Củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém - nhiệm vụ sống còn
Củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân. Việc này sẽ khó đạt hiệu quả nếu như cấp ủy các cấp không thực sự quyết tâm trong việc rà soát, đánh giá, nhận diện những tổ chức cơ sở Đảng có biểu hiện yếu kém để theo dõi, xây dựng đề án củng cố kịp thời..
1. Từ yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng ở địa phương phải kiểm soát tốt tình hình cơ sở, không để các vụ việc diễn biến thành điểm nóng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 "Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội".
Giai đoạn 2017-2020, qua rà soát, đánh giá, thành phố đã xác định có 226 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố. Thực hiện 7 nhóm giải pháp của Nghị quyết số 15-NQ/TU, đến trước khi tiến hành đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội đã hoàn thành việc củng cố đối với 226 tổ chức cơ sở Đảng này. Với tinh thần không ngừng nghỉ, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá, đưa vào củng cố đối với 54 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy cũng rà soát, đưa vào theo dõi, củng cố đối với 173 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém hoặc có vấn đề cần quan tâm.
Để giúp nhận diện rõ nội dung cần củng cố, đề ra giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và tổ chức thực hiện có hiệu quả, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã hướng dẫn các cấp ủy rà soát, đánh giá, phân loại thành 3 nhóm... Sau khi nhận diện, các cấp ủy đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, cá nhân người đứng đầu cấp ủy trong việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; chủ trì chỉ đạo giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Nhờ đó, đến hết quý III-2024, toàn thành phố chỉ còn 20 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém đang củng cố (gồm 1 tổ chức cơ sở Đảng cấp thành phố theo dõi; 19 tổ chức cơ sở Đảng cấp huyện theo dõi thuộc 10 đảng bộ quận, huyện và 2 đảng bộ khối).
2. Điều đáng nói, các tổ chức cơ sở Đảng sau khi được củng cố đều có những chuyển biến, từng bước giải quyết được những vụ việc phức tạp, nổi cộm, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ hạn chế về năng lực, trách nhiệm, từ đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân đối với vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp.
Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn một số cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy xem nhẹ, chưa nắm chắc tình hình cơ sở, bị động, ứng phó chậm hoặc trông chờ, ỷ lại vào thành phố, mặc dù nhiều việc có thể tập trung tháo gỡ theo thẩm quyền. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng ở một số nơi còn yếu, có nơi còn để xảy ra vi phạm, việc giải quyết tồn tại về đất đai và một số vụ việc phức tạp còn chậm. Trong khi đó, công tác nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp có lúc, có nơi chưa kịp thời; công tác phối hợp thông tin, báo cáo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp ủy cơ sở chưa thường xuyên. Một số tổ chức cơ sở Đảng chưa thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; chưa chú trọng kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm... Đây là những biểu hiện cần phải chấn chỉnh ngay.
Tổ chức cơ sở Đảng là “nền tảng” của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn bó mật thiết với xây dựng đội ngũ đảng viên. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện. Vì vậy, việc các cấp ủy cần tiếp tục làm là thống nhất về nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về tầm quan trọng của việc kịp thời nhận diện, thực hiện đồng bộ các giải pháp để củng cố tổ chức cơ sở Đảng yếu kém hoặc có vấn đề, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn.
Cùng với đó cần đẩy mạnh công tác nắm bắt, dự báo tình hình, nhất là đối với những nơi triển khai thực hiện các dự án quan trọng. Đi đôi với đó cần coi trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TƯ ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Đặc biệt, cần tập trung đánh giá kết quả khắc phục hạn chế, yếu kém sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2023, thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra của cấp có thẩm quyền gắn với triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa điểm nóng.
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Phản biện xã hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Để giám sát, phản biện xã hội trở thành thương hiệu của Mặt trận
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Thực hiện tốt phương châm "vì việc tìm người
- Hà Nội nhận diện 18 biểu hiện vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Củng cố sức mạnh của Đảng từ mỗi "tế bào"