Dò sóng cổ phiếu công nghệ

Thứ năm, ngày 31 tháng 3 năm 2022 | 11:21

Sau một năm thăng hoa, cổ phiếu ngành công nghệ được kỳ vọng tiếp tục đi lên nhờ xu hướng chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.

Năm 2022, FPT đặt kế hoạch lợi nhuận 7.620 tỷ đồng, tăng trưởng 20%.Nhiều kỳ vọng từ giới đầu tư

Trong câu chuyện chọn cổ phiếu nào để đầu tư ở thời điểm này, anh Nguyễn Hữu Hòa (Hà Nội) cho biết, anh và nhóm bạn đặt nhiều kỳ vọng vào các cổ phiếu FPT, CTR.

“Dò sóng cổ phiếu ngành ở từng thời điểm là thói quen của mỗi nhà đầu tư, nhưng với ngành công nghệ, tôi cho rằng, sóng tăng trưởng sẽ vẫn mạnh”, anh Hòa cho hay.

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số - từng chia sẻ, trong danh mục đầu tư ưa thích của ông có cổ phiếu FPT.

Sau vài phiên điều chỉnh hồi giữa tháng 3, cổ phiếu FPT đã có 6 phiên liên tiếp đi lên. Từ mức giá 91.800 đồng/cổ phiếu phiên 15/3, cổ phiếu FPT đóng cửa phiên 24/3 ở mức 96.500 đồng. Nếu so với mức đáy ngắn hạn 85.300 đồng/cổ phiếu thiết lập vào ngày 24/1/2022, cổ phiếu này đã tăng gần 12%.

Cùng thời gian, cổ phiếu CTR của Công ty cổ phần Công trình Viettel tăng hơn 10%, với mức giá 96.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 24/3 và nằm trong nhóm cổ phiếu ưa thích của nhiều nhà đầu tư. Đây cũng là cổ phiếu được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nắm giữ dài hạn theo xu hướng đầu tư giá trị.

Cổ phiếu CMG của Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC đã lấy lại màu xanh sau đợt điều chỉnh chung của thị trường trong tháng đầu năm. Giá đóng cửa phiên 23/3 đạt 56.300 đồng/cổ phiếu, tăng 51% so với một năm trước.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều rủi ro khó lường, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực công nghệ được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

Quy mô thị trường nội địa của dịch vụ công nghệ thông tin có thể đạt 25 - 30 tỷ USD trong năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm từ 20 - 30%.

Mức chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022. Cập nhật của Gartner vào tháng 10/2021 cho thấy, ước tính chi tiêu cho các trung tâm dữ liệu và dịch vụ công nghệ thông tin lên 2% trong năm 2022. Còn tại Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông cho hay, quy mô thị trường nội địa của dịch vụ công nghệ thông tin có thể đạt 25 - 30 tỷ USD trong năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 20 - 30%.

Nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cũng đánh giá cao triển vọng của nhóm cổ phiếu ngành công nghệ. Theo đó, năm 2022, ngành công nghệ và viễn thông tăng trưởng tích cực nhờ xu hướng chuyển đổi số tiếp diễn và đầu tư vào giao thông thông minh của Chính phủ. Mạng 5G cũng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành viễn thông.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi lớn

Hoạt động của doanh nghiệp cũng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm ngay từ đầu năm. Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu đạt 42.420 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận 7.620 tỷ đồng, tăng 20%.

Trong khi đó, Chứng khoán SSI dự phóng mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu FPT năm 2022 là 24% và hệ số P/E năm 2022 là 17,7 lần. Đây là mức tăng trưởng vượt trội so với các công ty cùng ngành (khả năng đạt mức tăng trưởng EPS năm 2022 là 13,7% và P/E dự phóng là 21,3 lần).

Từ phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình cho hay, bước sang năm 2022, với việc dự đoán sức tăng trưởng mạnh mẽ của chuyển đổi số toàn cầu ở mức 16% (đạt 2.400 tỷ USD năm 2024), cùng nhu cầu áp dụng công nghệ điện toán đám mây trong quản trị sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới, FPT tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng 20,2% về lợi nhuận trước thuế, đạt 7.618 tỷ đồng.

Chiến lược phát triển năm 2022 của FPT vẫn tiếp tục dựa trên vận hành bằng dữ liệu, với các giải pháp đột phá trong công nghệ.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã CMG), ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng chia sẻ, mục tiêu của CMC trong vòng 5 năm tới là trở thành tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu, cung cấp dịch vụ về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh thu đạt tỷ USD vào năm 2025.

Xu hướng chuyển đổi số và đầu tư công vào giao thông thông minh sẽ có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ. Ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc, xu hướng chuyển đổi số vẫn sẽ tiếp tục tại Việt Nam và thế giới. Nhu cầu chuyển đổi số của khách hàng vẫn sẽ tích cực, trong khi Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh số hóa và hỗ trợ các sản phẩm “Make in Việt Nam”, giúp các doanh nghiệp công nghệ nội địa như CMC hưởng lợi.

Còn tại CTR, vị thế dẫn đầu thị trường của Tập đoàn Viettel sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính của Công ty trong mảng xây dựng viễn thông, vận hành cơ sở hạ tầng viễn thông và cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông. Tập đoàn Viettel đang có kế hoạch vùng phủ sóng BTS 5G trong tương lai và rõ ràng CTR – thành viên của Viettel – có lợi thế hơn hẳn trong việc nhận thầu mảng này so với các công ty cùng ngành.

SSI dự phóng, tăng trưởng EPS của CTR trong hai năm 2022-2023 từ 18,9 - 31,4%, so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là từ 20,3 - 24,2%.

Mặt khác, do tỷ lệ đóng góp của mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông tăng lên, biên lợi nhuận gộp của CTR có thể cải thiện từ 7,9% trong năm 2021 lên 9,7% trong năm 2023, thậm chí cao hơn trong tương lai, phần lớn là do tỷ trọng cao hơn nhiều từ mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông. Mảng này có thể chiếm khoảng 35% dự báo lợi nhuận gộp năm 2023 so với 15% trong năm 2021.

Năm 2022, CTR đặt kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng, tăng 34% so với mức thực hiện năm 2021. Mục tiêu của Công ty là năm 2023, doanh thu đạt 12.198 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm nay, Công ty ghi nhận doanh thu 1.330 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 74,3 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 24% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một xu hướng khác cần chú ý là nhu cầu đầu tư công vào giao thông thông minh (ITS) kỳ vọng được đẩy mạnh trong năm 2022.

BSC nhận định, ITS tại 12 tuyến đường thuộc cao tốc Bắc - Nam với quy mô trung bình 200 - 300 tỷ đồng/gói và ITS nội đô với quy mô trung bình 100 - 200 tỷ đồng/gói sẽ là động lực chính giúp các doanh nghiệp trong thị trường ngách này được hưởng lợi như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ điện tử viễn thông (mã ELC), Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (mã ITD). Nhóm này sẽ hưởng lợi khi các gói thầu bắt đầu đấu trong quý I và quý II năm nay.

BSC tiếp tục duy trì quan điểm khả quan với cổ phiếu ngành công nghệ.

Nguồn TNCK
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/do-song-co-phieu-cong-nghe-post293943.html