Đột phá trong ghép tạng, kỳ tích mới đáng tự hào của bác sĩ Việt Nam

Thứ tư, ngày 1 tháng 1 năm 2025 | 13:39

Năm 2024 khép lại với những thành tựu y khoa đáng tự hào của thầy thuốc Việt Nam với các đột phá trong điều trị kỹ thuật cao, điển hình là ghép tạng.

Tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025, Bộ Y tế đánh giá một trong những kết quả nổi bật trong công nghệ y tế đạt được là thầy thuốc Việt đã làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt ghép tạng được "điểm danh" đầu tiên.

"Việt Nam làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng được đánh giá ngang tầm với các nước có nền y học tiên tiến, phát triển", Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đánh giá.

Theo Bộ trưởng, đây là những đột phá trong phát triển kỹ thuật y học chuyên sâu, thể hiện trình độ, năng lực của các y, bác sĩ nước nhà trên bản đồ y khoa thế giới.

Việt Nam hiện đứng đầu khu vực Đông Nam Á về ghép tạng. Bộ Y tế cho biết, từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, đến nay cả nước có hơn 9.300 ca được thực hiện, trong đó hơn 8.500 ca ghép thận, hơn 660 ca ghép gan, gần 100 ca ghép tim, 12 ca ghép phổi, đặc biệt là 1 ca ghép tim - gan. 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chia sẻ ca ghép tim - gan đồng thời này là thành tựu đáng tự hào nhất trong năm 2024. 

Trước đây, chúng ta đã có 2 ca ghép rồi và đây là ca thứ 3 nhưng khó hơn vì ghép cùng lúc cả gan và tim. Chúng tôi là người ngoài cuộc nhưng nghe kể đã cảm thấy rất tự hào. Thành tựu rất đáng tự hào rồi nhưng bác sĩ phải có tâm và phải khéo tay thế nào mới làm được trên bộ phận nhỏ và nhạy cảm như vậy.Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025

Ghép đồng thời tim - gan cho người bệnh giai đoạn cuối rất nặng

Ca ghép 2 tạng tim - gan trên cùng 1 người được Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề cập trên đây, do Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện vào ngày 1/10/2024.

Người được nhận tạng là anh Đ.V.H (41 tuổi) bị phát hiện bệnh cơ tim giãn, chức năng tim suy giảm theo thời gian, gan, thận và các tạng khác cũng suy giảm. Sự sống của anh H. được tính theo ngày, duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo thay chức năng tim, lọc gan thay chức năng gan.

Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh lúc này là thay thế đồng thời tim và gan, dù việc ghép không hề đơn giản bởi bệnh nhân giai đoạn cuối quá nặng, nếu chỉ ghép tim, bệnh nhân khó có cơ hội sống tiếp vì gan suy.

phut mac niem nguoi hien tang 25034.jpg

Các thầy thuốc dành phút mặc niệm tri ân người chết não hiến tạng tại Nghệ An. Ảnh: BVCC

Nhờ nguồn tạng được một người bệnh chấn thương sọ não nặng hiến tại Nghệ An, anh H. đã được ghép tim - gan đồng thời. Sau 8 tiếng phẫu thuật, trái tim ghép đã bắt đầu đập trở lại. Sau ghép 36 tiếng, các chức năng gan – tim hồi phục dần. Đến chiều 5/10, bệnh nhân H. được rút ống nội khí quản, bắt đầu tự tập thở, các chức năng dần trở lại bình thường.

Kỳ tích ghép đa tạng đồng thời được Bộ Y tế đánh giá là 1 trong 10 sự kiện y khoa tiêu biểu năm 2024.

Việt Nam hiện có 28 bệnh viện đủ điều kiện, được Bộ Y tế cấp phép ghép tạng. Mạng lưới bệnh viện được đào tạo về vận động hiến tạng, đánh giá chết não được mở rộng ra 85 địa chỉ (riêng năm 2024 có khoảng 190 ca được chẩn đoán chết não, gấp gần 6 lần năm ngoái).

Kỷ lục về con số và tỷ lệ người được ghép tạng từ nguồn cho chết não

Theo Bộ Y tế, công tác vận động hiến máu, mô tạng, nhất là người cho chết não có nhiều điểm tích cực, số người hiến mô tạng tăng vượt trội so với năm 2023.

Năm 2023, cả nước chỉ có 14 ca chết não hiến mô, tạng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 25 ca chết não hiến mô tạng, là nguồn hiến quý báu giúp 87 người hồi sinh sự sống. Tỷ lệ ca ghép tạng từ nguồn cho chết não trong 3 quý đầu năm đạt 10,5% - cao nhất thời điểm đó bởi trước đây, mỗi năm chỉ khoảng 10-11 ca chết não hiến tạng (tỷ lệ 5-6%).

Cập nhật mới nhất, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ năm 2024, số ca chết não hiến tạng tăng lên 39 trường hợp, thiết lập kỷ lục mới chưa từng có trong lịch sử.

ghep tang 2.jpg

Năm 2024, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) lần đầu có bệnh nhân chết não hiến tạng. Đó là chàng trai 18 tuổi (quê An Giang). 7 người khác tại 3 miền Tổ quốc (trong đó có em bé 3 tuổi) được cứu sống bởi tạng của chàng trai này. Ảnh: BVCC

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho hay nhờ số ca hiến tạng chết não tăng kỷ lục, tỷ lệ tạng ghép từ nguồn hiến này tăng lên 12%.

Bà Tiến chia sẻ trên thế giới, tỷ lệ người hiến chết não trung bình chiếm khoảng 60% số ca ghép. Ở một số nước, tỷ lệ này có thể hơn 90%. So với thế giới, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước thấp nhất thế giới về tỷ lệ này.

Dẫu vậy, việc liên tục lập kỷ lục về số ca chết não hiến tạng phản ánh sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân Việt Nam về ý nghĩa nhân văn của việc hiến tạng sau khi qua đời. 

Những con số ấn tượng cũng là thành quả của nỗ lực không ngừng của cán bộ y tế, các địa phương, tổ chức vận động trong việc tìm kiếm thêm cơ hội nối dài sự sống của nhiều người bệnh hiểm nghèo... Bởi nhờ nguồn tạng từ người cho chết não, "một ngọn nến tắt đi, nhiều cuộc đời đã được thắp sáng"...

Cùng với hàng loạt ca ghép tạng phức tạp hồi sinh sự sống cho nhiều bệnh nhân, phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng với tên gọi “Cho đi là còn mãi”, sau lời kêu gọi phát động và trực tiếp đăng ký của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã lan rộng trong xã hội và trở thành nghĩa cử cao đẹp được nhân dân hưởng ứng.