Đến lượt Mỹ "lúng túng" trong trừng phạt Nga?

Thứ sáu, ngày 3 tháng 6 năm 2022 | 0:59

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xuất hiện những quan điểm khác biệt trong kế hoạch triển khai trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chia rẽ về mức độ thúc đẩy các lệnh trừng phạt chống lại Nga mà không gây ra bất ổn kinh tế toàn cầu và phá vỡ sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương.

Đội ngũ của ông Joe Biden đang bàn thảo về kế hoạch trừng phạt được triển khai ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU áp lên Nga vừa qua đã cho thấy những thách thức mới trong việc tiếp tục trừng phạt Moscow. Ảnh: DW

Lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU áp lên Nga vừa qua đã cho thấy những thách thức mới trong việc tiếp tục trừng phạt Moscow. Ảnh: DW

Theo nguồn tin này, trong các cuộc thảo luận nội bộ đã xuất hiện những phe phái riêng. Một nhóm, bao gồm giới chức tại Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng, ủng hộ các biện pháp thậm chí nghiêm khắc hơn để đáp trả Nga, và khẳng định sẽ đạt được nhất trí từ các đồng minh. 

Một nhóm quan chức khác, phần lớn thuộc Bộ Tài chính Mỹ, lo lắng về những căng thẳng gia tăng hơn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh, lạm phát, giá dầu biến động và một cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn.

Số khác lo lắng về cuộc bầu cử giữa kỳ và cơ hội của Đảng Dân chủ nếu giá dầu tiếp tục ở mức cao. Họ tranh luận về một cách tiếp cận khác, chưa được thử nghiệm: giới hạn giá dầu cho phép các quốc gia mua năng lượng của Nga trong khi hạn chế thu nhập của Moscow.

Những thách thức càng trở nên trầm trọng hơn khi Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia đến thăm Ấn Độ như một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm tránh để New Delhi xích lại gần Nga. 

Cuộc tranh luận phản ánh những căng thẳng rộng lớn hơn trong liên minh xuyên Đại Tây Dương khi đưa ra những trừng phạt mới với Moscow. Một dấu hiệu về những thách thức sắp xảy ra đã xuất hiện trong những ngày gần đây, khi Liên minh châu Âu đồng ý đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. 

Cho đến nay, sự đoàn kết là đặc điểm nổi trội trong hành động của Mỹ và châu Âu đối với chiến sự tại Ukraine. 

Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin khác cho biết, sự tập trung của Mỹ vào sự thống nhất lớn đến mức Washington thậm chí đã yêu cầu Vương quốc Anh trong những tuần gần đây không theo đuổi trận chiến thương mại với Ireland về vấn đề Bắc Ireland vì sợ rằng trở thành điểm yếu ông Putin có thể khai thác. 

 

 

Nguồn https://kinhtedothi.vn/den-luot-my-lung-tung-trong-trung-phat-nga.html