Gần thập kỷ tranh chấp và con đường đổ dốc của Eximbank

Thứ tư, ngày 16 tháng 2 năm 2022 | 8:44

Cuộc chiến quyền lực kéo dài cả thập kỷ tại Eximbank đã khiến hàng chục nghìn tỷ bị tắc nghẽn, cổ đông mắc kẹt. Nút thắt tại Eximbank kỳ vọng sẽ được nới ra sau động thái dứt khoát của cổ đông chiến lược ngoại.

Một thập kỷ lao dốc

Cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) vào hôm nay 15/2 có thể là một bước ngoặt đối với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) sau một thập kỷ căng thẳng, tranh chấp quyền lực, kéo một ngân hàng thuộc top đầu lao dốc.

Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank kéo dài gần một thập kỷ nhưng lên cao trào trong 3 năm qua, khi mà các lần đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) đều không thể tổ chức do các bên không tìm được tiếng nói chung.

ĐHĐCĐ bất thường năm 2019 kéo dài cho đến giờ vẫn chưa thể tổ chức thành công, sau đó Eximbank đã 3 lần trì hoãn. Trong 5 năm qua, ngân hàng này chỉ thành công một lần duy nhất  là ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Nhưng kết quả của đại hội sau đó cũng nhanh chóng biến thành mây khói.

Eximbank trở thành ngân hàng lạ lùng nhất Việt Nam khi nhiều thời điểm không có tổng giám đốc (TGĐ), còn chủ tịch thì bay chức sau vài giờ đồng hồ. Mười năm tranh giành giữa các nhóm cổ đông khiến hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mắc kẹt không thể chia nhau.

Cuộc chiến giành quyền lực tại Eximbank khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng bất ổn trong gần một thập kỷ qua, tài sản sụt giảm mạnh, ngân hàng bị tụt lại trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác bứt phá mạnh mẽ. Từ một ngân hàng thuộc top đầu, Eximbank rớt sâu xuống nhóm thứ 2.

Gần thập kỷ tranh chấp và con đường đổ dốc của Eximbank
Thập kỷ tranh chấp và lộ trình đổ dốc tại Eximbank

Do không tổ chức ĐHĐCĐ 3 năm liền nên Eximbank chưa báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018, kế hoạch năm 2019, 2020 và một số nội dung khác. Giờ đây, kết quả 2019 cũng như kế hoạch 2020 và 2021 cũng chưa thể được đại hội thông qua.

Vấn đề nóng nhất vẫn là tranh chấp chiếc ghế chủ tịch ở Eximbank.

Tranh chấp tại Eximbank bùng nổ dữ dội từ ngày 22/3/2019 sau khi 7 thành viên HĐQT Eximbank họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc, dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ. Bà Tú từng là TGĐ NamABank. Bà vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.

Ông Lê Minh Quốc sau đó đã có đơn kiện và Tòa án TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, ông Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT.

Ông Cao Xuân Ninh sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank, thay cho hai nhân vật đối đầu trong cuộc chiến tranh giành chiếc ghế quyền lực nhất tại nhà băng này.

Trong khi đó, chiếc ghế TGĐ bị bỏ trống. Hồi tháng 4/2018, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh vào Phó TGĐ của Eximbank. Tháng 5/2019, ông Vinh được bổ nhiệm quyền TGĐ Eximbank sau khi TGĐ trước đó là ông Lê Văn Quyết hết hạn hợp đồng và không được tái bổ nhiệm.

HĐQT Eximbank cũng từng có nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh làm TGĐ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã không phê chuẩn do Nghị quyết bầu do hồ sơ trình lên không hợp lệ.

Ngày 25/6/2020, Eximbank đã họp và thống nhất bầu ông Yasuhiro Saitoh - khi đó giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT - đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT, thay ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Tuy nhiên, ngay trước thềm ĐHCĐ hôm 30/6/2020, nhóm cổ đông lớn SMBC đã yêu cầu bãi nhiệm ông Yasuhiro Saitoh. Theo SMBC, tổ chức này đã chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý với ông Yasuhiro Saitoh kể từ 18/5/2019 nên ông này không đủ tư cách đại diện SMBC tham gia các chức vụ ở Eximbank

Hôm 13/4/2021, sóng gió lại nổi lên ở thượng tầng Eximbank, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ có hai quyết định bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT với nội dung trái ngược nhau.

Theo Nghị quyết số 156/2021/EIB/NQ-HĐQT ngày 13/4/2021, HĐQT Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh. Đồng thời, ngân hàng thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh này để chủ tọa cuộc họp HĐQT ngày 13/4/2021 đối với các nội dung tiếp theo cho đến khi HĐQT bầu được nhân sự mới. HĐQT cũng giao ông Thông thay mặt HĐQT ký nghị quyết.

Cổ đông Nhật rút lui, mở ra cơ hội chấm dứt cuộc chiến

HĐQT Eximbank (EIB) vừa có Nghị quyết về việc chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh với cổ đông Nhật Bản SMBC, theo đề nghị của SMBC tại văn bản ngày 5/1/2022.

Như vậy, tin đồn SMBC thoái vốn khỏi Eximbank đã thành hiện thực. Trước đó, SMBC mua lại 49% vốn FECredit, công ty tài chính của VPBank và được đánh giá là có thể trở thành cổ đông chiến lược của VPBank.

Gần thập kỷ tranh chấp và con đường đổ dốc của Eximbank
Cổ đông ngoại SMBC rút khỏi Eximbank.

SMBC là cổ đông lớn nhất tại Eximbank, với tỷ lệ nắm giữ lên tới 15% cổ phần ngân hàng này. Cổ đông Nhật kỳ vọng rất lớn vào ngân hàng này. Tuy nhiên, Eximbank đã chìm sâu trong nhiều năm qua do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông lớn với nhiều lần đại hội cổ đông bất thành.

Cùng với sự rút lui của SMBC, nhiều khả năng cán cân quyền lực tại Eximbank sẽ thay đổi. Cuộc chiến kéo dài gần một thập kỷ tại Eximbank có thể sắp kết thúc nếu số cổ phần 15% của SMBC được chuyển nhượng sang một bên nào đó và chấm dứt sự giằng co bất phân thắng bại giữa các nhóm cổ đông tại ngân hàng này.

Gần đây, cổ phiếu Eximbank tăng mạnh kỳ vọng thay đổi ở thượng tầng và có thể hưởng lợi từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước. EIB có những chuỗi tăng trần nhiều phiên liên tiếp, hơn gấp rưỡi trong vòng 3 tháng, lên mức đỉnh cao lịch sử. Giá cổ phiếu EIB tăng cao cũng giúp việc thoái vốn của SMBC dễ dàng hơn.

Hiện, các nhà đầu tư ngoại sở hữu 29,7% vốn của Eximbank. Bên cạnh SMBC còn có VinaCapital và quỹ thuộc Mirae Asset.

Ngày 15/2 tới, Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021 lần thứ hai với nội dung quan trọng là bầu lại thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025. Phiên họp này cũng sẽ trình bày lại báo cáo hoạt động từ năm 2018-2020 do chưa được thông qua trước đó. Đại hội lần này diễn ra tại TP.HCM, sau khi tổ chức bất thành tại Hà Nội vào năm ngoái.

ĐHCĐ của Eximbank thành công hay không vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bước ngoặt SMBC rút lui có thể mở ra cơ hội mới cho việc chấm dứt cuộc chiến vương quyền kéo dài tại Eximbank.

Mâu thuân nội bộ khiến Eximbank kinh doanh sa sút. Trong khi hàng loạt ngân hàng báo lãi kỷ lục trong năm 2021 thì Eximbank chỉ lãi trước thuế hơn 1.200 tỷ đồng, giảm 10% và không hoàn thành mục tiêu. Năm 2022, Eximbank lên kế hoạch đạt mức lãi trước thuế 2.500 tỷ đồng.

Nguồn Vietnamnet.vn

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/thap-ky-tranh-chap-va-lo-trinh-do-doc-tai-eximbank-814662.html