vụ đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép giao dịch mà không cần ký quỹ đủ 100% tiền.
Trước đó, tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cũng đã cho biết, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung pháp lý, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tiếp tục làm việc với bộ ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. “Các bộ, ngành đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài” - lãnh đạo UBCKNN thông tin.
Song song với đó, thời gian qua và sắp tới, UBCKNN tiếp tục tích cực, chủ động làm việc thường xuyên với các tổ chức xếp hạng, các nhà đầu tư quốc tế lớn, nhằm tuyên truyền về chủ trương, định hướng và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường; tăng cường phối hợp với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để giải đáp thắc mắc và ghi nhận, tháo gỡ các khó khăn của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam; thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm tăng cường hình ảnh của TTCK Việt Nam với cộng đồng đầu tư toàn cầu, các nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của nhà đầu tư nước ngoài về mục tiêu nâng hạng TTCK của Việt Nam.
Chờ thêm những hành động thực tế từ thị trường
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh nỗ lực triển khai tháo gỡ các nút thắt, đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn đưa ra, thì kết quả nâng hạng phụ thuộc vào đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng thông qua sự hài lòng của các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, để đem lại những trải nghiệm tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài thì chất lượng cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên thị trường mới là yếu tố quyết định cho kết quả xếp hạng. Điều đó có nghĩa là cùng với các giải pháp của cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan, các thành viên thị trường và chính các doanh nghiệp cũng cần “hành động ngay” để phát huy hiệu quả thực tiễn, đáp ứng trải nghiệm tốt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Lãnh đạo UBCKNN cho biết, cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp và trao đổi với các công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký để các thành viên thị trường cập nhật thông tin mới nhất về việc sửa đổi khung pháp lý nhằm hỗ trợ các thành viên thị trường có sự chủ động để chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống kết nối, hệ thống vận hành, nguồn lực về vốn và các giải pháp quản trị phù hợp khi các văn bản pháp lý được ban hành và đưa vào triển khai thực hiện.
Theo Ông Dominc Screven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam chia sẻ: “Thời gian vừa qua, cơ quan quản lý Việt Nam đã có nhiều giải pháp để phát triển TTCK. Chúng tôi trông đợi vào sự phát triển hơn nữa của thị trường Việt Nam với vị thế là một thị trường mới nổi chứ không còn là thị trường cận biên trong thời gian sớm nhất”.
Bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khẳng định: “Để đáp ứng yêu cầu nâng hạng, các công ty chứng khoán cần nâng cấp hệ thống để hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ đồng bộ cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai, TTCK của chúng ta sẽ tạo ra một hệ sinh thái tài chính bao trùm và năng động”.
Còn theo ông Vũ Quang Đông - Phó Giám đốc Khối Vốn và thị trường, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), việc nâng hạng TTCK có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng nhà đầu tư. Thị trường sớm được nâng hạng sẽ đem lại nhiều cơ hội như tăng tăng quy mô và thanh khoản. “Nâng hạng thành công sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp, giúp đa dạng hóa sản phẩm niêm yết, tăng chất lượng, số lượng nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường” – ông Đông nói.
Nhiều tổ chức quốc tế cam kết đồng hành để thị trường chứng khoán nâng hạng Trao đổi tại buổi làm việc với lãnh đạo UBCKNN, ông Miguel - Phụ trách Bộ phận Nghiên cứu chỉ số thị trường của MSCI khẳng định, các giải pháp về nâng hạng của cơ quan quản lý Việt Nam đang đi đúng hướng, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. “Chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin mới này đến các thành viên, khách hàng của MSCI để họ nắm bắt, trải nghiệm và có các đánh giá phục vụ cho việc phân hạng TTCK Việt Nam trong thời gian tới” - đại diện MSCI chia sẻ. Bà Katia Daude Goncalves - Giám đốc quốc gia của IFC phụ trách Singapore, Malaysia và Brunei Darrussalam cũng cho biết, với tư cách là thành viên của Ngân hàng Thế giới, IFC cam kết hỗ trợ sự phát triển của TTCK Việt Nam, trong đó có cả vấn đề nâng hạng. Ông Lyndon Chao - Giám đốc điều hành Bộ phận Chứng khoán và giao dịch ASIFMA cũng khẳng định sự tiếp tục hỗ trợ của ASIFMA khi nhóm công tác của ASIFMA sẵn sàng phối hợp với UBCKNN trong hoàn thiện các chính sách, quy trình liên quan phục vụ việc nâng hạng.
|
- Cải thiện tính minh bạch để tăng giá trị, sức hút cho thị trường chứng khoán
- Tìm lời giải cho bài toán bán ròng của khối ngoại
- Cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo và tiếp tục bị đình chỉ giao dịch
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Thị trường chứng khoán khi nào mới khởi sắc?
- Gỡ rào cản về cơ chế thanh toán để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
- Sửa Luật Chứng khoán hướng tới thu hút vốn, tăng quy mô nhà đầu tư tổ chức
- Gần 160 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 10, nâng tổng số vượt mốc 9 triệu
- Thông tư 68/2024/TT-BTC thể hiện cam kết thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán