Có nên đánh đồng chuyện ngành điện lỗ bao nhiêu thì phải tăng tiền điện bấy nhiêu?

Thứ năm, ngày 23 tháng 2 năm 2023 | 14:29

Trong số lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố, các cơ quan có thẩm quyền cần phải làm rõ con số nào lỗ do 'đội' giá đầu vào, con số nào lỗ do nguyên nhân khác để loại trừ khi tính toán mức tăng giá điện, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng điện.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam khi trao đổi với VnBusiness về câu chuyện xem xét tăng giá điện trong năm 2023.

-2084-1677120674.jpg

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam

Thưa ông, một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là điều chỉnh giá điện trong năm nay. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?

-Trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục biến động, đặc biệt năm 2022, các chi phí nguyên nhiên liệu như than, khí, dầu đã tăng mạnh khiến chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, nhưng giá bán lẻ điện bình quân vẫn giữ ổn định từ năm 2019 đến nay thì việc EVN kinh doanh thua lỗ là không tránh khỏi.

Với chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế tăng cao như hiện nay cần điều chỉnh giá bán lẻ điện lên ở mức độ phù hợp, nếu không, ngành điện sẽ không cân đối được dòng tiền, bởi khi dòng tiền âm thì sẽ không có tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện.

Tôi cho rằng trong hoàn cảnh mà yếu tố khách quan tác động vào giá điện như đã nêu thì chắc chắn chúng ta phải điều chỉnh giá điện.

Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này thì dòng tiền của ngành điện sẽ bị âm và tác động đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng, tác động tới việc thu hút đầu tư vào phát điện, truyền tải, phân phối điện. Điều này sẽ ảnh hưởng không thuận trong việc chúng ta phải tiếp tục bảo đảm nhu cầu tăng trưởng tiêu dùng điện tăng cao như hiện nay.

Với con số lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng mà EVN công bố, ông dự báo giá điện trong thời gian tới sẽ tăng bao nhiêu là phù hợp?

-Muốn hay không, chúng ta vẫn phải đối mặt với việc điều chỉnh giá điện, nhưng việc điều chỉnh giá điện ở mức nào lại là câu hỏi khó và cần được tính toán kỹ lưỡng. Nếu thực hiện ngay và thực hiện đúng Luật Giá mà phải đảm bảo bù đắp chi phí kinh doanh cho ngành điện thì mức điều chỉnh giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện tại.

Nếu giá điện điều chỉnh ở mức này thì có thể sẽ có những tác động khá mạnh. Tính ra với 15% thì sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng khoảng 0,5%, chưa kể tác động đến vòng 2. Từ đó tác động lên các ngành, ví dụ như giá điện sẽ đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,9%; giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%; ngành dệt may tăng khoảng 1,95%..., đó là những ngành sử dụng nhiều điện.

Để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát, có thể tiến tới chia lộ trình điều chỉnh giá thành 2 đợt. Nếu mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng 7-8% sẽ đẩy lạm phát vòng 1 của mỗi đợt lên khoảng 0,2%.

Đợt 1 có thể điều chỉnh luôn vào tháng 3/2023. Trong trường hợp cuối năm, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn kiểm soát tốt và kinh tế phục hồi thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2.

Như ông đã nêu, chúng ta phải đối mặt với việc giá điện sẽ tăng sau hơn 4 năm giữ ổn định, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không thể đồng nhất chuyện ngành điện lỗ bao nhiêu thì phải tăng giá tương ứng bấy nhiêu?

-Những con số lỗ là bao nhiêu, mấy chục nghìn tỷ đồng ấy có đúng hay không phải được các cơ quan có thẩm quyền xác minh, kiểm tra, kết luận một cách khách quan, công bố công khai, minh bạch nhằm tạo ra sự chia sẻ, đồng thuận của người tiêu dùng và trong toàn xã hội.

Cụ thể, EVN cho biết lỗ thì phải kiểm toán, làm rõ cái nào lỗ do "đội" giá đầu vào, cái nào do nguyên nhân khác. Cái nào lỗ do giá thì chúng ta phải xem xét, còn nguyên nhân khác thì phải loại trừ khi tính toán mức tăng của giá điện.

Cùng với đó, để giảm tác động của việc điều chỉnh giá điện, điều đầu tiên là Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nói chung, sản xuất kinh doanh điện nói riêng và cho thu hút đầu tư phát triển ngành điện. Trong đó có thể phải xem xét xử lý các chính sách tình huống mang tính đặc biệt, mang tính đặc thù có thời hạn nhất định cho sản xuất và đầu tư đối với ngành điện.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần có giải pháp tổng thể để kiểm soát, bình ổn mặt bằng giá, ngăn ngừa tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện đến mặt bằng giá của nền kinh tế, của các loại hàng hóa dịch vụ khác có sử dụng điện, tránh lợi dụng việc tăng giá điện để đẩy mặt bằng giá lên, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Về phía ngành điện cần phải tiếp tục thực hiện ngay và có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm chi phí thông qua các biện pháp như nâng cao hiệu lực, năng lực quản trị, nâng cao năng lực hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm các chi phí thường xuyên.

Với người tiêu dùng, vẫn phải áp dụng các giải pháp tiết kiệm tiêu dùng điện. Doanh nghiệp cũng phải có phương án, giải pháp nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá thành sản phẩm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://vnbusiness.vn/