Doanh nghiệp cần làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc?
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là cơ hội lớn cho các DN trong nước. Tuy nhiên, để xuất khẩu nông sản thuận lợi sang thị trường hơn 1,4 tỷ người này, DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước bạn.
Sáng 10/2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc. Tham dự Diễn đàn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT; sở NN&PTNT, Công Thương các tỉnh, TP; các hiệp hội, DN xuất khẩu…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, ngày 8/1, Trung Quốc đã chính thức mở cửa trở lại thị trường nhập khẩu. Đây là tin vui cho các DN xuất khẩu sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện, DN đã kết nối trở lại hợp tác và xuất nhập khẩu các mặt hàng. Mỗi ngày tại cửa khẩu Lào Cai có 500 xe qua lại, còn cửa khẩu Lạng Sơn là 800 xe. Lưu lượng xe đang ngày một tăng.
Trong năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn đạt 14,2 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Việt Nam - Trung Quốc luôn xác định là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Thời gian qua, hai bên đã có nhiều chương trình hợp tác, phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Về phía Bộ NN&PTNT, cũng thường xuyên thông tin các quy định xuất nhập khẩu sang Trung Quốc để các DN trong nước nhận biết, thực hiện.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin thêm, hiện Bộ NN&PTNT đã cấp hơn 5.300 mã số vùng trồng, trong đó riêng Trung Quốc là hơn 2.000 mã số. Bộ cũng đang tập trung phát triển mạnh các vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến để phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiên túc các yêu cầu của Trung Quốc để chuyển dịch dần xuất khẩu nông sản sang hướng chính ngạch…
Thông tin tại Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn, cho biết Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thương mại số 1 đối với nhiều loại mặt hàng. Tỷ trọng xuất khẩu một số nông sản Việt sang Trung Quốc cụ thể: 53,7% rau củ; 90% vải thiều, 80% thanh long; 91,5% sắn và các sản phẩm từ sắn; 71% cao su…
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc năm 2022 đạt 14,2 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021.
Theo ông Sơn, thời gian qua, Trung Quốc đã có nhiều thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu, như ban hành Lệnh 248, 249 (năm 2021), ngoài ra còn Lệnh 259 (2022) - có tác động ít hơn nhưng cũng cần lưu ý. Đại diện Vụ thị trường châu Á - châu Phi cũng cho rằng chính sách của Trung Quốc là nhất quán chứ không như nhiều người vẫn nghĩ, dù lâu nay chính quyền địa phương biên giới Trung Quốc thường "linh hoạt" cho nhập khẩu tiểu ngạch.
Về định hướng, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng, cần nhận thức Trung Quốc là thị trường có đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm. Từ đó, các DN trong nước cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính ngạch; hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao; giảm mức độ phụ thuộc.
Đối với DN, đại diện Vụ thị trường châu Á - châu Phi khuyến cáo cần chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói; tận dụng tuyến đường sắt vận tải Việt Nam - Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua thương mại điện tử; tăng cường công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu.
Chia sẻ tại Diễn đàn, nhiều đại biểu, đại diện hiệp hội, DN đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong việc đăng ký DN xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến; đẩy nhanh đàm phán về quản lý chất lượng để tăng thêm số lượng trái cây và mặt hàng thuỷ sản được xuất khẩu chính ngạch...
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/
- Từ 20/11, áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 13/11/2024: Một nhà băng tăng mạnh, cán mốc 6%/năm
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 11/11/2024: Agribank 'vô địch' nhóm Big4 kỳ hạn ngắn
- Những cam kết chính sách của ông Trump sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam ra sao?
- Fed tiếp tục giảm lãi suất, giá vàng tăng vọt trở lại, chứng khoán lập đỉnh
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 7/11/2024: Ngân hàng Big4 liên tục tăng lãi huy động
- Hơn 1,2 triệu tỷ trong Quỹ BHXH: Là số dư sổ sách, không phải tiền ở tài khoản
- Giá USD ngân hàng diễn biến trái chiều
- Giá USD ngân hàng và USD tự do hôm nay tăng trở lại