ĐỒNG CHÍ LÊ TRỌNG TẤN MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA NGƯỜI CỘNG SẢN
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, đồng chí Lê Trọng Tấn thuộc thế hệ cách mạng tiền bối; một trong những tấm gương chiến sĩ cộng sản rất mực kiên trung; vị tướng chỉ huy quân sự mưu lược, đức độ, tài ba của Quân đội ta. Trải qua hơn 40 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Trọng Tấn được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao nhiều cương vị, trọng trách quan trọng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, khóa V; Đại biểu Quốc hội khóa VII; Phó Tổng tham mưu trưởng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng... Quá trình tham gia cách mạng, đặc biệt là vào những thời điểm gay go, quyết liệt, có tính bước ngoặt của cách mạng, đồng chí luôn nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân và Quân đội giao phó. Đồng chí thực sự là một tấm gương sáng của người cộng sản.
Tấm gương về tư tưởng dựa vào dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước, dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến, ngay từ nhỏ, được tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của quần chúng cần lao, đồng chí Lê Trọng Tấn sớm giác ngộ cách mạng và nhận rõ vai trò quyết định của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng dựa vào dân, vì nhân dân mà hy sinh, chiến đấu đã khắc sâu vào tâm thức và trở thành phương châm hành động trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Lê Trọng Tấn. Tháng 3-1945, đồng chí được cử về công tác tại Ứng Hòa, La Khê, La Cả (Hà Đông). Tại đây, đồng chí đã bám sát cơ sở, tích cực tuyên truyền vận động quần chúng và dựa vào nhân dân để tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, làm cho phong trào cách mạng nơi đây từng bước phát triển, lớn mạnh. Cũng nhờ dựa vào dân, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, đồng chí đã tổ chức Đội tự vệ đánh chiếm đồn Đồng Quan của địch, gây thanh thế, trấn áp kẻ thù, góp phần tạo khí thế mới đưa phong trào cách mạng lên cao. Cũng trong thời gian này, trước nạn đói khủng khiếp tại quê nhà, đồng chí đã tổ chức phá kho thóc của Nhật ở Do Lộ, chia cho dân nghèo; đồng thời tích cực vận động quần chúng, tập hợp lực lượng, đứng lên cướp chính quyền ở tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông, thành phố Hà Nội).
Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng sau này, dù ở bất kỳ cương vị và chiến trường nào, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí luôn đề cao tư tưởng dựa vào dân, ra sức chăm lo, xây dựng mối quan hệ quân - dân cá nước; luôn bám đất, bám dân, thực hiện vừa đánh địch, vừa làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng; củng cố và phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân ngay trên mỗi địa bàn.
Trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, phẩm chất cách mạng của một vị tướng luôn biết dựa vào dân, vì nhân dân đã được thể hiện rõ nét, sâu sắc, có sức lan tỏa và có sức thuyết phục mạnh mẽ. Vì nhân dân, vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đồng chí luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách, dám chấp nhận hy sinh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân; xứng đáng là một tấm gương mẫu mực, tiêu biểu cho bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; một hình mẫu tiêu biểu của “Bộ đội Cụ Hồ” với đầy đủ ý nghĩa và giá trị tốt đẹp của danh hiệu cao quý đó.
Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Tấm gương về sự lãnh đạo, chỉ huy mưu lược, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Từng trải qua chiến đấu, từ một cán bộ chỉ huy phân đội, trung đoàn, phát triển lên Đại đoàn trưởng, rồi Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Trọng Tấn thực sự là vị tướng của trận mạc, một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết đoán, luôn có mặt ở những địa bàn xung yếu và nóng bỏng nhất, có khả năng chỉ huy làm xoay chuyển cục diện chiến trường, “biểu trưng cho những quả đấm thép của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: Đại tướng Lê Trọng Tấn “là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go, phức tạp thế nào; đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ"[1].
Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đảm nhiệm phụ trách công tác quân sự của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Hà Đông, đồng chí đã quán triệt sâu sắc tư tưởng cách mạng tiến công, quyết đoán, sáng tạo, linh hoạt trong hành động. Mặc dù, chỉ với lực lượng nhỏ, vũ khí thô sơ, đồng chí đã tổ chức đánh chiếm đồn Đồng Quan của địch có số quân đông, trang bị đầy đủ vũ khí mà không tốn một viên đạn, không mất một giọt máu, khiến kẻ địch khiếp sợ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí lần lượt giữ các cương vị Trung đoàn trưởng, Đại đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy bộ đội chiến đấu từ trận đánh nhỏ đến các chiến dịch lớn, góp phần xứng đáng vào chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc (năm 1947), chiến dịch Biên Giới (năm 1950), chiến dịch Hòa Bình (năm 1951), chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), chiến dịch Thượng Lào (năm 1953)… Trong các chiến dịch này, đồng chí đều được phân công chỉ huy tiến công trên hướng chủ yếu, giải quyết các mục tiêu quan trọng, trận đánh then chốt.
Cuối năm 1950, khi Đại đoàn 312 - một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội được thành lập, đồng chí được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng và là người duy nhất được đề bạt trực tiếp từ Trung đoàn trưởng lên Đại đoàn trưởng lúc tròn 36 tuổi, khẳng định tài năng quân sự và sự tín nhiệm của Trung ương Đảng và Quân đội đối với đồng chí. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), đồng chí được giao nhiệm vụ chỉ huy đơn vị đánh trận mở đầu, tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam - một trong những cụm cứ điểm kiên cố nhất của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng chí đã bám sát đơn vị, lăn lộn với thực tiễn chiến trường; động viên, xây dựng quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ; tích cực nghiên cứu đề ra cách đánh mới mà kẻ địch cho rằng ta không thể làm được để tạo bất ngờ. Nhờ đó, Đại đoàn 312 đã tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, tiến công tiêu diệt nhiều cứ điểm địch và đột phá thẳng vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống toàn bộ Bộ tham mưu địch, cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm của Đờ-cát. Sau này, chính Đờ-cát đã thú nhận rằng: “Chúng tôi rất khâm phục đơn vị đầu tiên đánh Điện Biên Phủ và cũng chính là đơn vị bắt sống chúng tôi vào những ngày cuối cùng”[2].
Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc.
Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng chí đã được Bộ Chính trị cử vào miền Nam, giữ cương vị Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Tại đây, đồng chí cùng với Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đề xuất nhiều chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo để đối phó với quân thù. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các chiến dịch: Ba Gia, Đồng Xoài, Bầu Bàng… giành thắng lợi lớn. Qua đó, khẳng định rằng, chúng ta đánh thắng Mỹ không chỉ bằng “cái gan” của người Việt Nam, mà còn bằng nghệ thuật quân sự vừa đậm tính truyền thống dân tộc lại vừa giàu tính khoa học, tính hiện đại... Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ trên toàn chiến trường.
Tiếp đó, đồng chí còn được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cử làm Tư lệnh, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch giải phóng cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1971), Chiến dịch Trị - Thiên (năm 1972)… và đều giành thắng lợi vang dội. Điều đáng khâm phục nữa ở Đại tướng là với bản lĩnh và trí tuệ của người cộng sản, chưa bao giờ đồng chí có biểu hiện thỏa mãn, dừng lại, mà luôn quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công, luôn tự đấu tranh, tự đặt câu hỏi với chính mình và với đồng chí đồng đội để tìm ra phương thức tác chiến hiệu quả nhất. Với cương vị Tư lệnh chiến dịch Huế - Đà Nẵng (năm 1975), đồng chí đã chỉ huy các đơn vị đánh tan Quân đoàn 1, Quân khu 1 quân đội Sài Gòn (gồm 10 vạn tên cùng vũ khí, trang bị hiện đại), tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tiếp đó, chớp thời cơ được tạo ra, đồng chí đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách đánh địch trong hành tiến của các binh đoàn chủ lực; trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân và tiến công thần tốc, đưa một đạo quân gồm 40.000 người với hàng nghìn phương tiện, cơ động đánh địch qua hàng trăm ki-lô-mét, đập tan phòng tuyến Phan Rang, áp sát Sài Gòn, chuẩn bị tổng công kích vào sào huyệt của địch. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đảm nhiệm chỉ huy cánh quân phía Đông (gồm 02 quân đoàn) liên tục đột phá kết hợp với thọc sâu, đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đồng chí là người duy nhất hai lần chỉ huy đơn vị cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tại sào huyệt cuối cùng của kẻ thù.
Sau này, trên cương vị cao nhất trong cuộc đời binh nghiệp (Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giai đoạn 1978-1986), từ những kinh nghiệm đúc rút được trong thực tiễn chiến đấu, đồng chí đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương ban hành một số chủ trương chỉ đạo về đường lối quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được đồng chí Lê Trọng Tấn thể hiện ở nhiều nơi, trong thực tiễn chiến đấu và công tác. Trong những năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong một trận đánh ta không thành công, dù không trực tiếp chỉ huy trận đánh, nhưng trước sự tổn thất hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, đồng chí Lê Trọng Tấn đã thẳng thắn nhận trách nhiệm thuộc về mình - Tổng Tham mưu trưởng. Chỉ với hành động nhỏ đó, đồng chí Lê Trọng Tấn đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước toàn quân.
Đại Tướng Lê Trọng Tấn (bên phải) trong chiến dịch Đường 9.
[1] Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự tài giỏi, đức độ, Nxb QĐND, Hà Nội.2010, tr.11.
[2] Đại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2007, tr. 290.
Tấm gương rèn luyện về đạo đức cách mạng, luôn nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình; yêu thương đồng chí, đồng đội và tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả
Đối với Đại tướng Lê Trọng Tấn, đạo đức cách mạng trước hết được biểu hiện ở lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, bền bỉ chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đạo đức đó bắt nguồn từ tình cảm yêu nước cao độ, lòng căm thù giặc sâu sắc và một tinh thần phấn đấu bền bỉ của người chiến sĩ cách mạng. Từ khi ở chiến trường đến khi làm lãnh đạo, chỉ huy hay ở những cương vị cao hơn, đồng chí Lê Trọng Tấn luôn phấn đấu thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Chính sự nêu gương về đạo đức cách mạng được thể hiện sâu sắc qua tác phong công tác và trong cuộc sống thường nhật của đồng chí đã tạo ra sức cảm hóa lớn, khích lệ cán bộ, chiến sĩ hăng hái học tập, tu dưỡng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Lê Trọng Tấn là một trong những người vinh dự được gặp Bác Hồ từ rất sớm và học tập được ở Bác rất nhiều điều, nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình. Trong lần gặp Bác Hồ lần đầu tiên tại Chiến dịch Cao Bắc Lạng (1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng. Các chú chỉ được đánh thắng không được đánh thua. Phải có quyết tâm rất cao, có tinh thần dũng cảm một trăm phần trăm.
Trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1951), mặc dù giành được thắng lợi, nhưng bộ đội ta thương vong khá cao. Là chỉ huy trưởng Đại đoàn 312, đồng chí Lê Trọng Tấn đã nghiêm khắc tự kiểm điểm trong Hội nghị tổng kết của Đại đoàn 312 và tự phê bình trong Hội nghị tổng kết của Bộ. Giữa Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, Bác nói chung với Hội nghị: “Tự phê bình là rửa mặt cho sạch”, rồi Bác gọi đồng chí Lê Trọng Tấn đứng dậy, Bác nói: “Chú Tấn! Chú đã rửa mặt chưa? Mặt có vết nhọ mà không biết rửa thì không sạch. Phê bình và tự phê bình là cách rửa mặt. Sau mỗi trận đánh phải biết phê bình và tự phê bình mới mong tiến bộ”[1]. Đây là bài học quan trọng, luôn được đồng chí Lê Trọng Tấn khắc cốt, ghi tâm. Nhờ luôn phê bình và tự phê bình, đồng chí Lê Trọng Tấn đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm cho từng trận đánh, từng chiến dịch, đảm bảo giành thắng lợi vang dội nhưng hạn chế tối đa thương vong cho cán bộ, chiến sĩ.
Đồng chí Lê Trọng Tấn luôn là người chỉ huy nhân hậu, rất mực yêu thương cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên quan tâm chăm sóc cán bộ, chiến sĩ khi ốm đau; rộng lượng, nâng đỡ khi cán bộ, chiến sĩ phạm sai lầm, khuyết điểm. Đồng chí luôn phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sáu chuẩn mực đạo đức của người làm tướng: Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung. Trên bất kỳ cương vị công tác nào đồng chí cũng luôn được cán bộ, chiến sĩ tin yêu và kính trọng.
Đối với đồng chí Lê Trọng Tấn, xương máu của chiến sĩ là vô giá và luôn thận trọng tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất. Đồng chí đau xót mỗi khi ra trận có những người lính bị thương hay hy sinh; kết thúc tùng trận chiến đấu, đồng chí luôn suy nghĩ và tổ chức rút kinh nghiệm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đồng chí Lê Trọng Tấn… rất mực yêu thương đồng đội, tình nghĩa thủy chung, được nhân dân và quân đội yêu mến tin cậy”[2]. Sau này, mỗi khi có thời gian và điều kiện trở lại chiến trường, đến các nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ, không ít lần, mắt Đại tướng đã đỏ hoe vì xúc động, thương tiếc đồng đội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tư lệnh Chiến dịch Đường 9-Nam Lào Lê Trọng Tấn (ngoài cùng, bên phải) sau chiến thắng tháng 2/1971.
Là một trong những cán bộ trung kiên, xuất sắc của Đảng, của Quân đội, đồng chí Lê Trọng Tấn luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả, hết lòng giúp đỡ sự nghiệp cách mạng Lào, Campuchia. Năm 1949, trên cương vị là Phó Tư lệnh Liên khu 10, đồng chí đã nhiều lần gặp gỡ, tận tình trao đổi với các cán bộ Lào về tình hình và kinh nghiệm hoạt động; bàn bạc với Bạn về phối hợp xây dựng cơ sở và chiến đấu để chuẩn bị cho những bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của hai nước. Đồng chí được Đảng và Quân ủy Trung ương cử sang phối hợp với Bạn trong nhiều chiến dịch lớn, như: Giải phóng Sầm Nưa (năm 1953), chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và chiến dịch Giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1971), góp phần to lớn vào củng cố tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào.
Với Campuchia, trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, đồng chí là người chỉ huy cao nhất của QĐND Việt Nam trực tiếp phối hợp với chính quyền, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang ta đánh bại các hoạt động đánh phá của địch trên tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Với tinh thần quốc tế trong sáng, đứng trước họa diệt chủng đối với nhân dân Campuchia, đồng chí đã dốc nhiều tâm sức, nghiên cứu tình hình, xác định phương pháp tác chiến và tổ chức chỉ huy các lực lượng, phối hợp với Bạn đánh bại hoàn toàn lực lượng phản cách mạng Pôn Pốt - Iêngxari, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và từng bước đưa đất nước Chùa Tháp hồi sinh.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Trọng Tấn là tấm gương sáng của người cộng sản. Tên tuổi, sự nghiệp cùng những chiến công vang dội của đồng chí gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Tấm gương của người chiến sĩ cộng sản Lê Trọng Tấn mãi trường tồn để mỗi chúng ta, nhất là cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và thế hệ trẻ cả nước học tập, noi theo.
- Vì một Việt Nam thịnh vượng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc
- Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn và giấc mơ giải thưởng khoa học 1 triệu USD
- Giải thưởng Bảo Sơn: Tấm lòng cao cả của một doanh nhân
- Phát động Giải thưởng Bảo Sơn tạo động lực cho phát triển
- Louis Palace - Nơi Kết Nối Sự Kiện Và Nghệ Thuật Ẩm Thực 5 Sao
- Dự báo thời tiết 2/4/2024: Miền Bắc và Trung Bộ nắng nóng đỉnh điểm
- Thư Chúc tết Giáp Thìn năm 2024
- Uống rượu ngâm có độc, 2 người đàn ông ở Hà Nội cùng đi cấp cứu ngày cận Tết
- Thủ tướng yêu cầu sáp nhập huyện xã xong trong quý 3