Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Chủ nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024 | 9:16

Các đại biểu Quốc hội ghi nhận quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, song vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo cơ sở vững chắc cho các mục tiêu dài hạn.

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8, sáng 26/10.
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8, sáng 26/10.

Ngày 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành trọn ngày làm việc để tiến hành thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2024 và định hướng kế hoạch năm 2025.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông

Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, Bộ trưởng Giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội Đoàn Điện Biên Nguyễn Văn Thắng ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Ông nhấn mạnh, việc đạt được 15/15 chỉ tiêu, kiểm soát lạm phát tốt và đạt các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định đó là thành quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Bộ trưởng cũng nhìn nhận, tuy nền kinh tế vẫn gặp khó khăn, như doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng việc tăng trưởng thu ngân sách vượt dự toán là một điểm sáng.

Ông bày tỏ sự lạc quan: Đất nước đang trên đà phát triển toàn diện, mang đến nhiều kỳ vọng cho sự phục hồi mạnh mẽ trong các năm tới.

Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững ảnh 1

Bộ trưởng Giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội Đoàn Điện Biên Nguyễn Văn Thắng phát biểu.

Với tư cách là Bộ trưởng Giao thông vận tải, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đã cập nhật thông tin về dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam. Theo ông, dự án này sẽ được trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, nối Hà Nội với Thành phố Hồ Chí Minh qua các tuyến đường sắt chiến lược như Lạng Sơn-Hà Nội, Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ.

Với đoạn Lạng Sơn-Hà Nội đang vận hành đường sắt hiện hữu khổ 1m, ngoài ra có khổ lồng 1,435m, sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục trình Quốc hội nâng cấp.

Vừa qua lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thăm chính thức Trung Quốc, lãnh đạo hai nước đã bàn tăng cường kết nối 2 nước với việc đầu tư cho 3 tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Lạng Sơn-Hà Nội và Hà Nội-Hải Phòng-Móng Cái.

Về phía Bộ Giao thông vận tải đang được giao trách nhiệm triển khai 3 tuyến này, trong đó có tuyến thuộc thành phần đường sắt bắc-nam là Lạng Sơn-Hà Nội, dự kiến đề xuất khai thác khổ tiêu chuẩn chở cả người và hàng, tốc độ khoảng 220km/giờ.

Họp thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao. (Ảnh MINH PHONG)

Tin liên quan

Tìm phương án huy động vốn và nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao

Đối với tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ dài 174km, Bộ đã hoàn thiện báo cáo tiền khả thi và đang trong giai đoạn chuẩn bị trình Quốc hội. Với tổng kinh phí dự kiến 19,8 tỷ USD (tương đương 220 nghìn tỷ đồng), tuyến đường sắt này sẽ khai thác khổ tiêu chuẩn, tốc độ di chuyển lên tới 200km/giờ, giúp rút ngắn thời gian đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền tây còn khoảng 1 tiếng.

Về nâng cấp tuyến cao tốc 2 làn, đại biểu Thắng cho biết, vừa qua Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong nhiệm kỳ này. Cá nhân đại biểu đánh giá trước đây Quốc hội, Chính phủ quyết định triển khai 2 làn là hợp lý, vì thực tế nhiều tuyến trước đây lưu lượng xe thấp, sau một thời gian phát triển thì nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.

Bộ Giao thông vận tải đang nâng cấp các tuyến 2 làn lên 4 làn và một số tuyến 4 làn hạn chế lên đầy đủ và lớn hơn. Hiện Bộ đang làm quyết liệt, một số tuyến đang triển khai đầu tư.

Bộ trưởng Thắng cũng nhấn mạnh, song song với nâng cấp hạ tầng, cần có giải pháp nâng cao ý thức văn hóa giao thông, nhằm giảm thiểu tai nạn.

Ông lưu ý: Hạ tầng giao thông tốt thôi chưa đủ; ý thức của người tham gia giao thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự an toàn và văn minh.

Tránh nguy cơ lãng phí nguồn lực quốc gia

Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững ảnh 3

Đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên.

Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, nhấn mạnh: Nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong năm qua, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết những thách thức trong chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, và phát triển nguồn nhân lực.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặc biệt đánh giá cao những nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đạt và vượt kế hoạch, khẳng định hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tạo nền tảng cho các mục tiêu 5 năm (2021-2026).

 

Bà Yên nhấn mạnh: Ba khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII về thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý tình hình quốc tế còn nhiều biến động khó lường, nhất là xung đột khu vực và cạnh tranh địa chính trị, có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế mở của Việt Nam. Do đó, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo chính xác tình hình và có các phương án ứng phó phù hợp.

Nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Ảnh: BÁO CÔNG THƯƠNG

Tin liên quan

Mong đợi những quyết sách lớn cho nền kinh tế

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nêu rõ những thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô do nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư công. Các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và công nghiệp bán dẫn cần thời gian để phát huy hiệu quả.

Đại biểu Yên đề xuất việc tiếp tục đánh giá nguyên nhân và giải pháp cho những tồn tại này để nền kinh tế có thể bứt phá mạnh mẽ hơn.

Đề cập đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp tại nhiều địa phương, nữ đại biểu bày tỏ quan ngại về nguy cơ lãng phí nguồn lực quốc gia. "Việc có tiền mà không tiêu được, trong khi đây là tiền thuế của dân và tiền vay của Chính phủ, là một sự lãng phí lớn", bà nhấn mạnh.

Bà Yên dẫn lại quan điểm trong bài viết “Chống lãng phí” ngày 16/10 mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác chống lãng phí, nhấn mạnh việc chậm triển khai các quy hoạch quan trọng như Quy hoạch Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 có thể gây ra những hệ lụy cho an ninh năng lượng.

Bà chỉ rõ, hàng loạt dự án điện tái tạo hiện vẫn gặp vướng mắc về thủ tục và chưa được đưa vào khai thác, gây lãng phí lớn nguồn lực tài chính xã hội, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển cũng như quy mô của nền kinh tế, cần được đánh giá xác đáng để có giải pháp giải quyết.

Phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh

Ngoài ra, đại biểu Yên còn chỉ ra tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng đầu năm 2024 chiếm tới 89,7% so với tổng số doanh nghiệp mới gia nhập và tái gia nhập. Bà nhấn mạnh cần có đánh giá sâu sắc về nguyên nhân này, bao gồm cả vấn đề quy hoạch, phát triển hạ tầng ở các vùng trung du và miền núi.

Từ góc độ doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đưa ra ý kiến về những yếu tố tác động tới hoạt động kinh doanh, như nhu cầu thị trường thấp, lãi suất cao và giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.

Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững ảnh 5
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam).

Dù số lượng doanh nghiệp tăng, bà Hiền cho rằng cần quan tâm hơn đến chất lượng của doanh nghiệp, thay vì chỉ tập trung vào số lượng. Bà lưu ý: "Với gần 164 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ cụ thể hơn".

Đề cập đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và bảo hiểm xã hội, đại biểu Hiền nhấn mạnh yêu cầu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ cao, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho người lao động.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI và các yếu tố ngoại lai. Để đạt được sự phục hồi bền vững, ông nhấn mạnh cần xây dựng giải pháp tăng năng lực của các doanh nghiệp trụ cột trong nước.

Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng bền vững ảnh 6

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới, như các sàn giao dịch nước ngoài với mức giá rẻ, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hàng hóa trong nước. Ông Cường đề xuất cần có chính sách kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và hỗ trợ phát triển các sàn thương mại điện tử nội địa.

Cùng với đó, cần xem xét tăng cường năng lực cho các sàn thương mại điện tử trong nước để tránh tạo điều kiện cho hàng hóa nước ngoài tràn vào.

“Hoạt động thương mại điện tử có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài, cần có chính sách gây dựng sàn trong nước. Tôi cho rằng gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số”, đại biểu Cường nêu quan điểm.