Gắng gượng vượt khó cả năm, đừng 'thăm gọi tài trợ' dịp Tết
Câu chuyện văn phòng cấp huyện ở Bình Dương xin doanh nghiệp 500 triệu đồng đón Tết dù đã bị yêu cầu trả lại nhưng hy vọng đây là trường hợp hãn hữu. Với một năm gắng gượng, khó khăn, đừng "thăm gọi tài trợ" dịp Tết.
Đọc bài báo về việc Văn phòng HĐND-UBND TP (tỉnh Bình Dương) gửi thư vận động doanh nghiệp đóng góp tiền Tết tôi thấy ngậm ngùi.
Chính quyền TP Thuận An (Bình Dương) sau đó đã phản ứng kịp thời, thu hồi văn bản của Văn phòng HĐND-UBND TP có nội dung xin doanh nghiệp 500 triệu đồng đón Tết, cùng với yêu cầu đơn vị liên quan phải kiểm điểm trách nhiệm. Hy vọng đây là trường hợp việc rất hãn hữu chứ không phải là trường hợp phổ biến ở Bình Dương hay nhiều địa phương khác.
Trong bối cảnh sau tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang gắng gượng để tồn tại. Cũng có nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giảm doanh thu, thiếu nguồn tiền, bị mất đơn hàng nhưng vẫn phải chật vật đảm bảo tiền trả lương cho người lao động, giữ chân người lao động và đảm bảo được việc làm.
Thời điểm cuối năm luôn có áp lực lớn về tiền lương, tiền thưởng, các khoản nợ… Và thời điểm cuối năm lại có những sức ép không tên đang đè nặng lên nhiều chủ doanh nghiệp như trường hợp ở Bình Dương trên.
TP Thuận An đã chỉ đạo thu hồi văn bản có nội dung xin doanh nghiệp 500 triệu đón Tết, và yêu cầu trả lại số tiền này |
Có chủ doanh nghiệp kể với tôi rằng gần Tết là giai đoạn họ buộc phải tắt điện thoại để tránh những cú điện thoại không mong muốn. Chính quyền nhiều cấp gọi điện “thăm hỏi”, vận động doanh nghiệp tài trợ, kêu gọi hỗ trợ các chương trình ở địa phương.
Dù là tự nguyện nhưng thật khó từ chối khi doanh nghiệp chịu nhiều ràng buộc và có nhiều mối quan hệ phải duy trì tại địa phương. Làm ăn tại địa phương nên từ chỗ để xe ở vỉa hè, đảm bảo an ninh trật tự, các thủ tục giấy tờ khác nhau đều cậy nhờ chính quyền địa phương.
Trong nhiều cuộc họp thảo luận về chương trình hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp tôi luôn cho rằng điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay là hỗ trợ giảm chi phí. Có lẽ cần tổng thể một gói hỗ trợ về chi phí. Đây chính là điều doanh nghiệp cần nhất.
Doanh nghiệp Việt Nam đang có những bất lợi về chi phí trong hoạt động kinh doanh. Chi phí vốn ở Việt Nam rất cao khi lãi suất ngân hàng phải trả thường cao hơn nhiều các nước khác. Tổng các khoản phải nộp về lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn…
Ở Việt Nam theo tính toán ở mức 34% tổng quỹ lương, mức rất cao so với các quốc gia khác trong khu vực thường xấp xỉ 20%. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính ở Việt Nam dù được cải thiện nhiều thời gian qua nhưng vẫn khá cao, chậm trễ, ách tắc khi thực hiện thủ tục vẫn còn, tình trạng nhũng nhiễu vẫn còn khá phổ biến.
Chính vì thế các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và thiết thực nhất trong thời gian tới là triệt để giảm thuế phí, giảm các mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và miễn đóng phí công đoàn, giảm phí đăng kiểm, giảm phí bảo trì đường bộ, phí hạ tầng cảng biển, giảm tiền thuê đất của nhà nước và nhiều loại phí khác mà doanh nghiệp đang phải đóng. Trong thời gian tới cũng cần phải triệt để giảm thanh tra kiểm tra định kỳ doanh nghiệp để giảm chi phí thời gian, để doanh nghiệp tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để miễn, giảm thuế và các khoản phải nộp của doanh nghiệp. Cách đây ít ngày Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua gói chính sách tài khoá và tiền tệ trong chương trình hỗ trợ phục hồi trong đó có những chính sách giảm thuế, phí cho doanh nghiệp như giảm 2% mức thuế VAT rộng rãi cho các ngành, tiếp tục kéo dài chương trình giảm nhiều khoản thuế phí khác cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh từ năm 2021 sang năm 2022…
Về mặt dài hạn và bền vững, để giảm chi phí cho doanh nghiệp, bên cạnh việc giảm mức thuế phí như trên, theo tôi Việt Nam cần ưu tiên tạo lập một hệ thống pháp luật gọn nhẹ và hiệu quả. Việt Nam có lẽ đã qua thời kỳ ưu tiên ban hành nhanh và nhiều văn bản pháp luật.
Hiện nay việc ban hành và thông qua các đạo luật hay các quy định cần phải tính toán đủ chi phí của quy định. Khi một quy định được ban hành sẽ tạo ra chi phí thực hiện của bộ máy nhà nước, chi phí tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp, chi phí thời gian, chi phí cơ hội… Nếu các khoản chi phí này lớn sẽ tạo ra bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực từ phía nhà nước và sự kém cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Quốc hội cần giám sát và tiếp tục sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hình thành được một quy trình xây dựng pháp luật có đánh giá đầy đủ, toàn bộ các chi phí, lợi ích của quy định khi được ban hành trong thời gian tới. Chỉ xem xét việc ban hành quy định mới nếu lợi ích lớn hơn rõ ràng với chi phí. Cần có cơ chế rà soát định kỳ và bãi bỏ, sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành. Và trong một năm dịch bệnh gây khó khăn, doanh nghiệp phải gắng gượng, những "thăm hỏi" không tên, mời gọi tài trợ dịp lễ, Tết cần dừng lại.
Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI
Nguồn Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/gang-guong-vuot-kho-ca-nam-dung-tham-goi-tai-tro-dip-tet-808567.html
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Tạo “vòng kim cô” kiểm soát quyền lực lập pháp
- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phản biện xã hội
- Nhận diện "giặc nội xâm" lãng phí
- Chống lãng phí từ các dự án treo
- Cảnh giác với chiêu trò mạo danh "phản biện xã hội" nhằm chống phá cách mạng Việt Nam
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa
- Phản biện xã hội và vai trò của phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Cảnh giác trước chiêu trò lợi dụng phản biện xã hội để chống phá