'Cơn ác mộng' mang tên bancassurance

Thứ bảy, ngày 4 tháng 3 năm 2023 | 10:43

Theo quy định pháp luật, việc các công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng để bán bảo hiểm (bancassurance) là hoạt động kinh doanh hoàn toàn hợp pháp. Nhưng vì sao, bancassurance lại trở nên méo mó, biến tướng suốt thời gian dài vừa qua?

Gần đây, hoat động bancassurance đã bắt đầu được đề cập trên báo chí, gây sự chú ý lớn của cộng đồng và cảnh báo về những chiêu thức đưa nhiều khách hàng vay tiền ngân hàng “vào tròng” của các công ty bảo hiểm.

Nhưng những vụ việc này đã bắt đầu từ rất lâu trước đó mà không được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đủ với mức độ của nó.

Một khách hàng kể, đầu tháng 10/2022, khi bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối hoàn tiền và nhận ra mình đã mắc bẫy của nhân viên ngân hàng, chị đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Khách hàng này phản ánh, Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính, phản hồi, đã nhận đơn tố cáo của chị, nhưng rồi lại chuyển đến cho công ty bảo hiểm giải quyết. Đến nay, công ty bảo hiểm báo vẫn ỳ ra, không phản hồi, không liên lạc với khách hàng này. Rõ ràng, cách giải quyết tắc trách của cơ quan nhà nước như vậy hoàn toàn không tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của họ trước người dân.

Nhiều khách hàng khố khổ khi vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm. Ảnh Hoàng Hà.

Hoạt động bancassurance phải được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện đã được nêu rất rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Song, các công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng để kiếm lời, bất chấp tất cả, không tuân thủ pháp luật, coi thường các cơ quan quản lý nhà nước, đã khiến cho bancassurance trở thành "cơn ác mộng" với nhiều người dân.

Một nhân viên ngân hàng kể, anh ta đã được dạy cho những chiêu trò để bán bảo hiểm nhân thọ như thế nào. Với khách đến vay vốn, ban đầu nhân viên ngân hàng sẽ đưa ra mức lãi suất cao làm cho người ta không khỏi bất ngờ. Khi khách hàng tỏ vẻ phân vân thì nhân viên ngân hàng đưa tiếp một lựa chọn khác, đó là gói vay lãi suất ưu đãi đi kèm với mua bảo hiểm. Khi đó khách hàng sẽ cân nhắc, thấy mua bảo hiểm mà được vay vốn với lãi suất thấp hơn sẽ lựa chọn mua.

Để thuyết phục khách hàng đến gửi tiết kiệm chuyển sang mua bảo hiểm, nhân viên ngân hàng dùng các những cụm từ đánh tráo khái niệm như: "tiết kiệm linh hoạt", "tiết kiệm kết hợp đầu tư", "tiết kiệm công nghệ 4.0"… Bên cạnh đó, họ đưa ra một loạt những ưu điểm của các các gói bảo hiểm như: "rút tiền linh hoạt", "lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm thông thường", “được bảo vệ khi gặp rủi ro, tai nạn”. Bằng mọi cách, các nhân viên ngân hàng chứng tỏ cho khách hàng thấy đây là một hình thức gửi tiết kiệm mới ưu việt hơn và vẫn được ngân hàng đảm bảo.

Mỗi lần nhân viên ngân hàng “bán” được một hợp đồng bảo hiểm mà về bản chất là cưỡng ép, hoặc lừa gạt khách là được cấp trên tung hô, được thưởng.

Thời gian qua, nhiều khách hàng đến vay vốn ngân hàng hoặc gửi tiết kiệm đã bị ép buộc, bị đưa “vào tròng” mua bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, không ít người mua bảo hiểm với số tiền từ 50-100 triệu đồng/năm. Nhiều người không hủy ngang được, mà cũng không có khả năng tài chính để đóng tiếp nên lâm vào tình trạng khốn đốn.

Cần ngăn chặn "cơn ác mộng" mang tên bancassurance, Ảnh minh họa, nguồn IT.

Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã hợp tác với các công ty bảo hiểm, để bán bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng. Với hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu, họ nhận được từ hoa hồng, phí trả trước lên đến hàng trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm là nguồn thu nhập rất lớn của ngân hàng.

Bán bảo hiểm trở thành mũi nhọn để kiếm tiền cho ngân hàng từ các dịch vụ ngoài tín dụng. Có nhiều ngân hàng, nguồn thu từ bảo hiểm chiếm tỷ trọng trên 70% trong cơ cấu lợi nhuận của các mảng dịch vụ ngoài tín dụng. Trong khi đó, bán bảo hiểm rủi ro gần như bằng không, ngân hàng không cần bỏ vốn, lại được các công ty bảo hiểm trả hoa hồng rất cao.

Năm 2022, theo thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khoảng 15,33%, bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 15%. Có những ngân hàng, tính đến cuối năm 2022 đã bán bảo hiểm cho gần một triệu khách hàng.

Tình trạng này đã đến mức báo động, đã tạo ra một thị trường rất bất ổn, không còn lành mạnh nữa. Nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? 

Nguồn: https://vietnamnet.vn/