Đổi mới hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Thông qua hoạt động TVPB&GĐXH, VUSTA đã góp phần tham mưu, tư vấn đối với cơ quan Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án quan trọng.
Ngày 24/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo 'Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2024 của VUSTA và các Hội thành viên'.
Tham mưu, tư vấn nhiều quyết sách quan trọng của đất nước
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) nội dung được Đảng và Nhà nước giao cho VUSTA tại Quyết định số 14 ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ quan trọng chủ yếu của VUSTA. Thông qua hoạt động này, VUSTA đã góp phần tham mưu, tư vấn đối với cơ quan Đảng và Nhà nước về các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án quan trọng.
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo,
Sau 10 năm triển khai Quyết định số 14, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của VUSTA và các hội thành viên đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng đi vào nề nếp và luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đội ngũ trí thức đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước. Thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, VUSTA và các hội thành viên đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia đa ngành, đa lĩnh vực.
Để đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của VUSTA và các hội thành viên theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về 'Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới', VUSTA xác định đổi mới hoạt động TVPB&GĐXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 45.
'Thông qua Hội thảo, VUSTA mong muốn nhận được những kiến nghị, đề xuất định hướng đổi nội dung, phương thức hoạt động TVPB&GĐXH trong thời gian tới', Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói.
Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp hội Việt Nam) Bùi Kim Tuyến.
Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội VUSTA Bùi Kim Tuyến cho hay, trong giai đoạn 2021-2024, mỗi năm VUSTA góp ý khoảng 10-15 dự thảo chủ trương, chính sách, đề án, dự án quan trọng theo đề nghị của các cơ quan Trung ương, Bộ ngành; đồng thời, chủ động tổ chức khoảng 10-12 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội có tính thời sự cao, tác động đến cộng đồng xã hội, hoặc trí thức quan tâm, nhất là các vấn đề về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các vấn đề về công tác trí thức.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn do các nhiệm vụ thường có khối lượng tài liệu lớn, nội dung mới và phức tạp, thời gian thực hiện ngắn, chế độ chưa tương xứng. Một số vấn đề tư liệu, tài liệu không đầy đủ, đã ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn, phản biện. Việc đặt hàng của cơ quan Đảng và nhà nước chưa gắn với các điều kiện như kinh phí và các điều kiện khác, khiến cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các hội, nhất là các hội chuyên ngành gặp khó khăn và bị động. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học còn có tâm lý e ngại, nể nang nên tiếng nói phản biện của VUSTA và các hội thành viên còn chưa mạnh mẽ...
Đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng TVPB&GĐXH củaVUSTA và các hội thành viên, bà Tuyến nhấn mạnh, các hoạt động TVPB&GĐXH cần được triển khai giống như định mức chi của hội thảo, hội nghị, tọa đàm KH&CN, vì bản chất, các hoạt động đóng góp ý kiến đều thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tọa đàm.
Hoạt động TVPB&GĐXH được coi như 'quả đấm thép'
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện VUSTA ở địa phương tập trung đóng góp ý kiến, đề xuất một số giải pháp để tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của cả hệ thống từ Trung ương đến Liên hiệp hội địa phương phù hợp với tình hình phát triển đất nước hiện nay. Theo đó, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho những Liên hiệp Hội ở các địa phương hoạt động tích cực, chất lượng tốt và có đủ các điều kiện, nguồn lực qua đó lan tỏa hoạt động của VUSTA, đóng góp bằng những hành động thiết thực với địa phương.
Chủ tịch LHH tỉnh Phú Thọ Hồ Đình Lưỡng.
Chủ tịch LHH tỉnh Phú Thọ Hồ Đình Lưỡng cho hay, trong những năm qua, Liên hiệp hội Phú Thọ luôn xác định hoạt động TVPB&GĐXH là một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, được ví như 'quả đấm thép' và là hoạt động để khẳng định vị trí, vai trò, năng lực, uy tín của Liên hiệp hội trong hệ thống chính trị.
Đồng thời cũng là hoạt động quy tụ, tập hợp đội ngũ trí thức, là sân chơi, diễn đàn trí tuệ để trí thức Đất Tổ thể hiện tâm huyết, trách nhiệm tham gia đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội thảo.
Tính đến hết tháng 12/2024, cả hệ thống Liên hiệp hội tỉnh Phú Thọ đã phối hợp triển khai 01 đề tài TVPB&GĐXH được VUSTA giao; thực hiện trên 50 nhiệm vụ TVPB&GĐXH và góp ý gần 300 lượt văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Lưỡng đề nghị, VUSTA cần nghiên cứu để tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động TVPB&GĐXH của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương phù hợp với tình hình phát triển đất nước hiện nay.
Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động TVPBGĐXH cho những Liên hiệp hội địa phương hoạt động tích cực, chất lượng tốt và có đủ các điều kiện, nguồn lực để tổ chức thực hiện những nhiệm vụ TVPB&GĐXH lớn, thiết thực đối với địa phương, xã hội để tạo sự lan tỏa về vai trò, vị trí của VUSTA đối với Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong bối cảnh đặc biệt, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần đổi mới cả về nội dung và hình thức. Việc đổi mới này đòi hỏi tư duy phát triển cũng như đổi mới trong xây dựng chính sách pháp luật. Do đó, những kiến nghị sửa đổi Quyết định số 14 là cần thiết. Theo đó, cần xác định địa vị pháp lý của VUSTA và các hội thành viên trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, VUSTA và các hội thành viên cần đánh giá sâu hơn, kỹ lưỡng hơn những tồn tại, hạn chế của Quyết định số 14 bằng những số liệu, phân tích cụ thể. Điều này đòi hỏi VUSTA và các hội thành viên phải có những cuộc làm việc với một số Bộ ngành liên quan để tạo được sự đồng thuận trong cách thức thực hiện, sửa đổi Quyết định số 14, đưa ra phương hướng cụ thể. Bên cạnh đó, cần nêu rõ vai trò, trách nhiệm, cơ sở pháp lý của các cơ quan, Bộ ngành trong xây dựng chính sách.
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Phản biện xã hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi
- Giám sát thường xuyên phải hiệu quả
- Để giám sát, phản biện xã hội trở thành thương hiệu của Mặt trận
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá
- Thực hiện tốt phương châm "vì việc tìm người
- Hà Nội nhận diện 18 biểu hiện vi phạm dân chủ trong công tác quy hoạch; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
- Củng cố sức mạnh của Đảng từ mỗi "tế bào"