Luật hóa hành vi thao túng chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư

Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024 | 16:34

Một trong những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán là việc có thêm các quy định “siết chặt” hơn để bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao chất lượng thị trường. Thời gian qua, có những nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư chỉ giao dịch 1 hoặc một số ngày nhưng đó là hành vi cố ý tác động đến giá đóng cửa hoặc mở cửa cho loại chứng khoán đó trên thị trường. Vì vậy, cần thiết luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Luật hóa hành vi thao túng chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư
Hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ được luật hóa. Ảnh minh họa

Bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Chứng khoán được đánh giá là cần thiết để đảm bảo cho thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, ngăn chặn hành vi gian lận, tạo điều kiện cho TTCK phát triển bền vững.

Phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi thao túng

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững, công khai, minh bạch, an toàn của thị trường chứng khoán mà nó còn gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư, làm cản trở việc xác định giá trị doanh nghiệp. Do đó, việc luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi thao túng thị trường.

Theo Bộ Tài chính, Luật Chứng khoán đã tạo khung khổ pháp lý cao nhất, tương đối đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và điều chỉnh toàn diện hoạt động chứng khoán và TTCK. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán chưa quy định cụ thể trách nhiệm đầy đủ các chủ thể là tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo; tiếp nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo; tổ chức tư vấn hồ sơ; tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên được chấp thuận ký báo cáo kiểm toán… Việc này dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân chưa ý thức được trách nhiệm của mình, làm ảnh hưởng đến chất lượng của thông tin cung cấp cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước mất nhiều thời gian xem xét, xử lý hồ sơ chào bán, ảnh hưởng đến tiến độ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, về hành vi thao túng TTCK, cơ quan soạn thảo cho biết, việc sửa đổi quy định nhằm đảm bảo quy định thống nhất giữa Luật Chứng khoán 2019 và Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017 trong mô tả hành vi được coi là thao túng TTCK, đảm bảo hiệu lực pháp lý cao hơn (quy định tại Luật thay vì tại Nghị định) trong xử lý hành vi thao túng.

Ngoài ra, thông qua công tác giám sát, kiểm tra giao dịch trên TTCK Việt Nam thời gian qua, có những nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư chỉ giao dịch 1 hoặc một số ngày (có thể không liên tục) nhưng đó là hành vi cố ý tác động đến giá đóng cửa hoặc mở cửa cho loại chứng khoán đó. Vì vậy, cần thiết luật hóa quy định về hành vi thao túng tại Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để đảm bảo phù hợp với các hành vi thực tế diễn ra trên TTCK Việt Nam hiện nay.

Vì vậy, tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, ban soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 12 (các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK).

Luật hóa quy định về hành vi thao túng TTCK từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP bao gồm cụ thể các hành vi như mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự…

Hướng tới mục tiêu lâu dài

Nhiều ý kiến cho rằng, việc luật hoá những quy định hành vi thao túng thị trường đã được quy định trước đó tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP là cần thiết để khắc phục những tiêu cực, hạn chế, bất cập phát sinh của thị trường.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều vụ việc xảy ra, gây ảnh hưởng cho các nhà đầu tư. Rõ ràng nhất là những hành vi này thường xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, có độ rủi ro cao và tính đầu cơ cao. Do đó, với lượng giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khá lớn giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường, việc bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại trên thị trường.

Theo ông Thế Minh những quy định được đưa ra trong dự thảo Luật Chứng khoán sẽ góp phần nâng cao chất lượng của hàng hóa niêm yết, đồng thời tăng chất lượng của nhà đầu tư hướng tới mục tiêu lâu dài phát triển thị trường minh bạch, bền vững hơn và giữ chân được nhà đầu tư lâu hơn.

Còn ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi một số điều nhằm hoàn thiện thêm các quy định của pháp luật chứng khoán trong việc xác định rõ các hành vi bị cấm, kiểm soát các hoạt động thao túng trên TTCK là một việc rất cần thiết. Trước đây các quy định về thao túng TTCK còn chưa được cụ thể, khiến quá trình điều tra và xác định rõ hành vi thao túng trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi khoảng cách giữa việc cá nhân đầu tư giao dịch hàng ngày với hành vi giao dịch chéo kiểm soát giá cổ phiếu và thao túng TTCK là khá mong manh. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu lực của pháp luật thì các quy định cụ thể hơn sẽ giúp việc xử lý các hành vi vi phạm được hiệu quả và rõ ràng hơn./.